Thu hút vốn FDI năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc vượt 42% kế hoạch
Năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được hơn 425 triệu USD vốn FDI, bằng 142% kế hoạch. Điều đó cho thấy, sự nỗ lực rất lớn trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cũng như sự cố gắng của tỉnh trong cải cách hành chính để Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư gắn bó lâu dài.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đến nay, Vĩnh Phúc có 16 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với diện tích quy hoạch trên 3.100ha; trong đó, có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định, với tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt hơn 95%.
Một số khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao như khu công nghiệp Kim Hoa đạt 100%, khu công nghiệp Bình Xuyên II giai đoạn I đạt 100%, khu công nghiệp Bình Xuyên đạt 98%, khu công nghiệp Khai Quang đạt 96%, khu công nghiệp Bá Thiện II 83%. Riêng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc mặc dù mới đi vào hoạt động cuối năm 2017 nhưng với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại cũng có tỷ lệ lấp đầy 82%.
Sau quý 1 năm 2022, tình hình dịch bệnh đã không còn là mối lo lớn, tỉnh Vĩnh Phúc ngay lập tức chuyển trạng thái thích ứng, linh hoạt chú trọng tới khắc phục hậu quả sau đại dịch, nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhận xét về sự hỗ trợ của chính quyền, ông KC Chen, Tổng giám đốc Công ty TNHH Compal (Việt Nam) tại Khu công nghiệp Bá Thiên cho biết, hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích về thủ tục, nhanh chóng, tiện lợi. Nhiều thắc mắc của doanh nghiệp được giải đáp ngay. Nhờ đó, doanh thu năm 2022 của công ty vẫn đạt 63% so với năm trước, mọi quyền lợi cho người lao động vẫn được đảm bảo.
Vĩnh Phúc chăm lo đời sống công nhân lao động trong khu công nghiệp
Dự án Chi nhánh Công ty TNHH Asahi Intecc Hà Nội-Nhà máy Vĩnh Phúc là doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) vừa được tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 12/2022 sau một tuần nộp hồ sơ. Đây là dự án của Nhật Bản có tổng nguồn vốn đầu tư lớn thứ hai trong khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc.
Dự án có tổng mức đầu tư đạt 74 triệu USD, mục tiêu của dự án là sản xuất, gia công, lắp ráp các sản phẩm sử dụng trong ngành y tế và một số ngành công nghiệp khác, bao gồm cáp thép không gỉ (dùng trong công nghiệp); dây dẫn nong động mạch vành; ống nhựa dùng cho kim tiêm; sản xuất thiết bị đo lường, kiểm tra, định hướng và điều khiển; sản xuất máy công cụ và máy tạo hình kim loại.
Ông Yo Nobuta, Giám đốc Công ty TNHH Asahi Intecc Hà Nội-Nhà máy Vĩnh Phúc, cho biết công ty chọn Vĩnh Phúc là điểm đầu tư vì vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn lao động. Trong thời gian ngắn công ty đã được giấy chứng nhận đầu tư, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng, đầu tư nhà máy sản xuất. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng hơn 1.600 lao động.
Không chỉ riêng công TNHH Asahi Intecc Hà Nội-Nhà máy Vĩnh Phúc, trong năm 2022, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp mới 26 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 35 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 425,9 triệu USD, đạt 142% kế hoạch đề ra.
Các dự án mới cấp năm 2022 thuộc chủ yếu các lĩnh vực sản xuất điện tử, linh kiện điện tử; sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy và sản xuất các sản phẩm công nghiệp khác. Trong số đó, lĩnh vực sản xuất điện tử, linh kiện điện tử chiếm 39% (16/41 dự án) và sản xuất các sản phẩm công nghiệp khác chiếm 56% số dự án thu hút mới năm 2022 (23/41 dự án).
Các dự án FDI thu hút mới trong năm 2022 đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Hàn Quốc; Nhật Bản; Trung Quốc; Đài Loan; Singapore và British Virgin Islands; trong đó Hàn Quốc chiếm 54% số dự án FDI đầu tư vào các khu công nghiệp trong năm 2022 (14/26 dự án).