Top 3 hàng nông sản xuất khẩu cao nhất 5 tháng đầu năm
Báo cáo “Phân tích thị trường xuất nhập khẩu nông sản 5 tháng đầu năm 2023” Bộ NN&PTNT mới công bố cho biết, 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu có mức tăng trưởng giá trị cao nhất gồm: Gạo, rau quả và sản phẩm chăn nuôi.
Những tháng khởi sắc của xuất khẩu gạo
Cụ thể, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh nhất về cả khối lượng và giá trị. Khối lượng gạo xuất khẩu tăng 40,8%, từ 2.767 tấn cùng kỳ năm 2022 lên 3.897 tấn. Kim ngạch xuất gạo 5 tháng đầu năm 2023 cũng chung chiều hướng tăng 49%, từ 1,35 tỷ USD cùng kỳ năm 2022 lên 2,01 tỷ USD.
Theo Bộ NN&PTNT, các yếu tố giúp khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tăng cao đến từ các dự đoán thiếu hụt gạo toàn cầu.
Cụ thể, FAO dự báo, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 5/2022 - tháng 5/2023) đạt 516,7 triệu tấn, giảm 1,8% so với niên vụ 2021 - 2022. Thị trường gạo thế giới có thể thiếu hụt 8,7 triệu tấn trên toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023.
Dự báo tháng 5 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng cho thấy, nguồn cung gạo thế giới niên vụ 2023 - 2024 được dự báo ở mức 689,7 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với niên vụ trước.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ gạo niên vụ 2023 - 2024 dự báo ở mức kỷ lục 523 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với niên vụ trước. Do đó, tồn kho cuối kỳ được USDA dự báo sẽ giảm 2,5 triệu tấn xuống mức 166,7 triệu tấn, đây là năm giảm tồn kho thứ 3 liên tiếp và ở mức thấp nhất kể từ niên vụ 2017 - 2018.
Trước diễn biến này, nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi đang có dấu hiệu tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tại các nước châu Âu, do xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực cũng tăng lên.
Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu rau quả tăng mạnh
Mặt hàng đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu tăng cao là rau quả. Trong 5 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả tăng 39%, từ 1,41 tỷ USD lên 1,97 tỷ USD.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm 59% tổng số rau quả Việt Nam xuất khẩu, kế theo lần lượt là Mỹ, Australia, Myanmar, Campuchia.
Yếu tố khiến mặt hàng rau quả thu được nhiều thắng lợi trong 5 tháng đầu năm đến từ sự tăng mạnh nhập khẩu của thị trường Trung Quốc. Điều này đã giúp bù đắp được sự sụt giảm từ các thị trường Hoa Kỳ, Canada, Australia, Hong Kong (Trung Quốc).
Trong 2 tháng đầu quý II, Việt Nam có nhiều loại trái cây vào vụ thu hoạch và nhiều loại sản phẩm mới như chanh leo, sầu riêng được Trung Quốc cấp thêm mã vùng trồng.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng lưu ý việc xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Philippines.
Nhiều loại trái cây chủ lực xuất khẩu của Việt Nam đang được các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico đẩy mạnh trồng mới. Trong khi đó, việc xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc còn khó khăn khi có tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.
Xuất khẩu thịt lợn đông lạnh "gặp thời"
Đứng thứ ba về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm là các sản phẩm chăn nuôi. Giá trị xuất khẩu lĩnh vực chăn nuôi tăng 34,5%, từ 141 triệu USD năm 2022 lên 190 triệu USD năm 2023.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu chăn nuôi trong 4 tháng đầu năm 2023, thị trường Hong Kong (Trung Quốc) chiếm tỷ trọng lớn nhất 40%. Tiếp theo là Nhật Bản 13%, Trung Quốc 12%, Campuchia 11%, Mỹ 8%.
Về cơ cấu sản phẩm, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm 37%, thịt chế biến 22%, thịt trâu/bò sống 10%.
Hiện lạm phát đã giảm ở một số thị trường. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải dự báo, cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá tiêu dùng hồi phục trong những tháng tới đây. Và với sự chủ động, sẵn sàng của doanh nghiệp, các đơn hàng xuất khẩu sẽ sớm được đáp ứng.
"Chúng ta thấy tình hình sụt giảm hiện nay thì chủ yếu là do vấn đề từ góc độ thị trường, còn đối với trong nước thì năng lực sản xuất của doanh nghiệp chúng ta hiện nay vẫn rất là tốt, không bị những yếu tố ảnh hưởng như dịch bệnh hay các yếu tố về đứt gãy nguồn cung nguyên liệu… Thì đấy là thuận lợi để giúp cho doanh nghiệp chúng ta có thể sẵn sàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu khi mà thị trường được cải thiện…" - ông Trần Thanh Hải nêu rõ.
Theo đại diện các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các đòi hỏi của thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe, đặc biệt là yêu cầu về vấn đề an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, tiêu chuẩn phát thải…
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 sẽ đạt 25,8 tỷ USD.