Thị trường xe máy điện đang nóng dần

Vũ Đậu 17:09 | 17/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước xu hướng hạn chế xe xăng tại các đô thị để giảm ô nhiễm, xe máy điện gần như là giải pháp tất yếu. Thị trường này sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI.

Theo Motorcycles Data, trong năm 2024 thị trường xe máy Việt Nam tiêu thụ gần 3 triệu chiếc. Trong đó, xe điện chiếm khoảng 12%, tương đương 360.000 chiếc. Tuy con số này còn khiêm tốn so với tổng lượng xe lưu thông, nhưng đã cho thấy mức tăng trưởng đáng chú ý trong vài năm trở lại đây. Bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, ý thức bảo vệ môi trường được nâng lên, cùng xu hướng chuyển đổi sang phương tiện xanh đang ngày càng rõ rệt. 

Xe máy điện đang là xu hướng không thể đảo ngược, và Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành trung tâm sản xuất xe điện hai bánh trong khu vực. 

Dự báo từ Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng Việt Nam cần đạt từ 12-16 triệu xe máy điện lưu hành vào năm 2035 để đáp ứng các cam kết về phát thải. Đây vừa là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp tham gia sớm, vừa là thách thức không nhỏ khi thị trường vẫn còn ở giai đoạn chuyển tiếp, đòi hỏi chiến lược đầu tư dài hạn và khả năng thích ứng cao.

Thị trường xe máy điện trong nước hiện chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng của các thương hiệu ngoại, đặc biệt là từ Trung Quốc và Nhật Bản. Những cái tên như Dibao (chiếm 11,8% thị phần) và Yadea (8,6%) đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần bằng cách tận dụng lợi thế về giá cả, mẫu mã đa dạng và tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường.

Điểm mạnh lớn nhất của các doanh nghiệp này chính là việc sở hữu chuỗi cung ứng toàn diện, từ nguyên liệu, linh kiện đến sản phẩm hoàn chỉnh. Nhờ đó, họ có thể kiểm soát giá thành và rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường. Đây là yếu tố mà phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các đơn vị nhỏ và vừa, vẫn chưa theo kịp.

Không chỉ các thương hiệu giá rẻ, các tập đoàn toàn cầu như Honda cũng chính thức tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này. Việc ra mắt mẫu xe điện Icon e: và triển khai mô hình cho thuê xe học sinh là chỉ dấu cho thấy các “ông lớn” đang chủ động xây dựng chiến lược chiếm lĩnh thị phần một cách bài bản và dài hơi.

Một trong những khó khăn của khách hàng sử dụng xe máy điện là vấn đề sạc pin, nhất là với nhóm sinh sống tại các khu chung cư.

Trong bức tranh cạnh tranh sôi động đó, VinFast hiện là thương hiệu nội địa duy trì vị thế dẫn đầu với 43,4% thị phần. Không chỉ cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng, hãng còn đầu tư xây dựng một hệ sinh thái khép kín bao gồm: trạm sạc, trung tâm bảo hành, nền tảng kết nối người dùng và các gói tài chính đi kèm.

Một điểm đáng chú ý trong chiến lược của VinFast là việc dừng mô hình cho thuê pin - từng bị cho là gây tâm lý dè dặt cho người tiêu dùng - để chuyển sang hình thức bán trọn gói. Đồng thời, việc hạ giá mẫu xe Motio xuống 14,9 triệu đồng được đánh giá là bước đi chiến lược nhằm tiếp cận nhóm khách hàng phổ thông - phân khúc lớn nhất và cũng cạnh tranh nhất tại Việt Nam.

Xếp sau VinFast, Pega là doanh nghiệp Việt có thị phần đứng thứ hai (15,7%), nhờ sản phẩm có thiết kế hợp thị hiếu và giá thành hợp lý. Tuy nhiên, phần lớn các hãng nội địa còn lại tập trung vào phân khúc giá rẻ, chịu áp lực lớn về biên lợi nhuận và lệ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu - đặc biệt là pin và động cơ, vốn là những thành phần then chốt ảnh hưởng đến chất lượng và chi phí xe điện.

 Cuộc đua xe máy điện đang nóng ở hầu hết mọi phân khúc - Ảnh minh họa B.A.

Không chọn cách cạnh tranh về giá, Dat Bike - một startup thuần Việt lại tìm cơ hội ở phân khúc trung và cao cấp. Hãng định vị sản phẩm bằng thiết kế mạnh mẽ, động cơ khỏe, pin dung lượng lớn. Với kế hoạch mở hơn 50 cửa hàng vào năm 2025, Dat Bike đang cho thấy tham vọng nghiêm túc trong việc chiếm lĩnh thị phần khách hàng trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng chi tiêu.

Tuy nhiên, như mọi startup khác, Dat Bike vẫn đối mặt với những bài toán căn bản: làm sao để mở rộng quy mô mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ, kiểm soát chi phí vận hành, đồng thời xây dựng hệ thống sạc - bảo hành - chăm sóc khách hàng đủ rộng để tạo trải nghiệm đồng bộ và bền vững.

Về năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường xe máy điện, tính đến tháng 6/2025, một số nhà sản xuất trong nước đã đạt công suất đáng kể. Cụ thể, Nhà máy Tailg Việt Nam có khả năng cung ứng hơn 350.000 sản phẩm mỗi năm; VinFast đạt 250.000 xe/năm; Yeada khoảng 500.000 xe/năm; AIMA đạt 100.000 xe/năm; trong khi Yamaha cung cấp khoảng 20.000 xe/năm...

Trong bối cảnh lộ trình thay thế xe máy sử dụng động cơ xăng bằng xe máy điện bắt đầu từ ngày 1/7/2026, nhu cầu thị trường đang có dấu hiệu nóng lên. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường năng lực sản xuất, phân phối và bảo đảm nguồn cung phù hợp với tốc độ chuyển đổi đang được thúc đẩy.

Việc nắm giữ công nghệ cốt lõi như pin, động cơ và hệ điều khiển sẽ là nền tảng tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài. Đồng thời, đầu tư bài bản vào dịch vụ hậu mãi, số hóa trải nghiệm khách hàng, triển khai các giải pháp tài chính linh hoạt và phát triển hạ tầng sạc đô thị sẽ là những yếu tố không thể thiếu.