USD giảm, vàng tăng giá sau động thái của FED
Vào 14 giờ chiều 5/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch ở 1.899,3 USD/ounce, tăng gần 20 USD/ounce trong 24 giờ qua.
Giá vàng có thời điểm lấy lại ngưỡng 1.900 USD/ounce sau khi rơi xuống đáy của 2 tháng. Giới phân tích dự báo giá vàng thời gian tới tiếp tục đi lên do lo ngại về lạm phát, rủi ro địa chính trị và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Trong khi đó, chỉ số Dollar Index đã giảm mạnh sau những bình luận tại cuộc họp báo của ông Powell, chạm mức thấp nhất trong một tuần (102,48 điểm), trước khi quay trở lại mức kết thúc phiên 4/5 ở 102,62 điểm, tức giảm 0,76% so với mức đóng cửa phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá vàng đi lên trong khi đồng USD giảm giá và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đi xuống sau khi FED tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm để kiểm soát lạm phát ở mức cao. Thống đốc FED Jerome Powell nhấn mạnh rằng động thái tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm "sẽ được đưa ra bàn trong vài cuộc họp tiếp theo" nhưng FED chưa cân nhắc đến mức tăng hơn 0,75 điểm phần trăm. Phát biểu này nhanh chóng vực lại mức tăng của thị trường chứng khoán và tiền điện tử đêm qua.
Ngày 4/5, sau phiên họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Đây là mức tăng lãi suất cao nhất mà FED thực hiện trong hơn 2 thập kỷ gần đây, đồng thời là bước đi mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống lại mức lạm phát cao nhất trong 40 năm qua.
Thống đốc FED Jerome Powell cho hay: “Lạm phát đang ở mức quá cao và chúng tôi nhìn thấy nỗi đau mà nó gây ra cho nền kinh tế. Chúng tôi đang khẩn trương khắc phục tình trạng này ”. Ông Powell nhấn mạnh gánh nặng của lạm phát đối với những người có thu nhập thấp, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực khôi phục sự ổn định của giá cả.
Động thái tăng lãi suất cơ bản hôm 4/5 sẽ đẩy mặt bằng lãi suất cơ bản tại Mỹ lên khoảng 0,75-1%.
Lãi suất tăng sẽ làm tăng mặt bằng lãi suất cho vay nói chung, từ lãi suất thế chấp, lãi suất thẻ tín dụng đến lãi suất vay ngân hàng, qua đó vô hình chung làm giảm nhu cầu tiêu thụ và hoạt động kinh doanh. FED kỳ vọng động thái này sẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
“Nền kinh tế Mỹ rất mạnh và đủ khả năng để thắt chặt hơn chính sách tiền tệ”, ông Powell nói và dự đoán nền kinh tế sẽ "hạ cánh an toàn" bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt.
Lần cuối cùng FED quyết liệt tăng lãi suất vào đầu năm 2000 đã khiến lãi suất huy động nhảy vọt lên 6,5%, nhưng FED buộc phải hạ xuống chỉ bảy tháng sau trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái và tác động đáng quan ngại từ vụ khủng bố 11/9.
Một số nhà kinh tế lo ngại lần này FED có thể đối mặt với khó khăn tương tự khi Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng -1,4% trong quý I trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và chính sách Zero-COVID của Trung Quốc.