TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội thế nào sau ngày 15/9?

06:38 | 07/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, từ nay đến ngày 15/9 thành phố tiếp tục siết chặt giãn cách như nửa tháng qua; người dân "vùng xanh" được đi chợ mỗi tuần một lần.

Thành phố chưa thể nới lỏng giãn cách

Trả lời câu hỏi này trong livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối ngày 6/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, lý do TP.HCM chưa nới lỏng giãn cách vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc ứng phó với chủng virus Delta đôi lúc vẫn còn chưa kịp thời. Sau này, khi TP.HCM hiểu được những quy luật của việc lây lan thì mới tiến hành biện pháp giãn cách.

Ông Mãi cũng thừa nhận, ở một số địa bàn việc giãn cách chưa được thực hiện nghiêm hay các hoạt động xét nghiệm để bắt F0, ngăn nguồn lây còn chưa tốt.

Thời gian gần đây, TP.HCM thực hiện nghiêm việc ai ở đâu ở yên đó, hoạt động xét nghiệm tách F0 tập trung hơn nên tình hình kiểm soát dịch bệnh đã cải thiện hơn.

“TP.HCM sẽ còn giãn cách và thực hiện một số biện pháp thích hợp tuỳ tình hình chuyển biến của dịch bệnh chứ không thể nói đến 15/9, cuối tháng 9 hay đầu tháng 10 mà nới lỏng giãn cách. Hiện tại không thể đưa ra mốc thời gian cụ thể được”, ông Mãi nói.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời câu hỏi của người dân qua livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 6/9.

Về định hướng sau ngày 15/9, ông Mãi cho biết, Chính phủ có Nghị quyết đề ra mục tiêu đến 15/9 TP.HCM sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

"Cơ quan chức năng vẫn đang tập trung thực hiện mục tiêu này. Việc siết chặt giãn cách, xét nghiệm để tách F0 ra khỏi cộng đồng, tiến hành chăm sóc và điều trị F0 rồi thực hiện việc giảm tử vong cho F0, tiêm vaccine, đảm bảo an sinh xã hội là tất cả những hoạt động mà thành phố đang tập trung làm để hoàn thành mục tiêu đến 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh”, ông Mãi cho hay.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm, nếu đến 15/9 đạt được mục tiêu thì sau 15/9, TP.HCM sẽ thực hiện lộ trình nới lỏng giãn cách.

"Thành phố cũng đang quyết liệt thực hiện các hoạt động để kiểm soát tình hình, đồng thời có sự đánh giá lại và chuẩn bị các phương án để nếu như đến mốc thời gian này mà kiểm soát được dịch bệnh thì sẽ đưa ra kế hoạch nới lỏng giãn cách phù hợp với thực tiễn hơn", ông Mãi nói.

Ông Mãi nhấn mạnh, TP.HCM sẽ thực hiện theo nguyên tắc an toàn tới đâu sẽ nới lỏng tới đó, tuỳ theo tình hình dịch bệnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết thêm, sắp tới thành phố sẽ có điều chỉnh lại, các chuỗi cung ứng hàng hoá sẽ được mở đến xã, phường. Ở những vùng đỏ, shipper sẽ đi chợ thay người dân. Ở những vùng xanh, người dân được đi chợ 1 tuần/lần, khuyến khích những người đã được tiêm vaccine trong các hộ gia đình đi chợ, vì những người có kháng thể rồi thì khả năng bị nhiễm bệnh thấp hơn, nếu như có bị nhiễm thì khả năng chuyển nặng cũng thấp hơn.

Sẽ hỗ trợ người dân khi tiếp tục giãn cách

Về vấn đề hỗ trợ an sinh, người đứng đầu chính quyền TP.HCM nói rằng thành phố tiếp tục hỗ trợ khi vẫn còn giãn cách, người dân còn mất việc, mất thu nhập.

Tùy vào cân đối ngân sách của thành phố, mức hỗ trợ có thể ít hơn 1,5 triệu đồng nhưng sẽ thường xuyên, hàng tháng cho người dân. Ngoài ra mỗi người sẽ được nhận 15 kg gạo, túi thực phẩm an sinh. Thành phố cũng sẽ có các hình thức giúp đỡ khác như vận động giảm tiền nhà trọ, điện nước...

TP.HCM chưa nới lỏng giãn cách vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Đến nay thành phố đã chi tổng cộng gần 6.000 tỷ đồng cho người dân khó khăn trong đó ngân sách 4.800 tỷ đồng và xã hội hóa là 1.200 tỷ. Thành phố cũng đã phát trên 1,6 triệu túi an sinh và 14.000 tấn gạo.

"Thành phố có hơn chục triệu dân nên đôi lúc chính quyền chưa bao quát được, xin nhận khuyết điểm với bà con", ông Mãi nói và cho biết hiện tại việc hỗ trợ vẫn tăng tốc, không phân biệt hộ khẩu, tạm trú. Sau ngày 6/9, nếu chưa nhận được tiền hỗ trợ, người dân nên liên hệ với xã, phường để bổ sung danh sách.

Còn đối với vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp, những người buôn bán nhỏ lẻ, ông Mãi nói rằng đây là vấn đề lớn và cho rằng có 3 cái khó.

Thứ nhất là vấn đề vay vốn. Vừa qua, TP.HCM có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay và có cuộc đối thoại thường xuyên giữa ngân hàng với hiệp hội doanh nghiệp để biết khó khăn, lắng nghe đề xuất từ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, ngân hàng có thể có quyết định khoanh nợ, giãn nợ, cho doanh nghiệp vay gói mới để có thể phục hồi, tiếp tục kinh doanh. Đồng thời, thành phố có các chương trình hỗ trợ lãi suất, ví dụ như vay kích cầu và đang khởi động các quỹ, các chương trình để hỗ trợ khó khăn về nguồn vốn.

Khó khăn thứ hai của doanh nghiệp là lao động, những người đã về quê thì không quay trở lại được cho đến khi tình hình dịch được cải thiện. Thành phố đang phối hợp với địa phương để giải quyết việc này, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho lao động để có nguồn lao động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ ba là việc thuê mặt bằng, các chi phí khác, thành phố sẽ có gói hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện nước, dịch vụ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM chính sách nào thuộc thẩm quyền, phạm vi của địa phương, chính quyền thành phố sẽ cố gắng hoàn thành và công bố trước ngày 15/9 để doanh nghiệp, người dân và chính quyền cùng chuẩn bị. Những chính sách nào đề nghị Trung ương thì phải chờ thời gian chấp thuận.

 

Tính đến tối ngày 6/9, thành phố ghi nhận tổng cộng 258.536 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư và đã trải qua ngày cuối cùng của đợt siết chặt giãn cách kéo dài 15 ngày theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó". Đến nay, TP.HCM đã trải qua 99 ngày giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 theo nhiều cấp độ (Chỉ thị 15, 15 tăng cường, Chỉ thị 16 và 16 tăng cường).

Từ ngày 1/1 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 10.685 ca tử vong do Covid-19. 42.665 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Tổng số mũi vaccine đã tiêm đến ngày 5/9 là hơn 6,55 triệu. Trong đó tổng số mũi 1 là hơn 6 triệu, mũi 2 là gần 500.000.