SSI: Dự báo tăng trưởng GDP nửa cuối năm đạt 7,5%, đầu tư công là động lực chính
Triển vọng tăng trưởng GDP nửa cuối năm đạt 7,5%
Nhóm nghiên cứu từ SSI Research nhận định, dựa trên dữ liệu kinh tế tích cực quý II/2022, nhiều khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay có thể đạt 7,0% (tương đương với mức tăng GDP 7,5% trong nửa cuối năm) trên nền so sánh với mức nền thấp của năm 2021.
Việc mở cửa trở lại nền kinh tế kể từ đầu năm 2022 được ghi nhận bởi xu hướng tìm kiếm từ khóa trên Google liên quan đến du lịch Việt Nam (trong nước và quốc tế) ngày càng tăng. Do vậy, SSI cho rằng nhu cầu đối với lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý III sẽ tiếp tục là một động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế.
Tiêu dùng nội địa dự kiến cũng tích cực theo đà phục hồi chung của nền kinh tế. Cùng đó, đầu tư công được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính cho nửa cuối năm 2022. Thực tế, sau khi được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 vừa qua, các dự án đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023, bao gồm hai dự án đường vành đai ở Hà Nội và TP HCM, và một số tuyến đường cao tốc đang được rốt ráo triển khai.
Tuy nhiên, về mặt thách thức, SSI nhận định trong 6 tháng cuối năm, các yếu tố rủi ro đến từ bên ngoài bao gồm diễn biến lạm phát tại Mỹ, việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng như khả năng suy thoái tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới… vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước. Các rủi ro này có nguy cơ làm tăng trưởng xuất khẩu giảm, từ đó gây áp lực lên tỷ giá VND trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu đi do lạm phát gia tăng.
Ngoài ra, dự báo việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ là tâm điểm chú ý trong nửa cuối năm 2022, do mục tiêu điều hành của NHNN là sự cân bằng giữa tốc độ tăng lãi suất và chính sách tăng trưởng tín dụng.
Năm 2023: Áp lực lạm phát tăng, đà tăng trưởng chậm lại
Trong nội dung báo cáo, SSI Research cũng đưa ra dự báo ba kịch bản vĩ mô năm 2023.
Ở kịch bản khả quan, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể trên mức 7% với các giả thiết cụ thể: Trên thế giới, triển vọng “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế toàn cầu, xung đột Ukraine-Nga kết thúc vào năm 2022 và Trung Quốc linh hoạt dần chính sách Zero COVID-19. Trong nước, Việt Nam thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023, với giải ngân đầu tư công cải thiện mạnh so với năm 2022.
Ở kịch bản cơ sở, kinh tế Việt Nam dự báo tăng 6,3 - 6,5% trong năm 2023 với giả thiết nền kinh tế toàn cầu phải trải qua cuộc “hạ cánh cứng” (nhưng không phải là một cuộc suy thoái kéo dài), căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt đáng kể, trong khi các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc được nới lỏng dần.
Ở kịch bản kém khả quan, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 5,5 - 6% với giả thiết nền kinh tế toàn cầu phải trải qua cuộc “hạ cánh cứng” và cuộc suy thoái kéo dài, cần thêm thời gian để giải quyết tất cả các vấn đề toàn cầu. Trong nước, chiến dịch lành mạnh hoá nền kinh tế tiếp tục diễn ra, làm trì hoãn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn so với tiềm năng.
Đáng chú ý, trong cả ba kịch bản tăng trưởng cho năm 2023, SSI đều dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 4% (trong kịch bản lạc quan là 4,5%, kịch bản cơ sở 4,2% và kịch bản kém khả quan là 5%).
"Trong khi số liệu kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2022 được kỳ vọng vẫn cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và mức tăng trưởng GDP cao (trên mức nền thấp của năm 2021), thì diễn biến vĩ mô năm 2023 có thể có nhiều khó khăn hơn", báo cáo mới nhất của SSI nêu rõ.
Khối phân tích của SSI cũng đồng thời nhận định trong nửa đầu năm 2023, nhiều khả năng chỉ số CPI sẽ bật tăng cao vượt mức mục tiêu 4%, trong khi đó tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu chậm dần lại.
“Áp lực tăng giá đối với nhiều nhóm hàng hóa/dịch vụ vốn thuộc nhóm Nhà nước quản lý về giá (như điện, nước, giáo dục, y tế…) là khó có thể tránh khỏi. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện tại đang là kiểm soát lạm phát, sau đó là tăng trưởng khi rủi ro lạm phát giảm dần”, báo cáo nói thêm.
3 kịch bản vĩ mô của Bộ Kế hoạch & Đầu tư:
Mới đây, tại dự thảo Đề án Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng dự báo 3 kịch bản vĩ mô cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Cụ thể:
Kịch bản cao: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế khoảng 4%, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt mục tiêu đề ra, năm 2023 đạt mục tiêu bình quân giai đoạn 2021-2025 (6,5-7%).
Kịch bản trung bình: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát cao hơn 4%, nhưng vẫn được kiểm soát, một số cân đối lớn không bảo đảm cân bằng, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt mục tiêu đề ra, năm 2023 chỉ tiệm cận mục tiêu bình quân giai đoạn 2021-2025 (6,5-7%).
Kịch bản thấp: kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, nhiều cân đối lớn không bảo đảm cân bằng, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt mục tiêu đề ra, năm 2023 thấp hơn mục tiêu bình quân giai đoạn 2021-2025 (6,5-7%).