Thị trường bất động sản năm 2023: Khó có cơn 'sốt đất' trở lại

Đông Bắc 07:35 | 15/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng, khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây cả doanh nghiệp lẫn người tham gia thị trường và tình trạng này có thể kéo dài sang năm 2023.

 

Thị trường bất động sản đang ghi nhận hàng loạt khó khăn khi thanh khoản thấp, nguồn cung khan hiếm, hạn chế room tín dụng, lãi suất tăng cao... Một số địa phương từng xảy ra cơn sốt như Thanh Hoá, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hoà Bình, Thái Bình… đang ghi nhận tình trạng giảm giá bán để nhanh chóng thoát hàng. Sự trầm lắng của thị trường được cho là vòng xoay đúng quỹ đạo sau khoảng thời gian tăng nóng của bất động sản.

Những khó khăn hiện tại của thị trường địa ốc khiến nhiều người dự đoán giá bất động sản còn giảm mạnh ở thời điểm cuối năm 2022 và sang năm 2023.

Theo báo cáo quý III/2022 của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tới bất động sản bán tiếp tục giảm. Cụ thể, Hà Nội giảm 1%, Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14% so với quý trước, trong khi đó tại TP. HCM tăng 6% so với quý II/2022.

Bên cạnh đó, mức độ quan tâm đất nền tại Hà Nội sụt giảm 18%, kéo theo giá rao bán tại một số quận, huyện giảm so với quý trước. Cụ thể, mức độ quan tâm tại Quốc Oai giảm mạnh nhất 39%, Sóc Sơn giảm 30%, Gia Lâm giảm 28%, Thanh Trì giảm 24%. Còn Long Biên, Hà Đông, Hoài Đức, Đông Anh có mức giảm lần lượt là 21%, 18%, 17% và 8%.

Diễn biến ảm đạm cũng xảy ra đối với thị trường miền Nam, theo báo cáo quý III của DKRA Việt Nam về thị trường TP. HCM và vùng phụ cận, thanh khoản đất nền diễn biến ngày càng xấu. Sức cầu của thị trường có xu hướng giảm, tỷ lệ tiêu thụ đạt 52%, là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Mặc dù giá thứ cấp tăng 2-4% so với đầu quý trước tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp.

 Chuyên gia dự báo thị trường bất động sản năm 2023 không mấy tươi sáng. Ảnh KTĐT.

 Có room tín dụng mới sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động  

Trong các buổi tọa đàm liên quan đến nguồn vốn bất động sản mới đây, các chuyên ra đã đưa ra dự báo về tình hình thị trường bất động sản những tháng cuối năm và năm 2023. Trong đó,  PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, nhà đầu tư từng chờ đợi nguồn vốn từ ngân hàng. Nhưng đến hiện tại, việc nới room tín dụng gần như không giải quyết được vấn đề về vốn của thị trường.

Bên cạnh đó, ông Thịnh kỳ vọng vào dấu hiệu và phục hồi tăng trưởng trở lại do tâm lý của người dân vẫn coi bất động sản là kênh đầu tư tích trữ an toàn. Vị chuyên gia này dự báo cuối năm nay và sang năm 2023, thị trường có thể sẽ phục hồi và tăng trưởng dần trở lại do quá trình sàng lọc. Từ đó, những nhà đầu tư yếu kém, vốn mỏng, thiếu chuyên nghiệp bị đẩy khỏi cuộc chơi.

Thong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2023, khi có room tín dụng mới sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động hơn so với hiện tại. Song, sẽ không có chuyện “sốt đất” xảy ra như đầu năm 2022. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ.

“Còn các doanh nghiệp chủ yếu nguồn vốn phát triển từ huy động trái phiếu và vốn vay từ ngân hàng. Do đó, khi nguồn vốn chính tiếp tục bị ảnh hưởng thì câu chuyện nhức nhối của thị trường vẫn là nguồn cung bất động sản vẫn khan hiếm. Do đó, room tín dụng năm 2023 chưa chắc đã giải quyết được vấn đề gốc rễ”, ông Đính nói.

Ông Đính dự báo, nguồn cung khan hiếm tiếp tục đẩy giá nhà ở lên cao, trong khi đó vượt xa khả năng của người mua. Do đó, giao dịch có thể tăng nhưng khó bùng nổ như trước đây.

“Hiện đang trong quá trình để sửa đổi luật liên quan tới bất động sản, một số nhà đầu tư trong thời gian này ngại xuống tiền. Đến khi sửa xong luật, khi mọi thứ đã rõ ràng mới có thể biết được thị trường tiếp tục đi theo hướng nào”, ông Đính nói thêm.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn FDI đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua. Kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI với trên 3,87 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Ông Lê Đình Hảo - Giám đốc khối kinh doanh của một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản dự báo, đầu quý 4 khả năng thanh khoản trên thị trường vẫn chậm, nhưng tới cuối quý thì các chỉ báo sẽ tốt hơn. Nguyên nhân là vì trong quý cuối cùng của năm, các dòng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thường đổ vào bất động sản, hơn nữa đầu tư công, vốn FDI cũng thường được đẩy mạnh vào thời gian này. Kiều hối đổ về nước dự kiến năm nay thu hút 14-16 tỷ USD là trợ lực dòng tiền giúp thị trường cuối năm có thanh khoản tốt hơn.

Dự báo về thị trường những tháng đầu năm 2023, ông Hảo cho rằng dù còn khó khăn nhưng thị trường cũng sẽ dần ổn định hơn khi chính sách liên quan lãi suất tín dụng, tỷ giá được ban hành ổn định. Thực ra thị trường hiện cũng đang được hỗ trợ bởi chính sách 2% cho doanh nghiệp (gói 25.000 tỷ) và người mua nhà (gói 15.000 tỷ), nhưng hiện tại chưa hấp thụ tốt, vì doanh nghiệp được hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện như không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo, dòng tiền ổn định... Tuy nhiên năm 2023, khi ổn định chính sách lãi suất thì các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn, giúp thị trường ổn định hơn.