Trước thời điểm Tập đoàn thoái vốn, các doanh nghiệp `họ Viettel` đang làm ăn ra sao?

07:24 | 14/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường Việt thiếu vắng các thương vụ thoái vốn, thì thông tin tập đoàn Viettel thoái vốn tại nhóm công ty con trên sàn trong năm nay đang thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư.
9 tháng đầu năm 2020, trong khi nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trì trệ, báo lãi giảm hoặc thậm chí lỗ nặng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề kinh doanh, các doanh nghiệp như Vietnam Airlines, Đạm Hà Bắc, HAGL, Đất Xanh... Nhưng nhóm doanh nghiệp "họ Viettel" trở thành tâm điểm thị trường khi lần lượt công bố tình hình kinh doanh bứt phá so với cùng kì.
 
Trước thời điểm Tập đoàn thoái vốn, các doanh nghiệp `họ Viettel` đang làm ăn ra sao? - ảnh 1
Nguồn: Báo cáo tài chính quý III/2020 của Tập đoàn Viettel

Nổi bật trong hệ sinh thái Viettel, Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post – Mã: VTP) được xem như "gà đẻ trứng vàng". Đơn vị chuyển phát này đang đứng thứ hai về thị phần trong nước với 21%, sở hữu mạng lưới chuyển phát quốc tế đến hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước đó, vào ngày 11/11, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa bán đấu giá thành công toàn bộ gần 5 triệu cổ phần của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post – Mã: VTP)

Ngày 7/12 tới đây, Viettel sẽ bán đấu giá công khai gần 7,8 triệu cổ phiếu CTR của Tổng CTCP Công trình Viettel với giá khởi điểm là 46.600 đồng/cp.

Sau đó 3 ngày sẽ là buổi đấu giá 630.748 cổ phần VTK trên tổng số hơn 2,8 triệu cổ phiếu mà Viettel đang sở hữu, tương đương 15,16% vốn điều lệ của CTCP Tư vấn Thiết kế Viettel.

Thời gian gần đây, thông tin Tập đoàn Viettel có kế hoạch thoái vốn tại 3 đơn vị thành viên trên sàn chứng khoán là Viettel Post, Công trình Viettel và Thiết kế Viettel cuối năm nay thông qua hình thức đấu giá công khai đã thu hút sự chú ý của thị trường lên nhóm cổ phiếu này.
 
Trước thời điểm Tập đoàn thoái vốn, các doanh nghiệp `họ Viettel` đang làm ăn ra sao? - ảnh 2
Viettel đấu giá cổ phần Viettel Post với giá khởi điểm 104.800 đồng/cp

Trong một sự kiện trao đổi riêng với các quĩ và công ty chứng khoán mới đây, Viettel Post tiết lộ tham vọng doanh thu 25.000 tỷ đồng và lợi nhuân 1.500 tỷ đồng vào năm 2025. Lãnh đạo công ty cũng đặt mục tiêu số 1 về thị phần chuyển phát dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Kết thúc quý III/2020, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng trưởng 138% đạt 4.889 tỷ đồng; Lãi sau thuế quý III công ty đạt 107 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kì năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Viettel Post đạt 11.687 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kì; lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 307 tỷ đồng, tăng 15%. EPS 4 quý của VTP là 4.894 đồng.

Mặc dù kết quả kinh doanh sau 9 tháng tăng trưởng ấn tương nhưng doanh nghiệp mới thực hiện được lần lượt 61% chỉ tiêu doanh thu và 62% chỉ tiêu lãi cả năm 2020.
 
Trước thời điểm Tập đoàn thoái vốn, các doanh nghiệp `họ Viettel` đang làm ăn ra sao? - ảnh 3
Nguồn: Báo cáo tài chính quý III/2020 của Tập đoàn Viettel

Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, tình hình hoạt động kinh doanh của Viettel Post liên tục khởi sắc với tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận bình quân hàng năm trên 57%. Doanh thu công ty từ 1.993 tỷ đồng năm 2015 tăng gấp 4 lần vào năm 2019, đạt 7.812 tỷ đồng; LNST cũng tăng tương ứng từ 63 tỷ đồng lên 380 tỷ đồng, gấp 6 lần.

Sau đợt thoái vốn vừa qua, tỉ lệ sở hữu của Tập đoàn Viettel tại Viettel Post đã giảm từ 66,81% còn 60,81% vốn điều lệ.

Một số quỹ đầu tư cho rằng tỉ lệ thoái vốn 6% là thấp hơn so với dự kiến 16% trước đó. Theo đại diện Viettel, việc thoái theo lộ trình để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư Viettel. Lộ trình thoái vốn tiếp theo được thực hiện trong giai đoạn tái cơ cấu mới của Viettel vào 2021 - 2025.

CTCP Tư vấn thiết kế Viettel (Mã: VTK) là đơn vị có quy mô doanh thu nhỏ nhất trong hệ sinh thái Viettel đang giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thiết kế Viettel hiện đảm nhiệm thiết kế trên 80% công trình hạ tầng viễn thông của Tập đoàn Viettel.

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ của Thiết kế Viettel, doanh thu 6 tháng tăng 21% so với cùng kì lên 55,2 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 7,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%.

