Tòa án Mỹ quyết định giữ nguyên thuế đánh vào thép nhập khẩu
Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ ngày 4/2 đã quyết định giữ nguyên mức thuế đánh vào thép nhập khẩu do cựu Tổng thống Donald Trump ban hành, đồng thời bác bỏ khiếu nại của các nhà nhập khẩu về loại thuế quan này.
Vào năm 2018 cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng thép và 10% mặt hàng nhôm nhập khẩu, khi cho rằng điều này là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ trong việc duy trì môi trường sản xuất công bằng trong nước. Ông Trump đã viện dẫn Mục 232 của Đạo luật Thương mại năm 1962, cho phép Tổng thống hạn chế nhập khẩu hàng hóa quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Năm 2018 ông Trump ban hành sắc lệnh áp thuế quan 25% lên mặt hàng thép và 10% mặt hàng nhôm nhập khẩu
Một công ty nhập khẩu thép ở New Jersey có tên là Universal Steel Products đã khiếu nại loại thế quan này lên tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ, công ty này lập luận rằng quy trình pháp lý được sử dụng để áp đặt thuế quan này là "thiếu sót về mặt thủ tục" và không xác định ngày hết hạn, cũng như không có "mối đe dọa nào sắp xảy ra" đối với an ninh quốc gia của Mỹ và ông Trump đã vượt thẩm quyền của mình trong việc áp dụng thuế quan đối với thép và nhôm, là những sản phẩm hàng hóa.
Theo Reutres một hội đồng thẩm phán gồm ba người tại Tòa án liên bang có trụ sở tại New York, nơi xét xử các khiếu nại liên quan đến thương mại theo luật của Mỹ, đã xác nhận Bộ Thương mại Mỹ và cựu Tổng thống Donald Trump đã thực hiện đúng luật thương mại trong việc áp thuế thời Chiến tranh Lạnh.
Hội đồng thẩm phán tòa án liên bang xác định rằng Mục 232 cho phép Tổng thống đánh giá liệu hàng nhập khẩu có đe dọa đến an ninh quốc gia hay không. Luật định ghi rõ rằng danh sách các yếu tố cần được xem xét để xác định liệu một mối đe dọa có tồn tại hay không là không thể loại trừ.
Đại diện cho các nhà sản xuất thép Mỹ là Viện Sắt và Thép đã bày tỏ hoan nghênh với quyết định này của tòa án liên bang. Hôm 1/2, Tổng thống Biden đã đánh đi tín hiệu rằng ông có khả năng sẽ giữ nguyên mức thuế quan này để bảo vệ ngành công nghiệp trước làn sóng sản xuất dư thừa toàn cầu, phần lớn tập trung ở Trung Quốc.
H.A