Thưởng Tết 2021: Người lao động thấp thỏm, doanh nghiệp than khó, có thể thay tiền bằng hiện vật

11:53 | 11/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều công ty thương mại điện tử, ngân hàng… dự báo có thưởng Tết to, trong khi các hãng dệt may, da giày phấn đấu thưởng tháng lương thứ 13. Doanh nghiệp vận tải, du lịch… nói, nhắc đến thưởng Tết chỉ thêm buồn.

Người lao động thấp thỏm


Theo Tiền Phong, những ngày này, tại Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), anh Nguyễn Đình Đoàn, một công nhân của một công ty sản xuất lốp vẫn miệt mài tăng ca lên tới 10 - 12 giờ/ngày để có đủ tiền trang trải cho gia đình.

Anh Đoàn cho biết, dịch bệnh kéo dài, công ty gặp khó khăn buộc phải cắt giảm nhân sự. Riêng năm nay, anh phải nghỉ việc hơn 3 tháng.
 
Thưởng Tết 2021: Người lao động thấp thỏm, doanh nghiệp than khó, có thể thay tiền bằng hiện vật - ảnh 1
Thưởng Tết 2021 khiến nhiều người lao động thấp thỏm

Sau khi công ty hoạt động trở lại hồi tháng 6, công việc không được đều đặn như trước. Công ty không tổ chức làm thêm, mà chỉ làm 2 ca vào ban ngày, nên thu nhập của anh giảm hơn nhiều so với năm ngoái.

Anh cho biết, nếu như cùng kỳ năm trước, thu nhập dao động 8-9 triệu đồng, thì năm nay chỉ 5,5 - 6 triệu đồng. Vì vốn thu nhập ít ỏi nên anh không để ra được đồng nào.

Anh Đoàn thấp thỏm mong thưởng Tết. Tuy nhiên đến giờ công ty chưa có thông tin gì về thưởng Tết dương lịch, cũng như âm lịch. Theo anh, với tình hình hoạt động của công ty, thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với mọi năm. Giờ anh em chỉ mong được tăng ca để có thêm thu nhập về quê ăn Tết thôi.

Tương tự, chị Lê Thị Hoài, một công nhân dệt may cho biết, chị hy vọng công ty sẽ thưởng Tết âm lịch để có tiền trang trải trong tháng Tết.

Chị cho biết, năm nay do dịch COVID-19, thu nhập mỗi tháng của chị còn hơn 6 triệu đồng. “Công ty của chị đã thông báo thưởng Tết dương lịch 500 nghìn đồng/công nhân, còn thưởng Tết âm lịch thì chưa biết”, chị Hoài cho biết thêm.
 
Thưởng Tết 2021: Người lao động thấp thỏm, doanh nghiệp than khó, có thể thay tiền bằng hiện vật - ảnh 2
Các doanh nghiệp dệt may sụt giảm doanh thu khoảng 20-30%

Doanh nghiệp than khó


Các hãng hàng không từng công bố mức lỗ hàng nghìn tỷ đồng đến nay chưa đề cập gì tới thưởng Tết. Do đó, vận tải là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 khái niệm thưởng Tết được xem là xa xỉ với người lao động trong ngành này. 

Thậm chí, các hãng còn phải áp dụng cho lao động nghỉ việc luân phiên để giảm chi phí; đi làm đảm bảo mức thu nhập tối thiểu. Được đi làm đầy đủ và có đủ lương đã là mơ ước của lao động ngành hàng không vào lúc này.

Còn với các hãng taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, taxi truyền thống vốn đã chật vật cạnh tranh với taxi công nghệ, năm 2020 lại thêm dịch COVID-19, bao nhiêu nỗ lực phục hồi lại bị đánh tụt. Các doanh nghiệp taxi phải cắt giảm bớt đầu xe, doanh thu sụt giảm 60-70% so với năm trước, bức tranh kinh doanh vận tải khách rất ảm đạm.
 
“Năm nay rất khó khăn, nói gì tới thưởng Tết cho thêm buồn. Lương cho người lao động chúng tôi phải nỗ lực lắm mới không phải nợ, nhưng đã phải trả chậm, nên chưa nghĩ gì tới thưởng Tết”, ông Hùng chia sẻ với Tiền Phong.

Còn ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vận tải Hoàng Hà (kinh doanh xe khách, taxi, xe buýt…) cho biết, taxi đã gặp khó, vận tải khách tuyến cố định còn khó hơn. Bởi vậy, giờ lo được đủ lương cho anh em hằng tháng đã là may, vừa rồi anh em còn phải nghỉ luân phiên, đi làm nửa tháng hưởng nửa lương. Ông hy vọng nhu cầu đi lại dịp Tết tăng, để anh em có đủ lương và cố gắng có thêm một khoản động viên để giữ chân lao động, cũng không phải là thưởng gì.

