VDSC: Năm khó khăn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu đã qua

Anh Đào 14:36 | 22/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
VDSC cho rằng mức nền thấp năm 2023 sẽ là lợi thế, dự báo mức tăng trưởng 6 - 10% sẽ được duy trì xuyên suốt trong các quý của năm 2024.

Trong báo cáo vừa công bố,  Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lạc quan về triển vọng tăng trưởng xuất khẩu trong quý IV/2023 nhưng cần lưu ý rằng mức tăng trưởng dương trở lại không đến từ nhu cầu tăng trưởng mạnh hơn mà do tác động của mức nền thấp cùng kỳ.

Nhóm phân tích cũng đưa ra một số nhận định về triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024.

Thứ nhất, rủi ro suy thoái kinh tế đã dần rời xa trong khi tăng trưởng toàn cầu năm 2024 sẽ tiếp tục giảm so với năm nay, trong đó, mức độ đồng thuận trong dự báo về tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật, EU là khá tương đồng, duy nhất mức độ “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ là khó đoán.

Thứ hai, một xu hướng chủ đạo trong năm 2023 là việc cắt giảm hàng tồn kho sản xuất tại các nền kinh tế lớn. Hiện tại, chỉ số tồn kho/GDP toàn cầu đã giảm so với mức đỉnh thiết lập vào giữa năm 2022 cho thấy lực cản đối với hoạt động sản xuất đến từ chu kỳ cắt giảm hàng tồn kho trong năm 2024 sẽ giảm đáng kể so với năm 2023.

Ngoài ra, những khảo sát mới đây về biến động chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy mặc dù xu hướng suy giảm của nhu cầu hàng hoá đã ổn định nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy các điều kiện sản xuất cải thiện.

Đối với triển vọng xuất khẩu của Việt Nam, VDSC nhận thấy mức nền thấp năm 2023 sẽ là lợi thế. Nửa đầu năm 2022 xuất khẩu của Việt Nam giảm 12%, mặc dù nhu cầu thế giới khó hồi phục mạnh, nhóm phân tích cho rằng mức tăng trưởng 6 - 10% dự kiến sẽ được duy trì xuyên suốt trong các quý của năm 2024.

Bên cạnh đó, FDI giải ngân năm 2023 duy trì ở mức tương đương năm 2022, vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng hơn 45% so với cùng kỳ là tiền đề để xuất khẩu nhóm FDI phục hồi trong năm 2024.

Xuất khẩu các mặt hàng chính của Việt Nam gồm điện tử, dệt may và máy móc đang từng bước phục hồi và xu hướng các tháng gần đây đối với nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất là tích cực. VDSC kỳ vọng năm khó khăn nhất của lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam đã qua.

Nhập khẩu nguyên liệu dệt may, da giày chấm dứt chuỗi giảm 12 tháng liên tục

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ và tăng 5,1% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 29,5 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ và 3,6% so với tháng trước.

 

Đóng góp đáng chú ý của tăng trưởng xuất khẩu đến từ mặt hàng máy móc, thiết bị trong tháng 10. Mặt hàng này chấm dứt xu hướng tăng trưởng âm trong 7 tháng liên tục và tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ trong tháng 10.

Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện tử tiếp tục cải thiện, tăng 5,4% so với cùng kỳ trong tháng 10, tuy nhiên sự phục hồi của mặt hàng điện thoại vẫn còn bấp bênh khi tăng trưởng âm 1,2% trong tháng 10. Theo đó, tăng trưởng của nhóm hàng điện tử đến từ sự đóng góp của mặt hàng máy ảnh, máy quay phim (tăng 43,7%) và máy vi tính (tăng 6,7%).

Quy mô xuất khẩu của nhóm dệt may, giày dép, túi xách đã thu hẹp đáng kể mức giảm so với tháng trước, chỉ giảm 5,1% so với cùng kỳ, so với mức giảm 12,1% trong tháng 9/2023.

Trong đó đáng kể nhất là sự phục hồi trong tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng túi xách (chỉ còn giảm 1,3% so với cùng kỳ) và giày dép (giảm 10,9% so với cùng kỳ), do hiệu ứng nền thấp là chủ yếu.

Đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu theo tháng của tất cả các nhóm hàng trong tháng 10 đều đã dương trở lại, trừ dệt may, giày dép và túi xách. Sự phục hồi của nhóm này trong hai tháng cuối năm sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu phục hồi tốt hơn.

Theo thị trường chính, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã tăng dương trở lại trong tháng 10/2023, đạt khoảng 10% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu có sự cải thiện trong hoạt động xuất khẩu gồm Trung Quốc (tăng 15,9% so với cùng kỳ), Anh (tăng 8,6%),…

Trái lại, xuất khẩu sang EU, Nhật Bản và các nước ASEAN vẫn tăng trưởng âm trong tháng 10/2023. Luỹ kế 10 tháng 2023, Anh nối tiếp Trung Quốc trở thành thị trường có mức tăng trưởng dương dù mức tăng khiêm tốn lần lượt là 1,4% với thị trường Anh và 5,1% với thị trường Trung Quốc. Đà giảm của xuất khẩu thu hẹp tại thị trường Mỹ nhưng ít cải thiện ở khu vực EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cho dệt may, da giày tăng trưởng dương trở lại lần đầu tiên sau suốt 1 năm tăng trưởng âm. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tăng 6% so với cùng kỳ trong tháng 10/2023.

Đồng thời, nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng điẻn từ tăng khá mạnh trong tháng 10/2023 báo hiệu đơn hàng xuất khẩu tích cực của nhóm hàng điện tử trong các tháng tới.

Theo thị trường nhập khẩu chính, nhập khẩu từ Nhật Bản và Trung Quốc giảm ít nhất trong 10 tháng 2023, lần lượt là 10,2% và 11,1% so với cùng kỳ, trong khi đó nhập khẩu từ các nước ASEAN và Hàn Quốc giảm nhiều. hơn lần lượt là 14,2% và 19%. Sự phục hồi của hoạt động nhập khẩu trong tháng 10 chủ yếu do nhập khẩu tăng từ thị trường Trung Quốc.