Thị trường tiền tệ tháng 3: NHNN bơm ròng hơn 31.400 tỷ đồng, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ

Minh Nguyệt 16:13 | 01/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong tháng 3, bơm ròng là xu hướng chủ đạo trên thị trường mở. Động thái dừng phát hành tín phiếu và chào thầu ở kênh cầm cố với kỳ hạn dài hơn (35 ngày và 91 ngày) phản ánh định hướng nhà điều hành sẵn sàng bổ sung thanh khoản cho hệ thống.

Thị trường tiền tệ tháng 3 đã chứng kiến những động thái đáng chú ý từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm ổn định thanh khoản hệ thống tài chính và hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô đang có nhiều biến động.

NHNN dừng phát hành tín phiếu, nới rộng kỳ hạn cho vay trên kênh OMO

Trong tháng 3, bơm ròng là xu hướng chủ đạo trên thị trường mở. Tính đến 31/3, NHNN đã bơm ròng hơn 31.400 tỷ đồng, trong đó hoạt động phát hành tín phiếu là không đáng kể.

Trước đó, ngay đầu tháng 3/2025, NHNN quyết định ngừng phát hành tín phiếu và thay đổi chiến lược chào thầu ở kênh cầm cố với các kỳ hạn dài hơn(35 ngày và 91 ngày), lãi suất vẫn giữ ở mức 4%.

Được biết, đây là lần đầu tiên NHNN điều chỉnh kỳ hạn dài hơn kể từ tháng 12/2022, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) , góp phần giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Đến ngày 4/3, lãi suất tín phiếu giảm 0,9% so với đầu tháng 2/2025 xuống 3,1%/năm. Tại ngày 10/03/2025, quy mô đang lưu hành của kênh cầm cố là khoảng 80.000 tỷ đồng, trong khi lượng tín phiếu đang lưu hành chỉ còn 1.000 tỷ đồng.

 

Nhờ vào biện pháp điều tiết của nhà điều hành, thanh khoản hệ thống TCTD được đảm bảo và có dư thừa, tâm lý thị trường tiền tệ được củng cố, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm. 

Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm bắt đầu ở mốc 4,74% tại ngày 4/3, sau đó giảm xuống 3,88% tại phiên 7/3 và phục hồi trở lại ở mốc 4,81% vào giữa tháng 3, tiếp tục xu hướng giảm chủ đạo trong nửa tháng còn lại. Tại phiên 28/3 lãi suất cho vay qua đêm ghi nhận ở mốc 3,53%, mức thấp nhất trong tháng, giảm 1,28 điểm % so với mức đỉnh trong tháng.

Chênh lệch giữa lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) của Mỹ và lãi suất qua đêm của tại Việt Nam tại phiên 28/3 là 0,81 điểm %. Chênh lệch lãi suất USD - VND tăng cao đang gây thêm áp lực cho tỷ giá.

Các chuyên gia chứng khoán VPBankS dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ biến động linh hoạt theo cung - cầu vốn, tuy nhiên khó có khả năng tăng mạnh nhờ chính sách điều tiết phù hợp từ NHNN.

 

Tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng chủ đạo

Đầu tháng 3/2025, tỷ giá VND/USD chịu tác động của sự giao thoa giữa áp lực toàn cầu (chính sách thuế quan, biến động chỉ số DXY, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các yếu tố nội địa (nhu cầu nhập khẩu, dòng vốn FDI, can thiệp của NHNN).

Trong giai đoạn này, tỷ giá giao dịch bán trên thị trường tự do vẫn có xu hướng dao động trong khoảng 25.700 - 25.860 VND/USD.

Diễn biến nổi bật nhất đối với tỷ giá USD/VND trong tháng qua là việc NHNN liên tiếp điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm đồng thời thay đổi giá mua-bán USD tại Sở giao dịch.

Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố tại ngày 3/3 ở mốc 24.758 VND/USD, tiếp tục xu hướng tăng chủ đạo trong tháng 3; ghi nhận trong ngày 31/3, tỷ giá trung tâm niêm yết ở mức 24.837 VND/USD, tăng 79 đồng riêng trong tháng và tăng 477 đồng so với thời điểm đầu năm.

Trong khoảng một tuần cuối tháng 3, nhà điều hành đã lần đầu tiên nâng giá bán USD tham khảo lên mốc 26.000 VND/USD (ngày 21/3) rồi liên tục tăng dần qua các phiên. So với đầu năm, giá bán tham khảo USD đã tăng thêm gần 560 đồng, tương đương mức tăng 2%.

Động thái này cho thấy tín hiệu về việc NHNN đang chấp nhận một mức biến động tỷ giá mạnh hơn nhằm giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD trong năm vừa qua.

(Nguồn: VDSC)

Cũng trong tháng, Kho bạc Nhà nước đã liên tục chào mua USD từ các ngân hàng thương mại với tổng trị giá lên tới 730 triệu USD, điều này càng làm thắt chặt nguồn cung ngoại tệ và tạo thêm áp lực lên tỷ giá.

Các chuyên gia Chứng khoán Vietcap dự báo việc lãi suất liên ngân hàng giảm và Kho bạc Nhà nước cần mua USD từ các ngân hàng thương mại để thanh toán trái phiếu sắp đáo hạn có thể tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng nhận định sự sụt giảm của chỉ số sức mạnh USD (DXY) trong tuần đầu tháng 3 (giảm 3,6%) có thể giúp ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, Vietcap kỳ vọng dòng vốn FDI mạnh mẽ và sự thu hẹp của thâm hụt thương mại dịch vụ sẽ góp phần hỗ trợ tỷ giá USD/VND.

Trong bối cảnh môi trường vĩ mô đang từng bước phục hồi nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức như bất ổn địa chính trị và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự linh hoạt trong chính sách điều hành của NHNN là rất cần thiết.

Những triển vọng tích cực từ thương mại và dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ hỗ trợ NHNN duy trì lãi suất ở mức phù hợp, tạo động lực thúc đấy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa mới được công bố, Ngân hàng Standard Chartered đã điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/VND lên 26.000 (từ mức trước đó là 25.450) vào giữa năm và 25.700 (từ 25.000) cuối năm 2025.

Lý giải cho sự điều chỉnh này, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Cấp cao Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết VND đã duy trì xu hướng chung với các đồng tiền thuộc thị trường mới nổi châu Á trong ba năm qua, chịu tác động từ môi trường USD mạnh.

Mặc dù biến động thị trường vẫn ở mức thấp, các yếu tố bên ngoài như các động lực thương mại và điều kiện kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá.