Loạt doanh nghiệp bất động sản có lãnh đạo bất ngờ rời 'ghế nóng' đang kinh doanh ra sao?

Đông Bắc 16:18 | 05/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chỉ trong thời gian ngắn, một loạt đại gia sở hữu khối tài sản nghìn tỷ bất ngờ tuyên bố rời vị trí lãnh đạo doanh nghiệp. Điều đặc biệt là những doanh nghiệp của các vị "đại gia" này hiện đang kinh doanh khá khởi sắc.

 

Đại gia Lương Trí Thìn xin rút khỏi vị trí chủ tịch HĐQT Đất Xanh

Vào đầu tháng 7 vừa qua, ông Lương Trí Thìn đã rời ghế Chủ tịch CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG). HĐQT Tập đoàn Đất Xanh quyết định thành lập Hội đồng chiến lược và thống nhất giao ông Lương Trí Thìn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch.

Ông Lương Trí Thìn vẫn là thành viên HĐQT và là cổ đông lớn nhất của công ty khi đang trực tiếp nắm giữ hơn 122,37 triệu cổ phiếu DXG. Tính theo giá thị trường khối tài sản ông Thìn đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 1.700 tỷ đồng.

 Ông Lương Trí Thìn xin rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh. Ảnh ĐX.

Danh sách các thành viên trong HĐQT từ ngày 3/7 gồm 5 người: ông Lương Ngọc Huy (Chủ tịch HĐQT), ông Lương Trí Thìn, ông Bùi Ngọc Đức, ông Hà Đức Hiếu, ông Nguyễn Phạm Anh Tài (thành viên độc lập).

Tập đoàn Đất Xanh giới thiệu ông Lương Ngọc Huy gia nhập công ty trên cương vị là Quản lý cao cấp, từng đảm nhiệm các chức năng quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty, bao gồm xúc tiến đầu tư và pháp lý đầu tư - xây dựng. Ông Huy sinh năm 1970, quê quán Hưng Yên, chưa tham gia thị trường chứng khoán, không sở hữu cổ phiếu DXG.

Ông Huy cũng mới tham gia làm Thành viên HĐQT Đất Xanh từ ngày 19/4, thay ông Lương Trí Thảo (anh trai ông Thìn, đã mất vì bệnh). Sau đó, ông Huy được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc từ ngày 7/6.

Kết quả kinh doanh: Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Tập đoàn Đất Xanh với doanh thu thuần đạt 1.126 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Thế nhưng, sau khi khấu trừ chi phí, doanh nghiệp bất động sản này ghi nhận lãi ròng giảm hơn 40%, chỉ còn chưa đến 94 tỷ đồng.

Thực tế, doanh thu tài chính trong kỳ của Tập đoàn Đất Xanh sụt giảm mạnh từ mức 342 tỷ đồng trong quý II năm ngoái về còn 4,5 tỷ đồng. Dẫu vậy, chi phí tài chính vẫn duy trì hơn 107 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí bán hàng cũng tăng gần gấp đôi lên 212 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý giảm 26%.

Kết thúc quý II, Đất Xanh ghi nhận mức trước thuế giảm từ 249 tỷ đồng xuống còn 164 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 79%, từ 156 tỉ xuống còn 33 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, Đất Xanh mang về hơn 2.190 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp đôi cùng kỳ. Đồng thời, lãi ròng cũng tăng hơn 4 lần lên 171 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ nhích hơn 3 tỷ lên 64 tỷ đồng.

Năm 2024, Đất Xanh lên kế hoạch doanh thu thuần và lãi ròng của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 3.900 tỷ đồng và 226 tỷ đồng, tăng 5% và 31% so với kết quả thực hiện năm ngoái.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt khoảng 29.000 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm gần 45%, tương đương 13.900 tỷ đồng.

Ông Đào Ngọc Thanh bất ngờ rời “ghế nóng” Vinaconex

Mới nhất, HĐQT Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (mã: VCG) đã thông qua đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 của ông Đào Ngọc Thanh theo nguyện vọng cá nhân do tuổi cao, phải điều trị bệnh dài ngày. Ông Thanh được bầu làm Chủ tịch Vinaconex từ năm 2019 với tư cách là người đại diện cho nhóm cổ đông An Quý Hưng nắm hơn 57% cổ phần sau khi cổ đông Nhà nước thoái vốn.

 Ông Đào Ngọc Thanh xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Vinaconex. Ảnh VCG.

Sau khi rời ghế Chủ tịch, ông Thanh đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng chiến lược vừa thành lập của Vinaconex. Hội đồng này có chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đề xuất các nội dung liên quan đến chiến lược, định hướng phát triển tổng công ty.

Ông Đào Ngọc Thanh sinh ngày 30/12/1946 tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ông vốn là kỹ sư xây dựng và trở thành giảng viên tại trường Đại học Xây dựng từ năm 1971. Ông Thanh hiện có bằng tiến sĩ xây dựng.

Dù không trực tiếp nắm giữ cổ phần tại VCG, ông Đào Ngọc Thanh là một trong những cổ đông lớn tại Công ty cổ phần đầu tư Pacific Holdings - một trong những cổ đông lớn của VCG khi doanh nghiệp đang nắm giữ hơn 270 triệu cổ phiếu VCG tương đương 45,14% cổ phần.

Về kết quả kinh doanh: Báo cáo tài chính riêng lẻ của Vinaconex (mã: VCG) cho thấy, quý II, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần suy giảm 39% so với cùng kỳ còn 2.800 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 9,4% cùng kỳ lên 12,1% quý này.

Chi phí lãi vay trong kỳ giảm 51% xuống 104 tỷ đồng song doanh thu tài chính cũng hụt 54% còn 55 tỷ kỳ này do giảm lãi tiền gửi. Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm so với quý II/2023.

Kết quả, Vinaconex báo lãi sau thuế tăng 25% lên 163 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt gần 117 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng, Vinaconex ghi nhận 5.449 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% còn lãi sau thuế gấp 3,6 lần cùng kỳ lên 646 tỷ đồng, thực hiện 68% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lãi ròng 580 tỷ, gấp 4,5 lần nửa đầu năm 2023.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối kỳ đạt 28.644 tỷ. Doanh nghiệp nắm giữ khoảng 2.755 tỷ đồng, tiền và tiền gửi ngân hàng, tăng hơn 300 tỷ sau một quý.

Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho với 7.596 tỷ và chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt 6.630 tỷ đồng. Song ở báo cáo tự lập quý II, Vinaconex không thuyết minh chi tiết hàng tồn kho.

Dư nợ vay cuối quý II của Vinaconex là 8.919 tỷ đồng, giảm không nhiều so với cuối quý II. Trong đó dư nợ vay dài hạn là 3.785 tỷ.

Các khoản vay của tổng công ty chủ yếu từ ngân hàng và phần dư nợ trái phiếu đã được tất toán sạch trong quý. Nửa đầu năm, doanh nghiệp vay thêm 5.331 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 7.512 tỷ đồng. Tổng chi phí lãi vay hai quý là 238 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh lãi suất giảm sâu.

Doanh nhân Nguyễn Trọng Thông rời vị trí Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô

Mới đây, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) công bố thông tin nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch của ông Nguyễn Trọng Thông (sinh năm 1953), người sáng lập và điều hành tập đoàn từ thập kỷ 90 đến nay. Ông Thông cho biết vì tuổi tác, sức khoẻ và để đảm bảo pháp luật về người có liên quan, ông muốn từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT và cũng không tham gia HĐQT công ty.

  Đại gia Nguyễn Trọng Thông rời vị trí Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô. Ảnh TĐHĐ.

Dù không còn tham gia vào HĐQT, nhưng vì trách nhiệm trước cổ đông và nhà đầu tư, ông Thông có thể vẫn tiếp tục hỗ trợ và tham vấn cho hoạt động của HĐQT sau khi chuyển giao với vai trò là "Chủ tịch sáng lập" để giúp đỡ HĐQT hoạt động ổn định, đảm bảo vốn đầu tư của cổ đông tiếp tục hiệu quả.

Tại Hà Đô, ông Thông hiện sở hữu hơn 97,3 triệu cổ phiếu HDG (tương đương 31,83% vốn). Với giá cổ phiếu HDG đang giao dịch quanh mức hơn 28.000 đồng/cổ phiếu, ước tính số cổ phiếu ông Thông nắm giữ có giá trị hơn 3.000 tỷ đồng.

Hiện con trai ông Thông là ông Nguyễn Trọng Minh đang đảm nhận vị trí Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc tại Hà Đô Group. Tập đoàn Hà Đô hoạt động ở 3 lĩnh vực chính gồm Bất động sản, năng lượng, đầu tư tài chính.

Về tình hình kinh doanh: BCTC hợp nhất quý II/2024 của doanh nghiệp này hạch toán doanh thu thuần gần 560 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ tiết giảm được chi phí lãi vay và các chi phí khác, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng 46% lên hơn 111 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, Hà Đô ghi nhận hơn 1.407 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 376 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 10% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng góp chính cho kết quả này vẫn là mảng năng lượng (thủy điện, điện mặt trời, điện gió) với gần 762 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mảng kinh doanh bất động sản đem về gần 399 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ. Tập đoàn dự kiến sẽ mở bán các sản phẩm còn lại của dự án Hado Charm Villas trong nửa cuối năm nay.

  (H.L tổng hợp từ BCTC hợp nhất Hà Đô). 

Năm 2024, Hà Đô đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 2.896 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 978 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã thực hiện được lần lượt là 48% và 38% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm.

Quy mô tài sản của Hà Đô giảm 386 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm từ hơn 1.319 tỷ đồng về hơn 968 tỷ đồng. Hàng tồn kho (chủ yếu là bất động sản đang xây dựng) giảm từ hơn 1.084 tỷ về hơn 899 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 3/2024, Hà Đô đã ký Biên bản ghi nhớ với tỉnh Kiên Giang để phát triển Khu đô thị phức hợp rộng 99ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Ở mảng khu công nghiệp, trong quý I/2024, doanh nghiệp đã được UBND các tỉnh Ninh Thuận, Hưng Yên, Long An đã chấp thuận nghiên cứu lập quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng quy mô khoảng 1.000 ha.