Thừa Thiên - Huế: Giải quyết việc làm cho lao động từ miền Nam trở về bằng cách nào?

07:00 | 12/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành xây dựng các kịch bản mới, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế trong những năm tới. Bên cạch đó, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động từ miền Nam trở về.

Thời gian qua, kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào ngày 27/4/2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành thực hiện tất cả các biện pháp mạnh, giải pháp tốt đều được tỉnh áp dụng linh hoạt, triệt để. Đến nay, sau gần 5 tháng xuất hiện ca bệnh mới, Thừa Thiên - Huế từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch xuất hiện tại cộng đồng, tạo điều kiện thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Qua công tác đánh giá, kiểm tra tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của năm 2021 cơ bản được duy trì ổn định, đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể, về phát triển kinh tế - xã hội, ngoài khu vực du lịch, dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, một số điểm sáng đáng ghi nhận là thu ngân sách sau 9 tháng đã vượt chỉ tiêu của cả năm; kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng trưởng khá; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chú trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn, giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nguyễn Văn Phương cho biết, nhằm thực hiện “Thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống bình thường mới”, Tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19. Triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 theo quy định. Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch. Rà soát, chuẩn bị các kịch bản và phương án ứng phó với dịch bệnh trong mọi tình huống; chủ động ứng phó kịp thời với từng cấp độ dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nguyễn Văn Phương kiểm tra công tác chống dịch tại các chốt kiểm soát y tế

Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương tổ chức đánh giá cụ thể mức độ tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với ngành, lĩnh vực và địa phương; xác định những thời cơ mới, động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở xây dựng các kịch bản tăng trưởng năm 2022 và những năm tiếp theo theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào GRDP và thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Cùng với đó, tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án lớn, trọng điểm đã được cấp chủ trương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm để tạo động lực tăng trưởng mới. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; kiên quyết thu hồi, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kéo dài, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư. Quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp. Chú trọng đổi mới công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Chuẩn bị kỹ lưỡng, nâng cao tính sẵn sàng của các dự án kêu gọi đầu tư. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các chính sách, cơ chế hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện phát triển du lịch trong tình hình mới; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là đối với các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu. Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thành lập mới, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết thêm, một vấn đề được lãnh đạo tỉnh quan tâm và chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai trong thời gian qua là công tác giải quyết việc làm cho người dân Thừa Thiên - Huế từ địa phương khác về và người lao động mất việc gắn với an sinh xã hội. Yêu cầu các địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tạo thêm việc làm cho người lao động; quan tâm các mô hình sinh kế, nhất là các dự án đã có định hướng phát triển kinh tế để thu hút người lao động. Phối hợp với các ngành liên quan giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, giúp người lao động giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập.

Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện có hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, ưu tiên chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho những lao động có nhu cầu.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay, toàn tỉnh có hơn 25.000 người trong độ tuổi lao động trở về địa phương. Trong đó, 1.400 lao động có nhu cầu học nghề, hơn 4.600 người có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm, gần 9.800 lao động có nhu cầu giới thiệu việc làm và 342 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

Tiến hành giải quyết việc làm cho người lao động từ miền Nam trở về

Trải qua 4 đợt dịch, đã có hàng chục nghìn người dân tỉnh TT-Huế đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở về địa phương.

Trong số đó, qua công tác rà soát, tỉnh ghi nhận những người dân này do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, không có công việc, mất thu nhập nên mong muốn về quê để tìm kiếm việc làm mới.

Thời gian qua, ngành lao động của tỉnh đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 9.800 lao động có nhu cầu tìm việc làm vào làm việc tại 34 doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng, để giúp người dân ổn định cuộc sống.