Các dự án nhà ở xã hội xuất hiện nhiều điểm sáng
Nhà ở xã hội thêm nguồn cung mới
Hà Nội là nơi đang khan hiếm nguồn cung về nhà ở xã hội khi loại hình nhà tầm trung liên tục tăng giá, chung cư mini sau vụ cháy ở Thanh Xuân khiến cho nhiều người ngại tiếp cận... Sắp tới, Hà Nội sẽ đón thêm nguồn cung gần 2.000 căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội trong năm 2024 với 3 dự án đã được cập nhật phê duyệt.
Mới đây nhất, trong kế hoạch phát triển nhà ở đợt 2 của thành phố giai đoạn 2021-2025, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định Phê duyệt cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Trong số các dự án được phê duyệt, có 3 dự án là nhà ở xã hội. Cụ thể, tại khu đô thị mới Đại Kim (phường Đại Kim, Hoàng Mai), hai ô đất CT4, CT5 với tổng diện tích 2.03 ha sẽ được dùng để phát triển nhà ở xã hội. Chủ đầu tư đang chuẩn bị thi công dự án và dự kiến hoàn thành vào năm 2024, cung cấp cho thị trường Hà Nội 562 căn hộ.
Cũng nằm trên phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), thuộc khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang, ô đất CT6B với tổng diện tích sàn 33.120m2 sẽ triển khai 552 căn nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư 1.293 tỷ đồng. Dự án đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2027. Ngoài ra, tại Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang 1 (trải dài trên địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), hai ô đất CT7 và CT8 cũng sẽ được triển khai 937 căn nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư 1.394 tỷ đồng. Được biết, dự án hiện đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026-2027.
Ngoài ra, theo kế hoạch triển khai chỉnh trang các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp đều triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Được biết, hiện Hà Nội có 10 khu công nghiệp nhưng chỉ mới có 4 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân. Con số này là quá khiêm tốn với lực lượng công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, thị trường các tỉnh phía Nam cũng đang bổ sung thêm nguồn cung dự án nhà ở xã hội. Tại Cà Mau, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội tại huyện U Minh. Dự án nhà ở xã hội của Minh Phú có quy mô gần 18 ha với tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng, cung cấp chỗ ở cho khoảng 3.200-3.800 người.
UBND tỉnh Hậu Giang cũng mới ban hành Kế hoạch về triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của Hậu Giang là hết năm 2023 sẽ cán mốc 1.572 căn nhà ở xã hội. UBND tỉnh Hậu Giang cũng giao Sở Xây dựng lập hồ sơ đề xuất dự án và trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội...
Cần sớm áp dụng Luật Nhà ở 2023 với các quy định về nhà ở xã hội
Trong văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Bộ Xây dựng mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đánh giá việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở 2023 là rất tích cực, phù hợp thực tiễn, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật. Khẳng định Luật Nhà ở 2023 có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991, Luật Nhà ở 2005 và Luật Nhà ở 2014.
Theo HoREA, đối với chính sách về nhà ở xã hội, Luật Nhà ở 2023 đã quy định đồng bộ các cơ chế chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Trước hết là nhằm thực hiện chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội với nhiều chính sách nổi bật, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập hiện nay, sát với thực tiễn, như: Quy định hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi; điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang; các yêu cầu đối với chủ đầu tư dự án…
Luật Nhà ở 2023 đề cập nội dung được nhiều người dân đang sống tại các chung cư cao tầng trong cả nước quan tâm: Quy định về kinh phí bảo trì; quản lý, bàn giao kinh phí bảo trì; cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu. Theo HoREA, quy định rất chi tiết, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ làm tăng áp lực và khối lượng công việc lên UBND cấp huyện trong khi biên chế có hạn. Như tại TPHCM, nhiều quận, huyện có quy mô dân số lớn và có số lượng nhà chung cư nhiều.
Ngoài ra, Luật Nhà ở 2023 cũng quy định Chính phủ quy định chi tiết các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Đây là lần đầu tiên luật nhà ở quy định về các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở để chuẩn hóa quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, bao gồm dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội và có thể áp dụng tương tự cho các dự án bất động sản khác để khắc phục tình trạng mỗi địa phương làm một cách, còn nhà đầu tư thì gặp rất nhiều khó khăn trong những quy trình, thủ tục hành chính. HoREA nhìn nhận quy định này chính là nhằm thực hiện mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều quy định mới tích cực, HoREA nhận thấy, còn một số quy định cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cân nhắc xem xét, có thể điều chỉnh hoặc bổ sung vào thời điểm phù hợp. Cụ thể, Luật Nhà ở 2023 chưa quy định chính sách hỗ trợ cho khoảng 100.000 chủ nhà trọ với hàng trăm nghìn phòng trọ trong cả nước đã và đang giải quyết chỗ thuê trọ cho hàng triệu công nhân, người lao động...
Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025, tuy nhiên, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng sớm hơn đối với các quy định về nhà ở xã hội và hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để đáp ứng nhu cầu cấp bách và nguyện vọng của người dân có liên quan, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và công tác chỉnh trang tái phát triển đô thị.