Thời điểm để thành phố Thanh Hóa “vươn mình” trở thành đô thị tiêu biểu của Bắc Trung Bộ

09:59 | 17/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo “Đề án xây dựng thành phố Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” tỉnh Thanh Hóa sẽ đưa thành phố Thanh Hóa trở thành một đô thị tiêu biểu của khu vực Bắc Trung Bộ.

Tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh

Chiều ngày 16/9/2021, Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị về báo cáo Đề án xây dựng thành phố Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, do ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị

Đô thị thông minh là đô thị được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin giúp kết nối và tạo nên một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Theo đề án, mục tiêu của đề án giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, tăng cường sự kết nối giữa các lĩnh vực trong thành phố, nâng cao chất lượng sống và làm việc, quản trị đô thị thông minh hơn, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế bền vững của thành phố Thanh Hóa.

Thanh Hóa sẽ xây dựng thành phố Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025

Đến năm 2030, sẽ tiến đến đưa thành phố Thanh Hóa trở thành một đô thị tiêu biểu của khu vực Bắc Trung Bộ, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu đưa tỉnh Thanh Hóa hướng tới là một trong các tỉnh dẫn đầu về phát triển kinh tế trong khu vực. Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đồng bộ (đặc biệt là dữ liệu người dân, dữ liệu hạ tầng không gian), phân tích dữ liệu lớn, dự báo hỗ trợ ra quyết định để hướng đến phục vụ người dân, du khách tốt hơn. Các dịch vụ công được được cung cấp dưới dạng cá nhân hóa theo nhu cầu, phát huy nguyên tắc người dân làm trung tâm của đô thị thông minh.

Cũng theo báo cáo; mô hình, lộ trình triển khai Đô thị thông minh sẽ được thực hiện trên 07 lĩnh vực, gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT và viễn thông phục vụ đô thị thông minh, lĩnh vực Quản lý điều hành, lĩnh vực Văn hóa xã hội, lĩnh vực An ninh trật tự; Lĩnh vực Giao thông vận tải, lĩnh vực Môi trường, lĩnh vực kinh tế.

Đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa

Để hiện thực hóa được những mục tiêu trên, đề án cũng đưa ra những đề xuất cụ thể, như: Sớm phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 có cập nhật, phù hợp với định hướng phát triển đô thị thông minh. Xây dựng và ban hành "Đề án xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh"; mục tiêu của đề án là xây dựng được một kiến trúc tổng thể của đô thị thông minh; trong đó, cần xác định rõ các nội dung, thứ tự ưu tiên các công việc, các dự án cần làm. Sớm ban hành thể chế, hệ thống các văn bản quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị thông minh phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam. Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành…

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao tính khả thi của đề án và sự chuẩn bị công phu của đơn vị tư vấn. Ông Liêm đề nghị đơn vị tư vấn và đơn vị chủ trì xây dựng đề án tiếp thu ý kiến tại hội nghị, đồng thời tiếp tục xin ý kiến các sở, ngành, liên quan, sớm hoàn thiện lại đề án, báo cáo Hội đồng thẩm định của tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa

Liên qua quan đến vấn đề trên, ngày 18/8/2021, tại hội nghị do ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn chủ trì, thì Đề án “Xây dựng và phát triển thánh phố Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 có tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 15,3%, thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 130 triệu đồng, tổng huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 đạt 180.000 tỷ đồng, tổng giá trị xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 đạt 10.660 triệu USD; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia năm 2025 đạt 95%, trong đó trường chuẩn quốc gia mức độ II đạt 42%; tỷ lệ tham gia BHYT/tổng số dân năm 2025 đạt 95%.

Giai đoạn 2026-2030 (trên cơ sở sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa), tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 18%, thu nhập bình quân đầu người năm 2030 đạt 230 triệu đồng, tổng huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2026-2030 đạt 254.000 tỷ đồng, tỷ lệ phường, xã đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nâng cao năm 2030 đạt 100%, tỷ lệ phường, xã, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2030 đạt 53%.

Thành phố Thanh Hóa phấn đấu để thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 130 triệu đồng

Để đạt được các mục tiêu trên, đề án đưa ra 4 nhóm nhiệm, giải pháp chủ yếu về kinh tế; văn hoá - xã hội, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển và về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Trong mỗi lĩnh vực đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện. Đơn cử như ở lĩnh vực kinh tế nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; tập trung phát triển 6 trung tâm gồm 12 khu vực để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế.

Thành phố Thanh Hóa trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 43,75% của cả tỉnh Thanh Hóa; tổng vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2016-2020 ước đạt 143.000 tỷ đồng, chiếm 23,44%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 22.500 tỷ đồng, chiếm 18,4%, thành lập mới 6.200 doanh nghiệp, chiếm 44% của cả tỉnh Thanh Hóa, thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2020 ước đạt 73,4 triệu đồng, gấp 1,69 lần trung bình cả tỉnh Thanh Hóa. Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 34.453 tỷ đồng, tăng 1,3% so với kế hoạch, tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Thành phố Thanh Hóa là 1 trong 4 trung tâm động lực của tỉnh Thanh Hoá đã được nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn, với những dự án được nghiên cứu bài bản dựa trên nhu cầu, tiềm năng thực tế. Điển hình như khu vực phía Bắc TP Thanh Hóa, sự xuất hiện của những tên tuổi lớn trong ngành bất động sản như Tập đoàn T&T, liên danh Công ty CP Eurowindow Holding… đã tạo sức nóng cho khu vực này. Theo đó, vào cuối năm 2019 Tập đoàn T&T đã báo cáo ý tưởng quy hoạch 1/2000 khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc thành phố Thanh Hóa và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới tại cửa ngõ phía Bắc thành phố Thanh Hóa.