Tiêu chí nào để các 'vườn ươm' lựa chọn dự án khởi nghiệp của bạn?
Để có thể khởi nghiệp thành công, hầu hết các doanh nghiệp đều phải có cho mình những nguồn lực đủ mạnh. Đó có thể là tiềm lực về tài chính, công nghệ, con người hoặc nhờ sự trợ giúp của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp với mục đích nhanh chóng đưa doanh nghiệp tiếp cận với thị trường hoặc tìm được những nhà đầu tư thích hợp.
Các vườn ươm khởi nghiệp là nơi bảo trợ cho doanh nghiệp từ khi khởi nghiệp cho tới lúc trưởng thành. Họ thường đưa những đội quản lý từ bên ngoài đến giám sát ý tưởng kinh doanh do vườn ươm và doanh nghiệp cùng xây dựng, nhằm nuôi dưỡng, phát triển chúng qua một giai đoạn dài, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững.
Trong thời gian gần đây, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều đơn vị, tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bước đầu đã cho thấy sự hiệu quả khi cho ra đời những doanh nghiệp chất lượng và nhận được đầu tư từ những quỹ nước ngoài. Đây là một tín hiệu đáng mừng với cộng đồng start-up Việt Nam. Chính vì vậy, làm thế nào để dự án khởi nghiệp của mình được “ươm mầm” tại các vườn ươm luôn là câu hỏi được các nhà khởi nghiệp quan tâm.
Theo anh Phạm Anh Cường, người sáng lập Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB, con người và giá trị chính là hai yếu tố quan trọng nhất để các vườn ươm quyết định đầu tư và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.
Chủ nhân của dự án chính là người quyết định việc dự án có được chọn hay không. Trong buổi pitching (buổi thuyết phục nhà đầu tư) nếu bạn thể hiện được mình là một người tự tin, có tiềm năng thì chắc chắn dự án của bạn sẽ được chọn, ngay cả khi dự án của bạn chưa thực sự hoàn hảo. Bởi vì, bạn đã làm cho các nhà đầu tư, các vườn ươm khởi nghiệp thấy được tương lai không xa dự án của bạn sẽ thành công, những thiếu sót của dự án sẽ được hoàn thiện trong thời gian ngắn.
Thứ hai là giá trị, giá trị ở đây liên quan đến nhiều vấn đề chứ không phải đơn giản là giá trị kinh tế. Mặc dù vậy, trong kinh doanh thì giá trị kinh tế vẫn luôn được đặt lên hàng đầu, nếu dự án của bạn không hứa hẹn mang lại lợi nhuận thì sẽ không có ai quyết định đầu tư. Vấn đề thứ hai được quan tâm đó chính là giá trị xã hội. Chỉ khi dự án của bạn mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội, cho cộng đồng thì mới có thể phát triển và tồn tại. “Chính vì vậy, giá trị là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp bạn thành công trong việc thuyết phục các vườn ươm đầu tư, hỗ trợ dự án khởi nghiệp của mình”, anh Cường cho biết.
Dương Hòa