Thị trường tài chính Việt Nam 2022 hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế
Nhìn lại năm 2021: Hệ thống tài chính ổn định, phân tán rủi ro cho nền kinh tế
Nội dung báo cáo được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam có sự hồi phục sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Trong giai đoạn này, hệ thống tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã cho thấy sự ổn định và an toàn hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Trong đó, hệ thống tài chính Việt Nam (gồm thị trường ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm với tổng quy mô tương đương gần 300% GDP) được nhận định đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết vốn, cung ứng hệ thống thanh toán, hỗ trợ và phân tán rủi ro cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dự báo kinh tế - tài chính thế giới trong năm 2022 có nhiều biến động, căng thẳng địa chính trị diễn biến phức tạp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tiếp tục tăng buộc các nước chuyển sang lập trường thắt chặt tiền tệ; Trung Quốc tăng trưởng chậm lại; biên lợi nhuận doanh nghiệp giảm; thị trường tài chính, tiền tệ rủi ro hơn…; báo cáo nhận định thị trường tài chính Việt Nam sẽ đón nhận những thuận lợi và khó khăn đan xen từ nay đến cuối năm.
Nhìn lại năm 2021, báo cáo chỉ ra rằng nền kinh tế thế giới đã có bước phục hồi khá nhanh (tăng 6,1% từ mức -3,1% năm 2020), nhưng đi đôi là lạm phát tăng nhanh (3,8% từ mức 2% năm 2020).
Trong khi đó, thị trường tài chính toàn cầu tiếp đà phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh bình thường mới và niềm tin được củng cố. Ngành ngân hàng trải qua một năm nhiều điểm sáng, tuy nhiên vẫn đối diện với thách thức đáng kể khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm, hoạt động tín dụng kém khả quan và nợ xấu gia tăng ở nhiều quốc gia. Thị trường cổ phiếu hầu hết đều tăng cùng với quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh và độ bao phủ vaccine COVID-19. Thị trường bảo hiểm vẫn đạt mức tăng trưởng tốt trong năm 2021 khi được hưởng lợi từ nhu cầu bảo hiểm tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là với các lĩnh vực sản xuất, thương mại.
Tại Việt Nam, nền kinh tế phục hồi khá nhanh nhờ thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp, mở cửa trở lại từ đầu quý IV/2021, khiến tăng trưởng quý IV/2021 đạt 5,22% từ mức -6,02% quý III/2021. Tính cả năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,58%. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 1,84%, chủ yếu do sức cầu còn yếu, vòng quay tiền chậm.
Thị trường tài chính Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ kinh tế vĩ mô ổn định. Hoạt động của hệ thống tài chính tiếp tục tăng trưởng, môi trường pháp lý cho hoạt động ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, mặt bằng lãi suất vẫn được duy trì ở mức tương đối thấp, tỷ giá được duy trì ổn định. Trên thị trường ngân hàng, vốn điều lệ hệ thống tổ chức tín dụng cả năm ước tăng khoảng 10%. Lợi nhuận trước thuế của 29 ngân hàng thương mại, chiếm đến 80% thị phần, tăng gần 32% trong khi chi phí hoạt động giảm 15%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên mức 152% từ mức 105% năm 2020…
Thị trường chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc năm 2021, với chỉ số VN-Index tăng 35,7%, giá trị vốn hóa tăng 48,4% so với cuối năm 2020 và tương đương 98,4% GDP 2021; thanh khoản bình quân 2 sàn đạt 24,7 nghìn tỷ đồng hay 1,1 tỷ USD/ phiên, tăng 233% so với bình quân năm 2020.
Thị trường trái phiếu Chính phủ tương đối ổn định, trong khi thị trường tổng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển nhanh với quy mô phát hành năm 2021 tăng 42% so với năm 2020.
Thị trường bảo hiểm ghi nhận tăng trưởng cao và tương đối ổn định, với doanh thu đạt 217 nghìn tỷ đồng năm 2021, tăng khoảng 18% so với 2020. Hoạt động liên kết ngân hàng – bảo hiểm (Bancassurance) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa và liên kết hoạt động của ngân hàng và công ty bảo hiểm dù quy mô vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và còn thiếu bền vững.
Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro như nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, tội phạm tài chính tăng trên thị trường ngân hàng; thị trường chứng khoán sau giai đoạn phát triển nhanh đang có những điều chỉnh giảm điểm, xuất hiện hiện tượng thao túng giá, vi phạm công bố thông tin, hay nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều, tâm lý đám đông dẫn dắt…
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, nững rủi ro này đã được các cơ quan quản lý nhận diện và đang có những chính sách, giải pháp khắc phục nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường.
Triển vọng 2022: Các kịch bản cho nền kinh tế và VN-Index
Bước sang năm 2022, TS. Cấn Văn Lực nhận định kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhưng với tốc độ chậm hơn năm ngoái, tăng trưởng GDP toàn cầu khoảng 3,2-3,6% do các nguyên nhân như diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, chiến sự Nga – Ukraine và ảnh hưởng từ các các lệnh trừng phạt…
Với Việt Nam, dự báo kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022, tăng trưởng GDP ở kịch bản cơ sở có thể đạt 5,5-6% và cao hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát được dự báo tăng đáng kể, ở mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023.
Trong bối cảnh đó, TS. Lực nhận định thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, tuy nhiên cũng đối diện nhiều thách thức, đặc biệt từ đà chung của chứng khoán thế giới và những chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Với ngành ngân hàng, lợi nhuận toàn ngành năm nay được kỳ vọng tăng trưởng bình quân khoảng 20-25% so với năm 2021 với tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức 14-15%.
Thị trường chứng khoán dự báo sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đi vào ổn định hơn, lành mạnh hơn với chỉ số VN-Index được dự báo tăng nhẹ khoảng 8% đạt 1.610 điểm trong kịch bản tích cực hoặc giảm nhẹ -4% về mức 1.440 điểm, theo kịch bản tiêu cực.
Trên thị trường trái phiếu, trong khi khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ dự kiến không đổi so với 2021, trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn khi các quy định được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn cùng với tăng cường quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng để giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường.
Thị trường bảo hiểm được dự báo duy trì đà tăng trưởng với doanh thu phí bảo hiểm tăng khoảng 18-20%, trong đó bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng.
Tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia và đại biểu cũng đã đưa ra một số kiến nghị chính sách đối với Quốc hội, Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính và bản thân các định chế tài chính, trong đó nhấn mạnh vào nội dung tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tăng vốn; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách liên quan đến xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường quản lý rủi ro hệ thống tài chính; đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, tài chính - ngân hàng số; khuyến khích phát triển tài chính xanh như tín dụng xanh, trái phiếu xanh…