Thủ tục bán nhà đất khi sổ đỏ ghi tên 'hộ gia đình'
Nhiều người không khỏi băn khoăn liệu thủ tục bán nhà đất khi sổ đỏ ghi tên 'hộ gia đình' có gì khác biệt so với cá nhân.
Anh Thanh cho hay, anh có bỏ tiền mua một căn nhà, thế nhưng sổ đỏ của căn nhà lại ghi là 'hộ gia đình'. Giờ anh muốn bán căn nhà trên nhưng không khỏi băn khoăn liệu thủ tục bán nhà đất khi sổ đỏ ghi tên 'hộ gia đình' có gì khác biệt so với cá nhân.
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Hà Nội) tư vấn, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tức sổ đỏ) có thể cấp cho cá nhân hoặc cấp cho hộ gia đình theo quy định pháp luật về đất đai.
Khoản 29 điều 3 Luật Đất đai 2013 có quy định, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung vào thowfid diểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng và có chuyển quyền sử dụng.
Trong khi đó, quyền sử dụng đất cấp cho cá nhân thì việc chuyển nhượng chỉ cần người có tên trên sổ đỏ và vợ/chồng của người đó (nếu là tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ cấp cho 1 người vì lý do nào đó) ký hợp đồng chuyển nhượng có công chứng.
Đối với sổ đỏ cấp cho hộ gia đình (trên sổ đỏ ghi 'Hộ ông/bà...' và bên cạnh có sổ hộ khẩu) thì tất cả thành viên trong hộ (tính theo thời điểm cấp giấy chứ không tính thời điểm chuyển nhượng) đều có quyền lợi ngang nhau với quyền sử dụng đất.
Theo khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014, hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hộ gia đình phải được người có tên trên sổ đỏ hoặc người được ủy quyền hợp pháp. Bên cạnh đó, khoản 5 điều 14 Thông tư số 02/2015 cũng quy định, người có tên trên sổ đỏ hoặc người được ủy quyền theo quy định pháp luật về dân sự tại khoản 1 điều 64 Nghị định số 43/2014 chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi các thành viên trong hộ gia đình đồng ý bằng văn bản công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
Do đó, trong trường hợp của anh Thanh, nếu anh muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất với sổ đỏ hộ gia đình thì phải có sự tham gia đày đủ của các thành viên trong hộ.
Cũng theo luật sư, khi chuẩn bị thủ tục, bên chuyển nhượng hoặc bên nhận cần liên hệ với tổ chức công chứng (Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng) trong tỉnh, tình phố trực thuộc trung ương nơi có đất để đề nghị chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng. Đây là hợp đồng do công chứng viên soạn thảo theo mẫu, gồm thông tin cơ bản mà các bên mua bán cung cấp.
Sau khi công chứng hợp đồng, một trong các bên (tùy thỏa thuận ghi trong hợp đồng) sẽ liên hệ, nộp hồ sơ đăng ký biến động ở cơ quan tài nguyên và môi trường có thẩm quyền. Sau đó, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ tới cơ quan thuế để cơ quan thuế xem xét, tính thuế và ra thông báo cho người nộp thuế, phí, lệ phí.
Sau khi nộp các khoản lệ phí theo thông báo, đương sự nộp lại chứng từ, biên lai nộp thuế, phí, lệ phí tới cơ quan tài nguyên môi trường và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bên nhận chuyển nhượng đứng tên.
Linh Chi (t/h)