Xuất khẩu hàng nông sản nào thu về nhiều tiền nhất trong tháng 5/2023?

Tố Uyên 07:10 | 02/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm nông sản đạt 2,42 tỷ USD, tăng 27,8%.

 

Xuất khẩu gạo vượt 500 triệu USD

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm nông sản đạt 2,42 tỷ USD, tăng 27,8%.  

Gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất với 530 triệu USD, tăng 37% và chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp. Theo sau là rau quả, chiếm 23% và cà phê với 20%.  

 

Sản lượng gạo xuất khẩu tăng 25% so với cùng kỳ lên mức 1 triệu tấn, nhưng giảm 9% so với tháng 4 trong bối cảnh nguồn cung yếu khi vụ đông - xuân đã kết thúc trong khi nhu cầu toàn cầu vẫn cao. 

 Xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu xuất khẩu nông sản trong tháng 5. Nguồn: Báo Đầu tư

Trong tháng 5/2023, giá trị xuất khẩu cà phê tăng 22% lên 418 triệu USD do sản lượng cà phê xuất khẩu tăng 10% cùng kỳ năm trước, lên 165.000 tấn. Giá cà phê duy trì ở mức cao, bình quân 2.533 USD/tấn.

Giá trị xuất khẩu sắn đạt 96 triệu USD, giảm 19%, chiếm 4,5% tổng giá trị xuất khẩu. Về sản lượng, các doanh nghiệp xuất khẩu sắn đạt 230.000 tấn, giảm 18% so với cùng kỳ 2022. Thị trường Trung Quốc chiếm 90% lượng sắn xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên nước ta đang phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan do Trung Quốc đánh thuế 0% với sắn Thái Lan trong khi mức thuế này với sắn Việt Nam là 13%. Cùng với đó, đồng Bath Thái Lan hạ giá giúp hàng hóa nước này hấp dẫn hơn so với Việt Nam.

Trong tháng 5, giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh 67% so với cùng kỳ, đạt 500 triệu USD. 

Xét theo thị trường, giá trị xuất rau quả sang Trung Quốc tăng 30% trong 4 tháng đầu năm. Trong quý I và II, Việt Nam kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng và khoai lang sang thị trường Trung Quốc sau khi Hải quan nước này công nhận thêm nhiều mã vùng trồng tại Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Với EU và các nước châu Á, doanh thu xuất khẩu tăng tốt trong 4 tháng so với cùng kỳ. Điển hình như Hà Lan tăng 72%, Hàn Quốc và Nhật Bản 9%, UAE 20% và Malaysia tăng 37%, chủ yếu nhờ tăng doanh số bán thanh long, sầu riêng, xoài, mít, chuối,... Trong khi đó, doanh thu tại thị trường Mỹ giảm 16% do nhu cầu giảm và bưởi năm roi vào cuối vụ.

 

Trong tháng 5, giá trị xuất khẩu hạt điều phục hồi, đạt 330 triệu USD, trong khi sản lượng xuất khẩu cũng tăng lên 55 triệu tấn, tăng 10% so với tháng 4. 

 

 

 

Tiềm năng 3 thị trường nhập khẩu rau chính của Việt Nam

Năm 2023, ngành NN&PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao kim ngạch xuất khẩu đạt ít nhất 55 tỷ USD. 

Theo phân tích của Bộ NN&PTNT về các thị trường truyền thống, Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm: gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 64,5%, thuỷ sản chiến 16,5%, hạt điều chiếm 6,2%, cà phê chiếm 2,1%, rau quả 1,9%.  Đây là thị trường có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu nông sản. Trong đó, nhu cầu nhập khẩu cà phê dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong giai đoạn 2020-2025.

Tuy nhiên, đây cũng là thị trường còn nhiều thách thức khi thị hiếu thị trường Hoa Kỳ ngày càng đa dạng, thiên về sản phẩm chế biến, bảo quản lâu trong khi sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô, chất lượng chưa cao. Số lượng mặt hàng được phép tiếp cận vào thị trường Hoa Kỳ còn khiêm tốn, hiện nay mới cấp phép nhập khẩu 7 loại quả tươi từ Việt Nam (xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa, bưởi).

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Đây cũng là thị trường có nhiều tiềm năng với nhu cầu tiêu dùng lớn nhờ dân số đông và nhu cầu đa dạng. Dự báo thương mại nông sản sẽ tiếp tục sôi động. Trong đó, tiêu thụ ngũ cốc giảm, tiêu thụ thịt, trứng, sữa, trái cây và rau quả tăng lên. Tiêu dùng trái cây và thịt dự báo sẽ tăng cao trong năm 2023  khi các biện pháp nới lỏng COVID-19 được thực hiện.

Dù vậy, với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn còn một số thách thức khi phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm tươi, sống, xuất khẩu qua tiểu ngạch (trái cây, thủy sản), chưa tiếp cận đến kênh khách hàng cuối cùng, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp trong nội địa Trung Quốc. Các doanh nghiệp còn lúng túng khi Trung Quốc thay đổi, siết chặt hơn các chính sách, quy định mới trong nhập khẩu; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao, chi phí logistics chiếm tỷ trọng cao; chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm.

Thêm một thị trường không thể không nhắc đến là EU. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, đồng thời có lợi thế lớn về xuất khẩu và thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nhờ Hiệp định EVFTA. Người tiêu dùng EU ngày càng quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, có lợi cho sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm; nhu cầu tiêu dùng cao đối với rau quả, các loại hạt tốt cho sức khỏe và các sản phẩm đặc sản có chất lượng cao.

Tương tự, đối với thị trường này, nông sản của Việt Nam để tiếp cận vẫn còn nhiều khó khăn khi EU là thị trường khó tính với nhiều quy định ngày càng thắt chặt. Nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu tham gia vào các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp (hàng thô, sản phẩm chế biến làm nguyên liệu đầu vào); chi phí logistics còn cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Năng lực tiếp cận, tìm hiểu thị trường chưa cao; chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối hiện đại và chưa xây dựng được kênh phân phối ổn định.