Thống kê trong 5 năm gần đây, mặc dù doanh thu công ty liên tục tăng trưởng, nhưng lợi nhuận đạt được không mấy khởi sắc. Cụ thể giai đoạn 2015 – 2019, Thiết kế Viettel ghi nhận qui mô doanh thu tăng từ 71 tỷ đồng lên 112 tỷ đồng; LNST từ 15 tỷ đồng tăng lên 16 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thị trường nước ngoài (Lào, Campuchia, Mozambique, Cameroon, Haiti, Peru và Myanmar) đang mang lại nguồn thu chính cho công ty, đạt 100 tỷ đồng trong năm 2019, chiếm 89% cơ cấu tổng doanh thu.

Hiện Viettel là cổ đông lớn nhất tại Thiết kế Viettel, sở hữu hơn 2,8 triệu cổ phiếu VTK, tương đương 68% vốn điều lệ. Nếu đấu giá thành công, Viettel sẽ giảm tỉ lệ sở hữu xuống 52,84%.
 
Trước thời điểm Tập đoàn thoái vốn, các doanh nghiệp `họ Viettel` đang làm ăn ra sao? - ảnh 4
Nguồn: Báo cáo tài chính quý III/2020 của Tập đoàn Viettel

Về Tổng CTCP Công trình Viettel (Mã: CTR), những năm gần đây doanh nghiệp này đang mở rộng sang các lĩnh vực khác như vận hành khai thác (VHKT), hạ tầng cho thuê (TowerCo), giải pháp tích hợp và Xây lắp, bên cạnh lĩnh vực chính là xây lắp hạ tầng viễn thông.

Công ty cũng định hướng mở rộng sang lĩnh vực xây lắp công trình dân dụng, dự kiến tăng trưởng 8%/năm trong giai đoạn 2021 – 2025. Đến năm 2025, doanh nghiệp này đặt tham vọng doanh thu từ 10.000 - 11.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế từ 300 - 500 tỷ đồng.

Sau 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu Công trình Viettel đạt 4.235 tỷ đồng, lãi sau thuế 125 tỷ đồng; tăng lần lượt 15% và 35% so với 9 tháng năm 2019. Với mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế cả năm 2020 lần lượt đạt 6.000 tỷ đồng và 199 tỷ đồng, tỉ lệ thực hiện kế hoạch của Công trình Viettel sau 9 tháng là 71% và 84%.

Tính cả giai đoạn năm 2015 – 2019, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp liên tục ghi nhận tăng trưởng. Theo đó, doanh thu Công trình Viettel tăng gấp 3 lần trong 5 năm, lãi sau thuế cũng tăng 65% lên 181 tỷ đồng vào năm 2019.

Hiện tỉ lệ sở hữu của Tập đoàn Viettel tại Công trình Viettel là 63,12% vốn điều lệ, nếu đợt bán đấu giá sắp tới thành công, tỉ lệ này sẽ giảm về 52,04%.

Bên cạnh các doanh nghiệp trên, Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – Mã: VGI) do Viettel sở hữu 99,03% vốn điều lệ là đơn vị duy nhất trong hệ sinh thái Viettel trên thị trường chứng khoán không nằm trong danh sách thoái vốn.

Trước năm 2016, Viettel Global đã có 5 năm liên tiếp báo lãi. Tuy nhiên, khoản lỗ chênh lệch tỉ giá gần 1.500 tỷ đồng năm 2016 khiến công ty lỗ sau thuế 3.475 tỷ đồng.

Trong ba năm sau đó, các khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết góp phần khiến kết quả kinh doanh hợp nhất của Viettel Global liên tục lỗ ròng.

Tính đến ngày 30/9, Viettel Global đang lỗ lũy kế 2.461 tỷ đồng, giảm 30% so với con số lỗ lũy kế hồi đầu năm.
 
Trước thời điểm Tập đoàn thoái vốn, các doanh nghiệp `họ Viettel` đang làm ăn ra sao? - ảnh 5
Nguồn: Báo cáo tài chính quý III/2020 của Tập đoàn Viettel

Đến giữa năm 2019, Viettel Global đã không hợp nhất "Báo cáo kết quả kinh doanh" cũng như "Báo cáo lưu chuyển tiền tệ" của Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L do không thể thu thập được báo cáo tài chính cũng như số liệu tài chính của đơn vị này kể từ ngày 1/11/2018.
 
Cả năm 2019, doanh thu từ các công ty liên kết còn lại (Viễn thông Star, Metcom, Mytel) tăng gần gấp đôi năm 2018 đã dần kéo Viettel Global thoát lỗ với khoản lãi trước thuế 12 tỷ đồng.

Việc không còn hợp nhất từ thị trường Cameroon vào kết quả kinh doanh khiến cho doanh thu tại thị trường Châu Phi nửa đầu năm 2019 giảm 28% còn 2.609 tỷ đồng. Nhưng số lỗ hợp nhất theo đó cũng đã giảm 44%, từ 1.388 tỷ đồng xuống còn 773 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2020, Viettel Global đạt 14.351 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 16% so với cùng kì. Lãi gộp tăng 25% lên 5.658 tỷ đồng, cùng với đà tăng trưởng được duy trì của Mytel, lợi nhuận từ công ty liên kết đạt hơn 1.511 tỷ đồng trong khi cùng kì âm 15 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế tăng 47%, từ 1.548 tỷ lên 2.272 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng tăng 113%, từ 781 tỷ lên 1.664 tỷ đồng. Tính đến 30/9, tổng tài sản của Viettel Global đạt 60.618 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu gần 31.500 tỷ đồng.

Viettel tại Myanmar đạt số thuê bao kỷ lục. Nguồn: VNEWS
 
Hải Yến