TP HCM xin gỡ vướng mắc về quản lý bất động sản

Đông Bắc 10:11 | 28/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại buổi làm việc với Thủ tướng ngày 27/7, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng sự phát triển của thành phố đang gặp nhiều điểm nghẽn, trong đó có liên quan đến quản lý nhà, đất công.

 

 TP HCM kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quản lý nhà đất công. Ảnh minh họa. 

Ngày 27/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với UBND TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội trong 7 tháng đầu năm năm 2022 và một số dự án đầu tư công trọng điểm tại Thành phố. Tại buổi làm việc, Chủ tịch TP HCM ông Phan Văn Mãi cho biết, có trường hợp doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ trước năm 2007, trong đó giá trị quyền sử dụng đất  không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nay không thể gia hạn thời gian sử dụng đất vì quy hoạch mục đích sử dụng đã thay đổi.

Trong khi doanh nghiệp không thể tiếp tục sử dụng đất theo mục đích cũ, Nhà nước cũng không thể thu hồi theo pháp luật hiện hành. Còn nếu doanh nghiệp xin chuyển mục đích sử dụng thì sẽ bị thu hồi để bán đấu giá.

Vướng mắc này cũng xảy ra với đất do Nhà nước cho thuê ngắn hạn, trả tiền hàng năm cho đến khi thực hiện quy hoạch. Nhà nước cho dù buộc phải thu hồi đất hay bán đấu giá thì tài sản trên đất vẫn là của nhà đầu tư, do chưa có quy định để xử lý, định giá, bồi hoàn tài sản trên đất của doanh nghiệp nên không đảm bảo điều kiện đấu giá.

"Điều này dẫn tới các khu đất thuộc những diện này không được quản lý, sử dụng một cách hiệu quả, gây lãng phí đất đai, thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Đây là bất cập lớn do các chủ trương, chính sách, pháp luật chưa được quy định đầy đủ, chưa tính hết các tình huống phát sinh và chưa hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, doanh nghiệp", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Do đó, ông kiến nghị sớm có hướng dẫn xử lý cho những trường hợp này, theo đó việc chuyển mục đích sử dụng đất chỉ cần thỏa mãn Luật Đất đai hay phải đáp ứng thêm các điều kiện về quản lý tài sản công.

Một băn khoăn khác được lãnh đạo TP HCM nêu ra trước Thủ tướng là hiện nay còn nhiều dự án ngay giữa trung tâm TP bị tắc nghẽn do có đất công xen cài. Các phần diện tích đất công này rất nhỏ và phân mảnh, do đó nếu thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định thì cần một chủ đầu tư gom nhiều phần mới có thể phát triển dự án đem lại hiệu quả kinh doanh.

Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép UBND TP được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với những phần diện tích dự kiến tổ chức đấu thầu này.

 

Để tháo gỡ các điểm nghẽn cho TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Thường trực Chính phủ đã có kế hoạch làm việc với TP HCM ít nhất mỗi quý một lần. "Có thể Thủ tướng hoặc các Phó Thủ tướng sẽ làm việc với Thành phố, để rà soát các công việc cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp TP.HCM phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mạnh hơn. Kinh nghiệm cho thấy khâu tổ chức là khâu yếu nhất nên hay bị lơ là, hiệu quả chưa cao", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

 Mặt khác, TP HCM cũng có 1.400 cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng phải sắp xếp xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP đang không được sử dụng do chưa có quy định về việc cho thuê tài sản được giao quản lý giữ hộ.

Theo ông Phan Văn Mãi, việc để trống 1.400 cơ sở nhà, đất này gây thất thoát, lãng phí không nhỏ cho ngân sách với hàng loạt chi phí như thuê bảo vệ, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hàng năm...

 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh SGGP. 

"TP kiến nghị bổ sung hình thức cho thuê tài sản đối với loại tài sản giao cho đơn vị sự nghiệp quản lý giữ hộ để tránh thất thoát, lãng phí, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy định, kiến nghị Thủ tướng cho phép TP HCM được thí điểm tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp này", Chủ tịch UBND TP HCM nói.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với các đề xuất kiến nghị của TP HCM. Thủ tướng nhấn mạnh, sự đóng góp của TP HCM cho ngân sách Trung ương rất lớn, 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách của TP HCM bằng 1/3 cả nước. Điều đó cho thấy đầu tư cho TP HCM 1 đồng thì tăng 3-4 đồng so với đầu tư 1 đồng ở nơi khác.

Thủ tướng cho biết, các vướng mắc liên quan đến các dự án trọng điểm  sẽ được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.  Đối với dự án đường vành đai 3, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết trong 1-2 ngày tới. Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu dự án đường vành đai 4, TP HCM.

Đối với các vướng mắc liên quan đến quỹ đất thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư, việc bổ sung vốn cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP HCM, Thủ tướng giao các bộ liên quan trình các giải pháp tháo gỡ để Chính phủ quyết định.