FED siết chính sách tiền tệ: Hết thời tiền rẻ, lãi suất trong nước cũng áp lực

Nguyễn Thị Thùy Dung 11:01 | 05/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời đại tiền rẻ đã qua đi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giờ đây đang đẩy mạnh nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát tăng nóng nhất trong hơn 4 thập kỷ.

Hôm 4/5 (giờ Mỹ), Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc FED tuyên bố nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày. Như vậy, đây là đợt nâng lãi suất mạnh nhất trong 22 năm qua của FED.

Trước đó, hồi tháng 3, FOMC đã thông qua quyết định tăng lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm, lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ cuối năm 2018 đến nay.

Lần đầu tiên kể từ năm 2000, FED tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm (Ảnh: The New York Times)

Tờ CNN bình luận việc FED cuối cùng cũng đưa lãi suất cơ bản rời mức tiệm cận 0 - vốn được duy trì suốt 2 năm đại dịch - đang cho thấy niềm tin của ngân hàng trung ương vào sức khỏe của thị trường việc làm cũng như quyết tâm ghìm cương lạm phát. Trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng mạnh nhất trong hơn 4 thập kỷ, FED có thể buộc phải tăng lãi suất thêm nhiều lần trong những tháng tiếp theo.

Điều này sẽ chấm dứt kỷ nguyên tiền rẻ kéo dài suốt nhiều tháng qua tại Mỹ, khi FED đưa lãi suất về mức tiệm cận 0 và mạnh tay bơm thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM US nhận định: “Sẽ không còn tiền rẻ nữa”. 

Lãi suất thế chấp, lãi suất tín dụng đồng loạt tăng theo lãi suất cơ bản

Việc FED tăng lãi suất cơ bản chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng domino - dù trực tiếp hay gián tiếp - làm tăng chi phí vay với người tiêu dùng, khiến tiền trở nên đắt đỏ hơn. Người tiêu dùng Mỹ có thể ít cảm nhận những tác động từ đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED; nhưng khi lộ trình thắt chặt ngày càng quyết liệt hơn - nhất là sau đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mới đây - những tác động được dự báo sẽ rõ nét hơn.

Chẳng hạn, lãi suất thế chấp - liên quan trực tiếp đến tín dụng vay mua nhà - mặc dù không chịu tác động tương ứng trực tiếp từ việc FED tăng lãi suất cơ bản nhưng lại di chuyển cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm. Mà lợi suất này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có kỳ vọng của thị trường về chính sách tiền tệ của FED. Nhìn lại lịch sử những năm gần đây, lãi suất thế chấp bình quân với các khoản vay thời hạn 30 năm thường có xu hướng di chuyển tương ứng với lãi suất cơ bản của FED.

Khảo sát hồi giữa tháng 3 do Freddie Mac thực hiện ngay sau đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED chỉ ra rằng lãi suất thế chấp tại Mỹ dù vẫn ở mức thấp nhưng đã có dấu hiệu nhích lên liên tục trong thời gian qua. Tính đến ngày 16/3, lãi suất thế chấp bình quân cho các khoản vay 30 năm ở mức khoảng 3,85%, tăng từ mức 3,05% cùng kỳ năm ngoái. Đến tuần kết thúc vào ngày 28/4, lãi suất này đã nhích lên 5,1% và đến ngày 4/5 vừa qua là 5,5%.

Lãi suất thế chấp tại Mỹ tăng mạnh cùng với kỳ vọng thị trường về đà tăng lãi suất cơ bản của FED (Ảnh: Mortgage News Daily)

Lãi suất thế chấp cao hơn sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc mua nhà, làm nhu cầu yếu đi. Thực tế, giá nhà tại Mỹ đã tăng chóng mặt trong thời kỳ đại dịch. Theo Hiệp hội Môi giới Quốc gia, tính đến tháng 3/2022, giá trung bình cho một căn nhà hiện có được bán đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên 375.300 USD. Nhu cầu nhà yếu hơn do lãi suất thế chấp tăng được kỳ vọng sẽ làm giảm giá phần nào, qua đó xoa dịu một nhân tố gây lạm phát.

Tương tự, lãi suất trung bình với các khoản vay mua ô tô dự kiến cũng tăng do loại lãi suất này thường có xu hướng di chuyển cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 5 năm. 

Với những người gửi tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng, việc FED nâng lãi suất cơ bản thường đồng nghĩa ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho các khoản tiền gửi. Nhưng mức tăng có thể không đến ngay lập tức do các ngân hàng có xu hướng chỉ tăng lãi suất khi họ muốn hút thêm tiền gửi tiết kiệm; nhưng hiện tại, lượng tiền gửi ở các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ về cơ bản đã dồi dào.

Nhìn chung, về mặt kỹ thuật, chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát sẽ đi kèm với tác động tăng chi phí vay, làm suy giảm nhu cầu với hàng hóa, vô hình chung kéo lùi một động lực đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Mỹ. Trong khi đó, các vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng trầm trọng hơn do chiến sự ở Nga và Ukraine cũng đe dọa tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Còn về tác động kiềm chế lạm phát, dự kiến sẽ mất một thời gian để các biện pháp siết chính sách tiền tệ của FED phát huy mục tiêu xoa dịu lạm phát. Ngay cả khi đó, lạm phát tại Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung vẫn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và đại dịch COVID-19.

Áp lực duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong nước

Tại Việt Nam, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với 3 công cụ chính: giảm lãi suất điều hành, từ đó giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, bơm tiền chủ yếu thông qua kênh mua ngoại tệ tạo dòng thanh khoản dồi dào cho thị trường và gia hạn, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV rằng Ngân hàng Nhà nước cam kết tiếp tục chỉ đạo toàn bộ hệ thống tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm dư địa giảm lãi suất, nhưng ưu tiên đảm bảo an toàn tổ chức tín dụng và toàn hệ thống tài chính, tránh tác động lan truyền. Nhất là trong bối cảnh áp lực kiểm soát lạm phát trong năm 2022 được đánh giá là rất lớn khi các nền kinh tế thế giới dần phục hồi dẫn đến áp lực từ cả hai phía cung và cầu.

Dù vậy, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra rằng kể từ tháng 2, lãi suất liên ngân hàng trong nước đã bắt đầu tăng và giữ mức chênh lệch không quá lớn với lãi suất nghiệp vụ thị trường mở OMO. Lãi suất huy động cũng đã có dấu hiệu bật tăng tại nhiều ngân hàng TMCP. Kết thúc quý I, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn 1-1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh không thuận lợi khi tăng trưởng tín dụng dự báo đạt cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng; các chuyên gia VCBC cho rằng lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi áp lực. Như vậy, mục tiêu giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch sẽ gặp thách thức lớn. Dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ghi nhận áp lực tăng, tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định rằng từ thực tế nhu cầu tín dụng rất lớn khi các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi đang rất lớn tạo sức ép lên thanh khoản hệ thống ngân hàng trong các tháng đầu năm, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên mặt bằng cao mới, cũng như lãi suất huy động có diễn biến nhích tăng; như vậy mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021.