Tín dụng bị thắt chặt, nguồn cung thị trường bất động sản ra sao?

13:00 | 06/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong thời điểm tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản đang bị thắt chặt, thế nhưng nguồn cung với số lượng sản phẩm được nghiệm thu và giao dịch ngoài thị trường vẫn vô cùng ấn tượng.

Theo tổng hợp số liệu của các địa phương có báo cáo cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong Quý II/2021 tăng, cụ thể: Tổng số có 92 dự án với 29.557 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (số lượng dự án bằng khoảng 105% so với Quý trước và bằng khoảng 98% so với cùng kỳ năm 2020), chia theo vùng như sau: Tại miền Bắc có 82 dự án với 12.629 căn hộ, miền Trung có 21 dự án với 6.509 căn hộ, miền Nam có 23 dự án với 10.419 căn hộ. Riêng tại Hà Nội có 06 dự án với 3.386 căn hộ, tại TP.HCM có 7 dự án với 3.002 căn hộ.

Số lượng bất động sản được Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định cụ thể như sau: Nhà ở: 2.645 căn (Quý I/2021 là 2.041 căn); Căn hộ du lịch: 1.720 căn (Quý I/2021 là 250 căn); Biệt thự du lịch: 925 căn (Quý I/2021 là 0 căn); Văn phòng kết hợp lưu trú 0 căn (Quý I/2021 là 0 căn).

Ngoài ra, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng 30 dự án (Quý I/2021 là 36 dự án) với số lượng căn hộ cụ thể như sau: Nhà ở: 18.266căn (Quý I/2021 là 14.292 căn); Căn hộ du lịch: 532 căn (Quý I/2021 là 884 căn); Biệt thự du lịch: 0 căn (Quý I/2021 là 0 căn); Văn phòng kết hợp lưu trú: 0 căn (Quý I/202 là 453 căn).

Trong Quý II/2021, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, có 29.949 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý trước và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tại tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công (bằng khoảng 20% so với quý trước), tại TP.HCM có 3.002 giao dịch thành công (bằng khoảng 87% so với quý trước).

Cụ thể, tại miền Bắc có 6.384 giao dịch thành công, tại miền Trung có 7.300 giao dịch thành công và tại miền Nam có 16.265 giao dịch thành công. Nhìn chung, các giao dịch thành công vẫn tập trung nhiều ở phân khúc trung cấp và cao cấp.

Tín dụng bị thắt chặt, nguồn cung thị trường bất động sản ra sao? - ảnh 1 

Số lượng giao dịch quý II/2021 vẫn tăng so với cùng kỳ quý trước.

Trước đó, ngày 22/4/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 697/QĐ-NHNN về mức lãi suất vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là 4,8%/năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 30/6/2021 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 672.224 tỷ đồng (tính đến 31/3/2021 là 661.112 tỷ đồng).

Trong số đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà đạt 166.561 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24.8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tiếp đến là dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 54.946 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,2% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 27.464 tỷ đồng; Loại hình khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 26.204 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,9%.

Dự án nhà hàng, khách sạn có mức dư nợ đạt 53.582 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8%; Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán đạt 99.547 tỷ đồng, chiếm 14,8%; Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 53.164 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,9% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Còn lại là đầu tư kinh doanh bất động sản khác có mức dư nợ đạt 190.756 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết sẽ theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tránh rủi ro kép, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, lãi suất ngân hàng ở mức thấp như hiện nay đã và đang hỗ trợ dòng vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay thị trường chứng khoán.

Theo đó, vị chuyên gia cho biết, thống kê của VDSC, năm 2020, tín dụng chảy vào lĩnh vực chứng khoán ước tính đạt 45.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ (chỉ khoảng 0,5%) nhưng tăng mạnh 49,4% so với cùng kỳ. Trong quý 1/2021, tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán giảm nhẹ 1,0% so với cuối năm 2020.

Số liệu thu thập từ 20 công ty chứng khoán niêm yết cho thấy tổng giá trị cho vay ký quỹ tại thời điểm 31/3/2021 ở mức cao kỷ lục là 98.397 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cuối năm 2020. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ rủi ro cho lĩnh vực này.

 Hải Đăng