"Cứu" ngành hàng không phải phản ứng thật nhanh như chống dịch Covid-19

Thế Anh 16:54 | 05/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch covid-19, đẩy các hãng hàng không tới bờ vực phá sản, vì vậy, cần phải có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không tồn tại và có thể phục hồi sau dịch Covid-19.

Hàng không cần chính sách

Hàng không là huyết mạch giao thông quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm cho gần 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đã bị "đóng băng"...

Thâm hụt dòng tiền, thua lỗ đẩy các hãng hàng không tới bờ vực phá sản, vì vậy, cần phải có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không tồn tại và có thể phục hồi sau dịch Covid-19.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, Chính phủ và Quốc hội đã có một số chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá: "Muốn hỗ trợ hàng không, đầu tiên chúng ta phải quyết về mặt chủ trương, chủ trương là Đảng quyết, sau đó Chính phủ mới thể chế hoá thành pháp luật, thành chính sách, sau đó trình Quốc hội thẩm định, phê chuẩn. Điều này rất cần thiết".

"Thì tôi thấy việc cứu hàng không là công bằng. Đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, là ngành quan trọng với ngành kinh tế, với du lịch, với các ngành ăn theo du lịch, với hội nhập quốc tế…", TS. Nguyễn Sỹ Dũng đánh giá.

Các hãng hàng không cần chính sách hỗ trợ phục hồi. Ảnh: Phan Công

Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Quốc hội đã uỷ quyền cho Chính phủ có vị thế pháp lý phản ứng nhanh để chống dịch Covid-19. Tôi nghĩ cứu nền kinh tế, ngành hàng không cũng cấp thiết như phòng chống dịch.

Quốc hội cần ban hành nghị quyết để cắt giảm? Muốn phản ứng chính sách nhanh có lẽ cần nghị quyết để trong khi khủng hoảng như thế này có một loạt các thủ tục có thể vượt qua nhanh hơn. Trong đó có phản ứng chính sách để hỗ trợ và giải cứu ngành hàng không.

Nhận định về các giải pháp giảm các loại phí, lãi suất vay, nợ xấu đã hết hiệu lực như: Thông tư 03 của NHNN Việt Nam về cơ cấu lại nợ, lãi vay cũng đã hết hiệu lực từ tháng 6 năm nay; chính sách giảm phí dịch vụ hàng không tại Cảng hàng không theo Thông tư 53 của Bộ GTVT chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và đã hết hiệu lực từ tháng 10/2020. Hiện, vẫn chưa có chính sách mới.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng chỉ ra nguyên nhân tình trạng chậm trễ trong việc hỗ trợ hàng không là do mô hình thể chế, pháp luật, gắn liền với nhiều cơ quan, thủ tục, nguồn lực hạn chế.

Vừa rồi, tôi thấy Vietnam Airlines được hỗ trợ, nhưng vì sao chỉ một mình Vietnam Airlines được hỗ trợ?. Chúng ta cần đánh giá công bằng hãng bay tư nhân thì cũng là nguồn lực của đất nước này. Chúng ta không nên quan điểm doanh nghiệp của Nhà nước hay không của Nhà nước, mà chúng ta nên quan điểm doanh nghiệp của quốc gia hay không của quốc gia.

Tự đó, hỗ trợ phải bình đẳng, nền tảng của sự cạnh tranh phải bình đẳng. Nếu chúng ta chỉ hỗ trợ 1 hãng hàng không thì quả thực không có sự bình đẳng. Như vậy không có lợi cho nền kinh tế nói chung.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Dân Việt

Phản phán ứng thật nhanh

Về giải pháp "cứu" hàng không, TS. Nguyễn Sĩ Dũng phân tích: "Muốn "cứu" nền kinh tế phải phản ứng thật nhanh. Muốn phản ứng nhanh thì phải vượt qua các hạn chế về mặt thể chế, vượt qua các hạn chế, các thủ tục bằng cách có một nghị quyết riêng của Quốc hội. Không có một nghị quyết như vậy thì sẽ rất khó khăn.

Theo tôi, Quốc hội nên ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Bộ Quốc hội và Chính phủ để phản ứng nhanh nhất để cứu vãn nền kinh tế. Đây là điều rất quan trọng.

Nhận định về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, TS. Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ: "Các Bộ, Ngành đều có một số doanh nghiệp để quản lý, nhưng không rõ đầu mối Bộ, ngành nào phải thúc đẩy, chịu trách nhiệm chung về sức khỏe doanh nghiệp. Tôi nghĩ Bộ gần nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư".

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho hay, phản ứng chính sách để cứu vãn nền kinh tế phải bắt đầu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nếu cần thì phải kết nối, tương tác với các Bộ khác, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động và các cơ quan khác nữa.

Tuy nhiên, cũng chưa có một quy định pháp luật nào rõ ràng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối, chịu trách nhiệm. Chính phủ nên giao tương đối rõ một Bộ chiuaj trách nhiệm. Sau đó điều phối xuống phía bên dưới mới rõ là: nếu vốn, cơ cấu nợ là trách nhiệm của ngân hàng, thì lúc ấy mới Thống đốc ngân hàng chịu trách nhiệm. Còn ở địa phương thì khá rõ, doanh nghiệp trên địa bàn thì địa phương cũng cần có trách nhiệm với sức khỏe doanh nghiệp trên địa bàn.

Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phan Công

Phân tích về những khó khăn của ngành hàng không, TS. Võ Huy Cường (Phó Cục trưởng Cục Hàng không) đánh giá: Năm 2021, hàng không nội địa là cứu cánh giúp các hãng hàng không cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ trong dây chuyền vận chuyển hàng không cầm cự".

Do dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các chuyến bay vận chuyển khách thường lệ hầu như dừng hoàn toàn. "Như vậy cả một đội tàu bay khoảng 200 chiếc phải nằm ở mặt đất, chi phí bảo dưỡng tăng rất cao trong khi các hãng vẫn phải duy trì chi phí thuê tàu bay. Có thể thấy thiệt hại là cực kỳ lớn", ông Cường khái quát.

Bên cạnh đó, để sẵn sàng phục vụ các yêu cầu phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, vẫn phải duy trì đội tàu đó một cách an toàn, sẵn sàng bay và đặc biệt là lực lượng phi công, thợ máy, tiếp viên và tất cả những người tham gia vào dây chuyền phục vụ vận chuyển hàng không đều phải sẵn sàng.

Có thể trợ cấp bằng tiền mặt

Theo ông Cường, đại dịch có giãn cách xã hội nhưng ngành hàng không nói chung và các hãng hàng không nói riêng vẫn phải hoạt động tích cực để đảm bảo nguồn lực luôn sẵn sàng, đảm bảo an toàn trong bất cứu tình huống nào.

Chính phủ có nhiều giải pháp và chỉ đạo cụ thể để kịp thời hỗ trợ các hãng hàng không: giảm thuế môi trường với nhiên liệu hàng không, giảm giá dịch vụ hàng không, phí hàng không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các hãng và các doanh nghiệp trong ngành hàng không.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ phải lo rất nhiều việc nhưng vẫn quan tâm đến sự tồn vong của ngành hàng không và đặc biệt các hãng hàng không. Hiện nay, hàng không duy trì để thực hiện vận chuyển các lực lượng hỗ trợ vùng dịch, trang thiết bị y tế, vắc xin, thuốc… Đồng thời vận chuyển hàng hóa trong nước cũng như phục vụ xuất - nhập khẩu, đặc biệt những mặt hàng nhập khẩu để phục vụ nhiệm vụ chống dịch.

Các hãng hàng không mong muốn mở lại các chuyến bay thu hút khách trở lại sân bay. Ảnh: VNA

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng đưa ra các con số: "Hiện nay hàng không thế giới đang đóng góp khoảng 3,2% GDP toàn cầu, 65 triệu việc làm".

Năm 2020, hàng không thế giới lỗ khoảng 126 tỷ USD, năm nay lỗ khoảng 40 - 45 tỷ USD do nhiều vấn đề. Năm nay tuy có giảm lỗ nhưng còn nặng nề và đau vì sức chịu đựng của doanh nghiệp đã mòn mỏi hơn so với năm ngoái.

Đưa ra một số giải pháp hỗ trợ hàng không, TS. Cấn Văn Lực phân tích: "Chúng ta có thể trợ cấp bằng tiền mặt để trả lương cho người lao động hàng không. Ngoài ra, có những khoản hỗ trợ về phí với ghế trống, hỗ trợ mua trả trước vé máy bay, kích cầu du lịch qua đó hỗ trợ hàng không.

Hiện nay, đa số các nước đều dùng công cụ cho vay hỗ trợ thanh khoản. Gần đây còn có hiện tượng quốc hữu hoá - chính phủ bỏ vốn đầu tư vào các hãng hàng không để cứu họ, sau vài năm khi tình hình hoạt động bình thường trở lại họ sẽ thoái vốn.

Hiện nay tổng các gói hỗ trợ trên toàn cầu khoảng 225 tỷ USD, tương đương khoảng 0,25% GDP toàn cầu, trong đó có 3 cấu phần quan trọng: 65% là trợ cấp, cho vay ưu đãi, góp vốn cổ phần, hoặc bơm tiền mặt; 25% là trợ cấp tiền lương và trợ cấp các chuyến bay; 10% là giảm thuế phí, không phạt những khoản trả chậm. Tôi thấy cấu trúc gói hỗ trợ của nước ngoài khá rõ ràng như vậy.

Như vậy các nước đều rất quan tâm hỗ trợ lĩnh vực hàng không vì có vai trò quan trọng. Hàng không rất khó khăn nhưng rất ít hãng phá sản vì chính phủ vào cuộc quyết liệt. Mỹ, Singapore, Anh, Đức là những nước có những gói hỗ trợ khổng lồ trong lĩnh vực hàng không. Về hiệu quả, tôi mong sẽ đạt được hiệu quả tốt gắn với tiến trình kiểm soát dịch bệnh, tiến trình tiêm vắc xin, sống trong bối cảnh mới.