Nhóm rau quả tiềm năng giúp xuất khẩu có cơ hội ‘lập đỉnh’ mới

Trang Mai 12:31 | 20/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 4,9 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này vượt xa so với kế hoạch hồi đầu năm (4 tỷ USD) và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu rau quả chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 2,75 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 21%, Nhật Bản tăng 6%. Hiện, Trung Quốc là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 65%, tăng 22% so với cùng kỳ 2022.

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từHiệp hội Rau quả Việt Nam.

Đáng chú ý, một số mặt hàng trái cây có sự bứt phá ngoạn mục như: sầu riêng đạt 1,8 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu; mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan cũng tăng mạnh từ 45 - 150% so với cùng kỳ năm trước.

Sự bứt phá của “trái cây vua” sầu riêng

Báo cáo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 chắc chắn sẽ vượt con số 2 tỷ USD. Nguyên nhân là do, sau khi ký Nghị định thư, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định : “Có thể thấy, sau khi ký Nghị định thư, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc bứt phá ngoạn mục. Năm nay, Hải quan Trung Quốc cũng đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép, đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này.

Chúng ta đang chứng kiến giá trị xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng rất mạnh, từ mức kim ngạch chỉ 29,2 triệu USD năm 2016, đã tăng vọt lên 420 triệu năm 2022. Trong 10 tháng của năm nay, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD, như vậy chắc chắn sẽ vượt con số 2 tỷ USD trong năm 2023. Với việc tăng cường chất lượng, cùng với việc được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, và mở cửa thêm nhiều thị trường thì con số xuất khẩu sầu riêng 3,5 tỷ USD trong thời gian tới chúng ta cũng hoàn toàn có thể đạt được”.

Theo các dự báo, đến năm 2025, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng thế giới trong giai đoạn 2019 - 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Như vậy, thời gian tới, thị trường tiêu thụ sầu riêng vẫn rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới chỉ chiếm thị phần khiêm tốn với 5% tại Trung Quốc, còn lại là hàng Thái Lan, Malaysia. Đặc biệt, mới đây Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, cụ thể là tăng độ khô của cơm sầu riêng từ 32% lên 35% và thực hiện giám sát từng lô hàng để đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đề ra. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nông dân trồng sầu riêng và doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng đó, việc ồ ạt trồng “nóng” mặt hàng này cũng rất dễ gây khó khăn trong việc quản lý mã số vùng trồng, chất lượng sản phẩm. 

Khoảng gần 4 triệu tấn trái cây chủ lực các loại được thu hoạch và đưa ra tiêu thụ trong quý IV

Theo thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong hai tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể đem về 0,6-0,8 tỷ USD, sản lượng thu hoạch trái cây các loại ước đạt 4 triệu tấn. Với kết quả đã đạt được trong 10 tháng qua, dự báo xuất khẩu ngành hàng rau quả cả năm 2023 có thể đạt 5,5 – 5,8 tỷ USD.

Đáng chú ý, một loại trái cây nữa cũng được Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá tiềm năng trong thời gian tới, đó là dừa tươi. Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu để đánh giá, phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi, từ đó làm căn cứ cho việc ký Nghị định thư. Hiện, Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục xuất chính ngạch dừa sang Trung Quốc. Đây là loại trái cây được kỳ vọng nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD.

Ngoài ra, bưởi cũng trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả bởi theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong năm 2023, bưởi đã ghi danh là loại quả có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu trái bưởi đạt 29,6 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022, mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.

Số lượng phải đi kèm chất lượng

Nhìn nhận về bức tranh xuất khẩu ngành hàng rau quả, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, dù tình hình xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, song các doanh nghiệp cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu.

Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm các loại như mít, thanh long…

Lưu ý rằng, cách đây vài tháng, đã có một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ NN&PTNT sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.

“Các doanh nghiệp và địa phương cần kiểm soát tốt chất lượng để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu. Như vậy, ngành hàng rau quả và xuất khẩu rau quả mới đạt được tăng trưởng bền vững trong những năm tới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến cáo.

Với những mặt hàng đang được đàm phán ký nghị định thư như: dưa hấu, sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi,... Bộ nông nghiệp cũng đang cố gắng đàm phán với phía Trung Quốc để có thể chuẩn hoá quy định. Nếu thành công, ngành rau quả nói riêng và nông nghiệp nói chung của Việt Nam sẽ còn tăng tốc hơn nữa trong tương lai gần.  

Ngoài Trung Quốc, nước ta cũng đang làm khá tốt trong công tác xuất khẩu sang EU. Đây cũng là thị trường đòi hỏi những yêu cầu cao về kiểm dịch, chất lượng. Do đó, việc giữ tốt hình ảnh nông sản Việt Nam, tuân thủ nghiêm ngặt quy định cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho rau quả tiến sâu hơn nữa vào các thị trường “khó tính”.