TS. Cấn Văn Lực: Nới room là động thái tích cực, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt 11 - 12%

Hạ An 18:39 | 02/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc chủ động nới room tín dụng cho thấy nỗ lực rất lớn của NHNN và cho thấy tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm sẽ tăng nhanh. Ông cũng dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt khoảng 11 -12% phù hợp với mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn gửi tới 28 ngân hàng thương mại thông báo về nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) trong năm 2023. Nguyên nhân là năm nay tăng trưởng tín dụng không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung toàn hệ thống, trong khi một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.

Với quyết định này, các ngân hàng sẽ được chủ động điều chỉnh room tín dụng của mình khi đủ điều kiện mà nhà điều hành đã đưa ra mà không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung.

Các tiêu chí chính được đưa ra gồm: có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và hạ lãi suất cho vay.

Tăng trưởng tín dụng năm nay so với năm ngoái. (Nguồn: SBV).

Bình luận về động thái của NHNN, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng mặc dù năm nay room tín dụng không quá căng thẳng nhưng động thái của NHNN mang ý nghĩa khá tích cực.

Việc nới room có thể góp phần khiến cho tăng trưởng tín dụng nhanh hơn vào các tháng cuối năm và cũng đáp ứng được nhu cầu của một số ngân hàng và khách hàng cần vay vốn.

Dù vậy, chuyên gia đánh giá lượng cấp thêm của NHNN cơ bản không nhiều và sẽ tập trung vào mấy ngân hàng cổ phần cỡ trung bình. "Vừa rồi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này tương đối nhanh và đã sử dụng hết hạn mức 14 - 15% mà NHNN cấp từ tháng 7", ông nói. 

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: NVCC).

Vị chuyên gia này nhìn nhận về cơ bản câu chuyện room tín dụng năm nay không vướng mắc nhiều, NHNN đã cấp hạn mức tín dụng tới 14 - 15% từ tháng 7 vừa rồi. Các ngân hàng cũng đã chủ động cho vay trong hạn mức đó nên một vài ngân hàng vượt hạn mức sẽ được cấp thêm.

Theo ông, trong năm nay room tín dụng không phải là vấn đề lớn, do tổng thể toàn ngành tăng trưởng chậm nên những ngân hàng thiếu sẽ được cấp thêm trừ khi các ngân hàng đó đang nằm trong diện tái cơ cấu hoặc quá yếu kém. Đồng thời, các ngân hàng này cũng phải đáp ứng các tiêu chí mà NHNN đưa ra.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM cũng nhìn nhận động thái nới room tín dụng của NHNN mang nhiều ý nghĩa tích cực về mặt tâm lý chứ không giải toả căng thẳng của thị trường bởi năm nay tăng trưởng tín dụng toàn ngành thấp, nhiều ngân hàng vẫn còn room tín dụng chứ không giống như năm ngoái.

Việc chủ động cấp thêm room tín dụng thể hiện sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và NHNN trong việc tiếp tục tập trung đẩy mạnh khu vực vốn trong nền kinh tế. Đây là tín hiệu tích cực và cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm.

Tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt 11 - 12%

Mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tính đến hết ngày 22/11/2023 mới đạt 8,21% song các chuyên gia đều nhận định, tăng trưởng tín dụng năm sẽ đạt trên 10% thậm chí là 11 - 12%.

TS. Lực dự báo tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức 11 - 12% do trong giai đoạn cuối năm, tăng trưởng tín dụng thường nhanh hơn nhiều đầu năm, thậm chí gấp đôi. Đặc biệt là khi Chính phủ và NHNN rất chủ động trong việc đẩy mạnh tín dụng năm nay.

Ông phân tích mức tăng này là tương đối phù hợp bởi mục tiêu tăng trưởng 14% đặt ra khi tăng trưởng GDP là 6,5%. Còn dự báo hiện nay phần lớn cho rằng tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 5% nên tăng trưởng tín dụng từ 11 - 12% là có cơ sở. Năm tới tăng trưởng kinh tế có thể khoảng 6,5% thì mức tăng trưởng năm nay đạt trên 10% cũng phù hợp chứ không quá thấp.

"Năm nay rõ ràng cầu tín dụng vẫn còn thấp, kinh tế bên ngoài và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nền kinh tế mới đang dần phục hồi, nhu cầu về vốn tín dụng không lớn. Song về lâu dài, cần có các giải pháp khác để phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tránh lặp lại câu chuyện cạn kiệt room tín dụng", ông Lực nói thêm.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: VNB).

Kém lạc quan hơn đôi chút, TS. Huân nhận định mục tiêu đặt ra là tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 14% là không thể và dự báo chỉ đạt khoảng 10 - 11%. Đặc biệt, TS. Huân kiến nghị NHNN và các tổ chức tín dụng cần kiểm soát chặt chẽ việc giải ngân.

"Giải ngân cần đi kèm với kiểm soát rủi ro chứ không phải chạy theo chỉ tiêu KPI bằng mọi giá", ông nói và cho biết các ngân hàng cần quan tâm đến chất lượng tín dụng khi giải ngân chứ không nên vì KPI đặt ra về doanh thu, lợi nhuận mà bất chấp rủi ro nợ xấu, đặc biệt là những lĩnh vực có độ rủi ro cao thì vẫn cần hạn chế tín dụng để tránh rủi ro cho nền kinh tế.