Tiểu vùng duyên hải phía đông ĐBSCL liên kết phát triển du lịch

18:15 | 18/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tiểu vùng duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng cho tới nay các hoạt động kinh doanh du lịch vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng.

Cụm duyên hải phía đông ĐBSCL gồm các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh có diện tích tự nhiên gần 14.000 km2 là vùng kinh tế, văn hóa, chính trị quan trọng của khu vực phía nam. Cùng với thế mạnh về kinh tế, vùng còn có tiềm năng du lịch đặc sắc, không giống bất kỳ vùng miền nào của cả nước, là bức tranh tuyệt đẹp với khí hậu ôn hòa, cảnh quan hấp dẫn, con người thân thiện. Ngoài ra, đây cũng là vùng có tài nguyên về du lịch văn hóa với những lễ hội và hệ thống di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer… Đó là thế mạnh để các địa phương khai thác những loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch biển, trải nghiệm làng nghề…

Đánh giá về tiềm năng này, tại Hội thảo khoa học “Định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)", ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết:  Hiện nay lượng du khách và doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch trong vùng hiện chưa tương xứng so với tiềm năng. Sự liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh chưa đi vào chiều sâu, chỉ mới thực hiện thông qua công tác xúc tiến du lịch, chưa xây dựng được hình ảnh chung và chưa tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách.

Tiểu vùng duyên hải phía đông ĐBSCL liên kết phát triển du lịch - ảnh 1
 Một hình ảnh đặc trưng của tiểu vùng duyên hải phía đông ĐBSCL.
Tuy nhiên, năm 2017, tổng lượt khách của bốn tỉnh mới đạt 5,1 triệu lượt, chiếm 11,3% so với tổng lượt khách đến khu vực ĐBSC. Lượt khách nội địa đến các tỉnh thuộc tiểu vùng còn khiêm tốn, thế nhưng có tín hiệu tích cực là lượng khách quốc tế của vùng đạt hơn 1,6 triệu lượt, chiếm đến 58% tổng lượng khách quốc tế đến ĐBSCL. Điều này cho thấy tiểu vùng duyên hải phía đông là một trong những địa bàn có sức hấp dẫn cao đối với du khách quốc tế, ông Dũng nhấn mạnh.
Dù hoạt động du lịch của ÐBSCL có cải thiện đáng kể, nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính là do sản phẩm du lịch ÐBSCL trùng lắp, thiếu nét độc đáo, không rõ tính đặc thù trong phát triển tour, tuyến... Khách đến và đi chủ yếu chỉ trong ngày, thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu ít, khiến doanh thu thấp. Trong khi đó, việc liên kết giữa các địa phương chưa thật sự chặt chẽ khiến tiềm năng du lịch của vùng chưa được khai thác xứng tầm.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) nhấn mạnh, các tỉnh trong vùng cần chú trọng liên kết theo hướng cùng quy hoạch thế mạnh tiềm năng phát triển du lịch để tài nguyên trong vùng không bị phá vỡ, tránh trùng lắp về sản phẩm… đồng thời phối hợp xây dựng hệ thống thông tin và cơ chế thông thoáng để hỗ trợ các nhà đầu tư trong hoạt động du lịch chứ không nên trông chờ vào địa phương khác… Tổng cục Du lịch cam kết hỗ trợ xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến của các địa phương trong vùng tới các thị trường trọng điểm nước và quốc tế. Đặc biệt, các địa phương cần phải tăng cường quản lý điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hạ tầng giao thông, xác định sản phẩm độc đáo…
Ngoài ra, theo đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến 2020, phân vùng lãnh thổ du lịch sẽ được phân làm 4 cụm du lịch, trong đó tiểu vùng duyên hải phía đông ĐBSCL được dự báo sẽ phát triển được các sản phẩm chủ đạo, bao gồm du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân (homestay), tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Các đề xuất liên quan đến đề án, cũng gợi ý về mô hình phát triển “con đường bích họa” trong việc liên kết phát triển du lịch của tiểu vùng duyên hải rộng lớn phía dông của ĐBSCL. Hiện nay việc thực hiện mô hình này đã có tỉnh Trà Vinh triển khai, bước đầu có những hiệu quả đáng ghi nhận, cần nghiên cứu và nhân rộng ra toàn vùng.