Thu lãi cao nhất lịch sử, vì sao HAGL của Bầu Đức vẫn bị kiểm toán 'nghi ngờ khả năng hoạt động'?

Lạc Lạc 10:28 | 03/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau nhiều năm chịu cảnh thua lỗ khi quyết định chuyển hướng ngành nghề kinh doanh và dồn tất cả nguồn lực vào nông nghiệp, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) của "bầu Đức" đã thoát cảnh thua lỗ và thu về cả doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động trong năm 2022. Thế nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa thoát cảnh "nghi ngờ khả năng hoạt động" từ đơn vị kiểm toán.

Sau 5 năm liên tiếp bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, HAGL đã trải qua một năm 2022 với dấu mốc "bứt phá" trở lại đường đua lợi nhuận nghìn tỷ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 5.198 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ so với báo cáo tự lập.

Tuy nhiên, do chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng cao dẫn đến sau kiểm toán lợi nhuận sau thuế của HAGL giảm 56 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước, còn 1.125 tỷ đồng, gấp khoảng 9 lần năm 2021. 

 

Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo hợp nhất kiểm toán, công ty kiểm toán Ernst & Young lưu ý đến thuyết minh số 2.6.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, tập đoàn có khoản lỗ lũy kế 3.341 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.180 tỷ đồng. Ngoài ra, tại ngày này, tập đoàn cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu.

"Tình trạng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL" - đơn vị kiểm toán nhận định.

Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp Ernst & Young nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HAGL.

Trong văn bản giải trình, ông Võ Trường Sơn -  Tổng Giám đốc HAGL cho biết, trong năm 2023, doanh thu từ bán trái cây và heo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và đem lại nguồn tiền chính cho tập đoàn.

Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, HAGL đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Doanh nghiệp cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan. Theo đó, tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban Tổng giám đốc HAGL tiến hành lập báo cáo tài chính trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng vay nợ của HAGL giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó vay nợ ngắn hạn 4.000 tỷ đồng và vay nợ dài hạn 4.165 tỷ đồng. 

Cũng trong báo cáo kiểm toán, thu nhập của vị Chủ tịch HĐQT cùng ban lãnh đạo HAGL trong năm qua cũng được hé lộ. Theo đó, bầu Đức có thu nhập vào mức 2,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2021. Tính trung bình, mỗi tháng ông có thu nhập tại HAGL là 215 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nhận thù lao tại các công ty con với 58,5 triệu đồng trong năm qua.

Tại HAGL, Tổng Giám đốc là ông Võ Trường Sơn có mức thu nhập cao thứ hai với 2,1 tỷ đồng cho cả năm. Theo tìm hiểu, đây đã là năm thứ 17 ông Sơn gắn bó với doanh nghiệp. Trước khi gia nhập HAGL, ông Sơn làm việc tại công ty kiểm toán, trong đó ông từng là Chủ nhiệm kiểm toán cao cấp tại Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (đơn vị kiểm toán cho HAGL trong nhiều năm). 

Hai Phó Tổng Giám đốc tại HAGL mức thu nhập cả năm vào khoảng 1,1-1,5 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Dai - Thành viên độc lập của HĐQT, người được bầu Đức gọi là "công thần" tạo ra công thức thức ăn chăn nuôi từ chuối thải, có thu nhập chỉ 108 triệu đồng cho cả năm.

Tổng thu nhập HAGL chi cho ban lãnh đạo chủ chốt năm 2022 là 10,6 tỷ đồng.