Tiêu thụ gần 1.000 tấn tôm, Sao Ta (FMC) thu về 260 tỷ trong tháng 5

Lạc Lạc 15:44 | 02/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thông tin công bố từ CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), doanh thu hợp nhất tháng 5 của doanh nghiệp đạt 10,9 triệu USD. Đây cũng là tháng có kết quả thấp nhất kể từ đầu năm 2023 trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu đều chậm lại.

Theo báo cáo kinh doanh tháng 5, sản lượng sản xuất tôm thành phẩm của Sao Ta trong tháng đạt 2.761 tấn, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 948 tấn, bằng 61%. 

Về nông sản, sản xuất thành phẩm đạt 123 tấn, bằng 39% so cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ nông sản thành phẩm 115 tấn, bằng 81%.

Doanh nghiệp cho biết, trong tháng 5 đã hoàn tất thu hoạch tôm ở khu nuôi cũ 320 hecta. Chuẩn bị thả nuôi khu mới có diện tích hơn 200 hecta. 

Trong tháng 5, Sao Ta thu về10,9 triệu USD (khoảng 258 tỷ đồng), giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm (ước tính theo kết quả tháng của FMC), doanh thu của Sao Ta đạt 68,1 triệu USD (tương ứng 1.615 tỷ đồng theo mệnh giá USD/VND ngày 2/6).

 

Trong năm 2023, Sao Ta đặt kế hoạch thu về 5.900 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 3,3% so với năm 2022. Như vậy, với kết quả ước tính 5 tháng đầu 2023, Sao Ta đã hoàn thành 27% so với kế hoạch.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ban lãnh đạo FMC cho biết từ đầu quý III hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc, tác động chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu.

Từ cuối năm 2020, Sao Ta đã nhận thấy chi phí logistics tăng quá cao nên đã chuyển hướng về thị trường xuất khẩu gần mà Nhật Bản là trọng điểm. Trong quý I/2023, thị trường này chiếm hơn 40% tổng doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp. Sao Ta cũng mới có thêm vùng nuôi chuẩn ASC, đây sẽ là nền tảng thâm nhập vào thị trường EU.

Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, năm 2023, việc xuất khẩu sang các thị trường chiến lược và mở rộng công suất có thể giúp sản lượng xuất khẩu tôm củaSao Ta tăng 15% so với năm 2022 và bù đắp mức giảm giá bán trung bình 3,5% so với năm trước, giúp doanh thu tôm tăng 5,4%.

Về kế hoạch mở rộng thị trường, KIS giả định rằng sức tiêu thụ tôm của Nhật Bản đã đóng góp 34% vào tổng doanh thu của FMC năm 2022. Do vậy, doanh thu xuất khẩu của FMC sang Nhật Bản có thể tăng 23,5% so với năm 2022.

Trong khi đó, lạm phát cao và tồn kho lớn tại Mỹ sẽ làm giảm nhập khẩu của thị trường này năm 2023. KIS ước tính giá trị xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm 7,5%.

Tại thị trường EU, với việc Sao Ta hoàn thành nhà máy Thủy sản Sao Ta (nhà máy sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của EU) với công suất 15.000 tấn vào tháng 1, đồng thời nhờ hỗ trợ thuế từ hiệp định EVFTA; các chuyên gia KIS cho rằng doanh nghiệp có thể đạt được tốc độ tăng trưởng tại thị trường này trong năm nay.

Năm 2023, KIS ước tính doanh thu của Sao Ta có thể tăng nhẹ 5,7% so với năm 2022, lên 6.028 tỷ đồng. Mức tăng chủ yếu do doanh thu tôm và nông sản với lần lượt 5,4% và 9,7% so với năm 2022.