Trung Quốc đẩy nhanh thiết lập hệ thống thuế và tài khóa hiện đại
Trong một bài báo trên tờ Economic Daily, Bộ trưởng Liu Kun cho biết các biện pháp chính đang được lên kế hoạch, bao gồm bảo vệ chi tiêu nhiều hơn cho các chủ trương khác nhau trong việc cải thiện đời sống của người dân và tối ưu hóa hệ thống quản lý thuế trong nước.
Tỷ lệ thu nhập thuế trên GDP của Trung Quốc đã giảm xuống 15,2% vào năm ngoái, từ mức 17,5% của năm 2016, cho thấy mức độ gánh nặng thuế vĩ mô tương đối thấp hơn so với các nước khác. Mức thuế chung cần được duy trì ổn định để củng cố hỗ trợ phát triển kinh tế.
Thúc đẩy cải cách thuế và tài khóa bền vững, sâu sắc đã được xác định là ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Trung Quốc nhằm đảm bảo và tăng cường phát triển chất lượng cao. Chính quyền trung ương sẽ giữ quyền thống nhất pháp luật và thu thuế, trong khi các chính quyền cấp tỉnh có thể sẽ gặp phải khó khăn trong việc quản lý thuế thông qua lập pháp và ủy quyền.
Liu nói, chính phủ sẽ "tích cực và đều đặn thúc đẩy luật pháp và cải cách thuế tài sản", đồng thời cho biết thêm rằng chính sách này sẽ cải thiện hệ thống thuế của các chính quyền địa phương và giúp tăng cường nguồn thuế địa phương.
Ảnh minh họa.
Li Yang, Chủ tịch Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang xem xét khả năng áp dụng thuế tài sản do chính quyền địa phương quản lý. Thu nhập từ thuế sẽ giúp chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề nợ.
Một biện pháp khác là cải cách phương thức thu thuế tiêu dùng để mở rộng hơn nữa nguồn thu nhập cho chính quyền địa phương, Bộ trưởng Tài chính cho biết.
Liu nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro tài khóa, nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương nên sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động được thông qua trái phiếu đặc biệt và ngăn chặn sự gia tăng nợ tiềm ẩn.
Chính quyền địa phương không được phép tăng nợ ngầm dưới mọi hình thức, không bao giờ được phép thiết lập các dự án mới bằng cách thêm nợ ngầm. Về phần hiện tại, ông kêu gọi giảm dần nợ thông qua các biện pháp phối hợp với các tổ chức tài chính và thực hiện các bước theo định hướng thị trường để đối phó với các vụ vỡ nợ và ngăn ngừa rủi ro hệ thống.
Wang Shengzu, người đứng đầu Nhóm Chiến lược Đầu tư Châu Á của Bộ phận Quản lý Tài sản và Người tiêu dùng của Goldman Sachs cho biết: "Miễn là sự phục hồi kinh tế đang đi đúng hướng và không có biến động thị trường đột ngột dẫn đến rủi ro hệ thống và bất ổn tài chính, chúng tôi tin rằng việc xóa nợ và thắt chặt tín dụng sẽ tiếp tục diễn ra, ít nhất là ở cấp chính quyền địa phương".
Wang dự kiến các đợt phát hành trái phiếu chính quyền địa phương sẽ thấp hơn trong năm nay, do sự hợp nhất tài khóa dự kiến. Các đợt phát hành có thể đạt đỉnh trong tháng này.
Bộ trưởng Tài chính cũng kêu gọi sử dụng tốt hơn các biện pháp tài khóa để tăng cường điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Các chính sách tài khóa cần tăng cường các điều chỉnh theo chu kỳ và phối hợp với các kế hoạch xuyên chu kỳ để duy trì tăng trưởng kinh tế trong một phạm vi hợp lý. Các công cụ tài khóa hiện có bao gồm tỷ lệ thâm hụt tài khóa, các đợt phát hành trái phiếu chính phủ và các chính sách thuế, phí.
Liu nói, các biện pháp chính sách sẽ hướng tới mục tiêu, hướng tới tương lai và linh hoạt hơn với sự cải tiến trong quản lý. Bộ tài chính sẽ thường xuyên phát hành báo cáo về việc thực hiện chính sách tài khóa.
Với mục tiêu xây dựng một môi trường kinh tế đối ngoại lành mạnh, Trung Quốc sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác tài chính và kinh tế với các nền kinh tế lớn, các tổ chức quốc tế, tăng cường điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô quốc tế, thúc đẩy cải thiện điều hành kinh tế toàn cầu và khu vực.
"Các quỹ tài chính cũng sẽ được sử dụng để trợ cấp cho hoạt động tiêm chủng của đất nước để nhiều người dân Trung Quốc có thể nhận được vắc xin Covid-19 miễn phí", Liu nói.
Xem thêm: Nguyên nhân gì khiến thị trường đầu tư mạo hiểm Trung Quốc ấm lên?
Tùy Ý