Ngành du lịch cũng đồng cảnh ngộ, chủ một doanh nghiệp lữ hành thuộc hàng lớn nhất nước thì chia sẻ ngắn gọn: “Năm nay làm gì có khái niệm thưởng Tết, lo được đủ việc để anh em có lương đã là may rồi”.
 
Thưởng Tết 2021: Người lao động thấp thỏm, doanh nghiệp than khó, có thể thay tiền bằng hiện vật - ảnh 3
Ngành du lịch cũng chịu những tổn hại đáng kể do COVID-19

Còn với các doanh nghiệp sản xuất, ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần may Nam Hà cho biết, đối với ngành dệt may, các doanh nghiệp năm nay sụt giảm doanh thu khoảng 20-30%. Tuy nhiên, việc thưởng tết rất quan trọng, vì doanh nghiệp phải tính toán giữ chân người lao động sau tết. Do đó, từ giờ đến cuối năm, công ty phấn đấu thưởng Tết cho công nhân tháng lương thứ 13 như mọi năm.

Ông Đinh Quang Dương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam cho biết, thưởng Tết năm nay đang trở thành vấn đề nan giải với các công ty, chúng tôi chưa có kế hoạch thưởng Tết. Công ty đang chờ đến hết năm 2020, chốt doanh số rồi mới dám tính đến thưởng.

Ông Dương dự đoán, năm nay tiền thưởng Tết của các công ty có thể ít hơn nhiều, giảm đến 40-50%, và nếu thưởng 1 tháng lương thì phải lấy từ quỹ năm ngoái.

Có thể thay tiền bằng hiện vật


Dự báo về mức thưởng Tết năm nay, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, sẽ thấp hơn năm ngoái.

Theo ông Trung, đây là một năm khó khăn đối với hầu hết doanh nghiệp và người lao động nên giữa hai bên cần có sự chia sẻ. Đối với một số ngành nghề như thương mại điện tử, kinh doanh online, công nghệ thông tin… mức thưởng Tết có thể sẽ cao hơn. Các ngành khác, doanh nghiệp có thể tính toán mức hợp lý, làm sao thưởng đảm bảo các chế độ để giữ chân người lao động sau dịch COVID-19.
 
Thưởng Tết 2021: Người lao động thấp thỏm, doanh nghiệp than khó, có thể thay tiền bằng hiện vật - ảnh 4
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo mức thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá: Năm nay, trong khó khăn có một số lĩnh vực vẫn phát triển, như thương mại điện tử phát triển mạnh, hay bất động sản vẫn tăng giá.

Các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đủ việc làm và thu nhập cho người lao động.

“Doanh nghiệp đủ việc làm thì họ vẫn cố gắng để thưởng Tết cho người lao động sau 1 năm vất vả, và cũng là để tri ân, giữ chân người lao động. Mức thưởng sẽ không đột biến, cơ bản vẫn chỉ là tháng lương thứ 13, đó cũng là nỗ lực rất lớn và thể hiện trách nhiệm của chủ sử dụng với người lao động”, ông Quảng nói.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ ngày 1/1/2021, Luật Lao động (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, thay vì chỉ được thưởng cho người lao động tiền, trong Bộ luật Lao động sửa đổi mới đã mở rộng các hình thức thưởng khác.
 
Cho phép ngoài tiền, người sử dụng lao động cũng có thể lựa chọn thưởng Tết Dương lịch 2021 và Tết Nguyên đán Tân Sửu cho người lao động bằng nhiều hình thức như các chuyến tham quan du lịch, vé tàu, xe để về quê hoặc các hiện vật có giá trị... 

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Bộ LĐ-TB&XH vừa gửi công văn đề nghị các sở LĐ-TB&XH địa phương yêu cầu báo cáo tình hình tiền lương thưởng, nợ lương, vay tiền trả lương của các doanh nghiệp trên 63 tỉnh, thành trước ngày 27/12.
 
Thưởng Tết 2021: Người lao động thấp thỏm, doanh nghiệp than khó, có thể thay tiền bằng hiện vật - ảnh 5
 Bộ luật Lao động sửa đổi mới đã mở rộng các hình thức thưởng Tết khác bằng hiện vật

Theo đó, 4 loại hình doanh nghiệp được yêu cầu rà soát, gồm: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu rà soát tình hình nợ lương, vay để trả lương ngừng việc năm 2020 của doanh nghiệp chủ yếu ở 4 nhóm ngành nghề, gồm: Da giày, dệt may, chế biến thủy sản, chế biến gỗ...

Hải Yến