Thu nhập 3.000 USD/năm, người Việt mua xe thường còn khó đừng nói ô tô điện
Tại Hội thảo về "Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam" mới được tổ chức tại Hà Nội, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, cần sửa đổi rất nhiều chính sách pháp luật để Việt Nam có xe điện giá rẻ.
Bỏ phí trước bạ xe điện càng sớm, càng tốt
Theo ông Tuấn Anh, việc chuyển đổi lộ trình xe điện cần xem xét kỹ, phù hợp với quy hoạch, lộ trình phát triển nhiên liệu sạch cho ô tô điện, quy hoạch trạm điện cho phương tiện…
Nhiều chuyên gia dự đoán năm 2045 phần lớn xe bán ra là xe điện, tôi nghĩ việc này rất khó. Hiện chúng ta chỉ có một chính sách sản xuất ô tô, xe máy, bao gồm cả xe điện.
Để phát triển xe điện, Bộ Công Thương đã có kiến nghị Bộ Tài chính, cần thu hút các dự án, các nhà đầu tư FDI bằng chính sách thuế, phí, môi trường. Cùng đó, Việt Nam phải xây dựng công nghiệp phụ trợ để phục vụ cho các dự án FDI có thể đầu tư sản xuất xe điện ở Việt Nam..
"Thực trạng hiện nay tại Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 3.000 USD nên việc sử dụng xe ô tô thông thường đã rất khó khăn, chưa nói đến ô tô điện, vốn có giá thành cao hơn so với các xe sử dụng động cơ đốt trong cùng phân khúc" - đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Theo ông Đào Công Quyết - đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đề xuất miễn luôn toàn bộ lệ phí trước bạ càng sớm càng tốt, đồng thời chúng tôi cũng đề xuất miễn luôn cả phí đậu xe. Đây cũng là một trong những loại phí nên khuyến khích cho người sử dụng.
Vị đại diện VAMA cho rằng, muốn xe điện hóa ở Việt Nam cần có lộ trình 3 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2025 đến năm 2050, trong đó, năm 2020-2021 là giai đoạn khởi đầu; giai đoạn hai từ 2030-2040 là giai đoạn tăng trưởng nhanh và giai đoạn sau cùng 2040-2050 là giai đoạn ổn định.
Theo ông Quyết, giai đoạn đầu là giai đoạn khuyến khích người sử dụng để tạo ra thị trường; đề xuất ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe HEV, BEV.
Cùng đó, chúng ta có thể hỗ trợ lệ phí trước bạ áp dụng cho từng loại xe để tạo ra thị trường cho dòng xe điện hóa; Hỗ trợ cho người sử dụng xe điện các loại phí về môi trường, phí đậu xe hay vị trí đậu xe ở những nơi công cộng.
Ông Đào Công Quyết, đại điện VAMA
Đừng để Việt Nam là vùng trũng, bãi rác
Ông Trương Bá Tuấn - Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) - cho biết, để thúc đẩy phát triển sử dụng xe điện bên cạnh việc sản phẩm xe điện có giá thành hợp lý thì có được các trạm sạc tiện lợi cũng rất cần thiết.
Theo ông Tuấn, nếu Việt Nam có được hệ thống trạm sạc đồng bộ sẽ thúc đẩy việc sử dụng xe điện trong nước. Vì vậy, cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển trạm sạc, bên cạnh chính sách thúc đẩy sản xuất xe điện.
Ông Trương Bá Tuấn, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính.
"Để có được chính sách ưu đãi phù hợp cho việc xây dựng phát triển trạm sạc điện, phải rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật có liên quan làm căn cứ để xây dựng những chính sách phù hợp" - ông Tuấn nói.
Theo PGS, TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách Khoa Hà Nội), trước thách thức về năng lượng và khí thải ô nhiễm môi trường, xe điện là giải pháp khả thi nhất tại thời điểm này.
"Nếu không bắt nhịp được, chúng ta sẽ trở thành vùng trũng, là bãi rác công nghệ của thế giới. Việc bắt buộc phải chuyển đổi sang phương thức vận tải xanh, thân thiện với môi trường là điều bắt buộc" - ông Phúc nói.
Về lộ trình, ông Phúc cho rằng càng nhanh càng tốt. Lộ trình có 2 vấn đề cần cân nhắc: Thứ nhất là phải đặt trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực. Thứ hai là ý muốn chủ quan, do đó không thể đưa ra lộ trình cụ thể.
PGS, TS Đàm Hoàng Phúc, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Ông Phúc cho rằng lạc quan nhất đến 2045 - thời điểm 100 năm thành lập nước - có thể đạt tối thiểu lượng xe bán ra là xe điện. Đặt mốc như vậy thì mới đưa ra lộ trình được.
Về quy định, có nên bắt buộc thực hiện lộ trình loại bỏ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch? Ông Phúc lấy ví dụ từ Mỹ và Trung Quốc, việc đưa ra chính sách, luật hóa chính sách đã được họ thực hiện. Khi đã luật hóa có nghĩa là bắt buộc phải thực hiện. Đây là cách thức để thúc đẩy nhanh vấn đề này.