TS. Nguyễn Hữu Huân: Tỷ giá tăng cao do chịu tác động kép, giảm lãi suất 'quá liều' sẽ gây tác dụng phụ
Tỷ giá "dậy sóng" trong những ngày gần đây khi liên tục tăng cao, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ giá trung tâm trong ngày 17/8 đạt 23.951 VND/USD, tăng thêm 70 đồng so với ngày hôm trước và tăng 345 đồng so với đầu năm.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 15/8, NHNN đã đẩy giá bán USD tại Sở giao dịch từ 24.990 VND/USD lên 25.025 VND/USD, tương ứng mức tăng 35 đồng. Lần điều chỉnh này của NHNN đã khiến giá bán USD lên mức cao nhất từ trước tới nay. So với đầu năm, giá bán USD đã tăng thêm 245 đồng, tương đương 1%.
Mức giá này được hiểu là giá chặn trên của NHNN đối với tỷ giá USD, tức khi tỷ giá chạm mức này thì NHNN sẽ bán USD từ dự trữ ngoại hối để cân bằng thị trường. Có thể thấy, tỷ giá biến động mạnh hơn khi NHNN liên tiếp hạ lãi suất 4 lần kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, Fed và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác vẫn đang theo đuổi chính sách thắt chặt.
Hiện nay, Việt Nam là nền kinh tế đầu tiên trong ASEAN hạ lãi suất nhằm kích thích nền kinh tế. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu suy yếu đang ảnh hưởng tới nguồn thu ngoại tệ.
Tỷ giá tăng cao do chịu tác động kép
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tỷ giá một lần nữa "dậy sóng", TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, diễn biến tỷ giá sẽ tăng vào giai đoạn cuối năm đã được dự báo từ lâu.
Động thái này xuất phát từ hai nguyên nhân, thứ nhất là chênh lệch lãi suất của Việt Nam và Mỹ không còn nhiều và thứ hai là yếu tố mùa vụ.
Với nguyên nhân thứ nhất, trong khi các nước vẫn tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát thì Việt Nam lại hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng. Điều này làm gia tăng rủi ro đảo chiều của cán cân tài khoản vốn, thay vì đầu tư vào Việt Nam các nhà đầu tư sẽ hướng tới các thị trường khác nơi có chênh lệch lãi suất cao, thậm chí dòng vốn trong nước cũng sẽ rút ra bên ngoài, tìm đến nơi có lãi suất cao.
"Chính sách tiền tệ của Việt Nam năm nay khá mạo hiểm so với thế giới. Trong khi lãi suất của Việt Nam liên tục hạ xuống và xoay quanh mức 5-6%, chỉ cao hơn lãi suất của Mỹ. Mức chênh lệch này không đủ tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đây cũng là con dao hai lưỡi khiến tỷ giá tăng cao", ông Huân nói.
Thậm chí, khả năng đảo chiều dòng vốn và tỷ giá sẽ càng căng thẳng vào cuối năm do Fed hiện vẫn chưa có dự định hạ lãi suất và chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ nới lỏng.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tỷ giá tăng cao là mùa vụ. Theo ông, quan sát trong quá khứ, có ba thời điểm tỷ giá Việt Nam có thể tăng.
Thứ nhất là, giai đoạn khoảng tháng 8, tháng 9 khi nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu và nhu cầu nhập hàng để bán dẫn đến nhu cầu về ngoại tệ trong nước tăng cao dẫn đến tỷ giá tăng trong ngắn hạn.
Thời điểm thứ hai là giai đoạn khoảng tháng 11-12, tức là trước Giáng sinh, nhu cầu tỷ giá cũng tăng lên, giai đoạn thứ ba là giai đoạn sau Tết dương lịch và trước Tết Âm lịch, nhu cầu tỷ giá cũng tăng trở lại.
Như vậy, ba thời điểm này nhu cầu về ngoại tệ thường sẽ tăng và nhu cầu tỷ giá cũng tăng theo nhưng sau đó sẽ ổn định trở lại. Ông Huân đánh giá, ở thời điểm hiện tại, tỷ giá đang chịu tác động kép, nhu cầu tăng đột biến do yếu tố mùa vụ và thứ hai là sự chênh lệch lãi suất đang co lại.
Giảm lãi suất "quá liều" sẽ gây tác dụng phụ
TS. Huân cho rằng, từ giờ đến cuối năm NHNN cần cân nhắc rất kỹ khi điều hành chính sách tiền tệ. Nguyên nhân là do nếu NHNN tiếp tục giảm lãi suất cũng không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng mà lại gây căng thẳng về tỷ giá.
Một điểm nghẽn rất lớn trong chính sách tiền tệ hiện nay đó là dù lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn thì họ cũng không vay được. Như vậy, dòng vốn cũng không chảy ra nền kinh tế.
"Khi kê đơn thuốc thì liều lượng phải phù hợp bởi uống thuốc quá liều sẽ bị tác dụng phụ. Tác dụng phụ của việc hạ lãi suất sẽ là lạm phát và tỷ giá có thể quay trở lại", ông Huân nói.
Vì vậy, cần hết sức cân nhắc trong việc giảm lãi suất điều hành và cũng không cần thiết phải tiếp tục giảm vì mức lãi suất điều hành hiện tại đã tương đối hỗ trợ và mình không nên quá nóng vội bởi cần phải có độ trễ để thực thi.
"Khi dòng vốn giá rẻ về nhiều, lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh vào quý III, quý IV nên dù giai đoạn này NHNN có giảm lãi suất điều hành đi chăng nữa thì cũng không có tác động thêm vào hai quý tới mà sẽ tác động vào năm sau, khi đó sẽ quá trễ rồi", ông nói.
Trong giai đoạn ngắn hạn trước mắt, tỷ giá tăng cao sẽ gây tác động đến nhập khẩu lạm phát nếu tỷ giá quá cao. Vì vậy, NHNN cần quan sát động thái của cán cân dòng vốn có đảo chiều mạnh hay không?
Thứ hai là, vấn đề về xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ khả quan hơn, đặc biệt là các ngành nông sản, điện tử được dự báo sẽ tích cực hơn so với giai đoạn trước. Ông Huân dự báo, cán cân tài khoản vãng lai và cán cân thương mại vẫn xuất siêu nhưng cán cân tài khoản tốt thì có thể sẽ đảo chiều thì cần có những biện pháp phù hợp.
Với những thời điểm mùa vụ như hiện nay thì không nên can thiệp quá nhiều vào tỷ giá bởi nhu cầu cao nên tỷ giá sẽ tăng nóng và sau đó sẽ giảm trở lại. Giai đoạn này chưa cần sử dụng đến dự trữ ngoại hối để can thiệp bởi sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa.
Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán MB (MBS) cũng nhận định rằng, nhiều khả năng NHNN sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Fed có động thái hạ lãi suất vào năm sau.
Cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại là yếu tố chính khiến VND giảm giá mạnh so với USD trong thời gian gần đây, các chuyên gia từ MBS nhìn nhận, động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của NHNN đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, khuyến khích nắm giữ USD qua đó gây sức ép lên VND.
Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức 0,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%.
Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.