Vì sao BĐS Đông Anh 'ngược dòng' dù sắp lên quận?
HĐND TP Hà Nội vừa có thông báo về kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 3 – 7/7/2023. Theo thông báo, dự kiến kỳ họp xem xét, thông qua 46 nội dung. Đáng chú ý, HĐND TP dự kiến sẽ xem xét thông qua điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn TP áp dụng đến ngày 31/12/2024...Đặc biệt, HĐND TP cũng sẽ xem xét thông qua đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.
Trước đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã ra Thông báo về một số nội dung về việc thực hiện đề án Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận. Thường trực Thành ủy đã thống nhất về chủ trương về kết quả thực hiện Đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.
Thời gian qua, huyện Đông Anh đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để "lên" quận trong năm 2023.
Huyện đã tiếp nhận công bố và bàn giao 5 đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000; tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 4 xã (Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thụy Lâm) tỷ lệ 1/5000; hoàn thành phê duyệt, tổ chức phối hợp công bố, bàn giao 3 đồ án quy hoạch phân khu đô thị còn lại; hoàn thành phê duyệt 3 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
“Đối với công tác lập, thẩm định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tính đến hết 2022 đã hoàn thành phê duyệt 28 đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư, nâng tổng số đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư hiện có được phê duyệt trên toàn huyện là 59 đồ án, gồm 52 thôn làng, tổ dân phố, nâng tổng số đồ án được phê duyệt là 59/82 đồ án được giao nhiệm vụ”, Bí thư Huyện ủy Đông Anh thông tin tại buổi hop với lãnh đạo TP.
Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng được huyện xác định là một nhiệm vụ trọng tâm và đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân… Hầu hết công tác giải phóng mặt bằng các dự án đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có những công trình dự án của thành phố và dự án trọng điểm của huyện.
Giá đất nền tại Đông Anh biến động ra sao?
Dù sắp lên quận nhưng thị trường bất động sản tại Đông Anh không có dấu hiệu "sốt đất", thậm chí còn giảm. Cụ thể, huyện Đông Anh tổ chức đấu giá hàng chục lô đất trong tháng 4 vừa qua. Cụ thể là đấu giá quyền sử dụng đất đối với 22 thửa đất ở thuộc khu đất X6, thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Các thửa đất có diện tích từ 90 m2/thửa đến 154 m2/thửa với giá khởi điểm từ 30,3 triệu đồng/m2 đến 33,3 triệu đồng/m2.
Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh . Cụ thể là quyền sử dụng 20 thửa đất để xây dựng nhà ở tại X8 thôn Hà Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh (đợt 1 + đợt 2). Các thửa đất có diện tích từ 90 đến 129 m2/thửa đất với giá khởi điểm từ 20,8 đến 25,3 triệu đồng/m2... Năm 2023, huyện Đông Anh không còn ghi nhận số người đến xếp hàng đấu giá đất với giá hơn 100 triệu đồng/m2.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn với thị trường đất nền Đông Anh – một thị trường nặng tính đầu cơ ghi nhận xu hướng giảm giá vẫn đang tiếp tục. Cụ thể, đất ở Nguyên Khê chỉ cách trục Nhật Tân – Nội Bài hơn 100 m, từ mức giá hơn 50 triệu đồng/m2 của tháng 11/2022 (là mức giá đã giảm so với nhiều tháng trước đó) thì sau Tết Nguyên đán, có chủ đất cần tiền chỉ chào bán khoảng 40 triệu đồng/m2. Mất giá khoảng 20% chỉ sau vài tháng.
Đất trục chính kinh doanh Hải Bối cũng từ mức 60-65 triệu đồng/m2 thời điểm tháng 11/2022 (mức giá đã giảm) thì đến tháng 3 năm nay, một số mảnh được chào giá 50-55 triệu đồng/m2. Vị trí mặt đường kinh doanh ở Võng La cũng giảm khoảng 3-7 giá so với cuối năm ngoái khi giá hiện tại dao động từ 37-42 triệu đồng/m2. Đất kinh doanh Vĩnh Ngọc từ mức giá 130-150 triệu đồng/m2, nay có một số mảnh được rao bán từ 110-115 triệu đồng/m2. Các mảnh đất nằm sâu trong làng ở Xuân Nộn, Vân Nội, Hải Bối, Cổ Loa, Uy Nỗ, Mai Lâm, giá cũng giảm từ 5 đến 10 triệu đồng/m2.
Cũng theo báo cáo của Batdongsan, trong tháng 4, mức độ quan tâm đất nền tại Hà Nội đã giảm 5% so với tháng trước. Đồng thời, lượng tin đăng liên quan đến phân khúc này cũng giảm tới 13% so với tháng 3. Nếu tính cả 4 tháng đầu năm, mức độ quan tâm và lượng tin đăng về đất nền tại Thủ đô đã lần lượt giảm 52% và 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I, các khu vực như Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm đều có giá rao bán giảm 1-13% so với quý IV/2022, mức độ quan tâm cũng giảm 4-24% tùy từng khu vực.
Vì sao đất nền ở Đông Anh lại đi ngược dù sắp lên quận?
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan, các cơn sốt đất sẽ không xảy ra trong năm nay và thị trường đang có một vài tín hiệu tích cực hơn so với quý I/2023.
“Xét về dài hạn, đất nền là loại hình đầu tư tiềm năng nếu nhà đầu tư biết lựa chọn những sản phẩm có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền ổn định", ông Quốc Anh nhìn nhận.
Theo ông, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa nhanh và có tiềm năng phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, trung tâm hành chính hay đô thị mới.
Bên cạnh đó, đất nền ở các thành phố lớn, những khu vực có tiện ích và kết nối hạ tầng đầy đủ, gần kề các khu công nghiệp, sở hữu mặt bằng giá ổn định và có dư địa tăng trong trung hạn. Những địa phương có đầu tư FDI lớn hầu hết có mặt bằng giá đất nền ít khi sụt giảm sâu.
“Chỉ có những loại đất đầu cơ không có giá trị sử dụng cao, ở các khu vực chưa có hạ tầng và kết nối tốt hoặc những nơi mà cả ngày mới thấy một chiếc ôtô đi qua và mua xong để đó thì mới bị giảm giá, thậm chí giảm cực sâu mà không có thanh khoản”, ông Quốc Anh bình luận.
Trong giai đoạn hiện tại, vị chuyên gia này cho rằng người mua đất nền đang có nhiều sự lựa chọn. Do đó, nhà đầu tư cần tính toán hướng đi dài hạn thay vì lướt sóng đầu cơ.
Gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho phép chia tách thửa đất trở lại. Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Bắc của Batdongsan, đánh giá đây là một “tia sáng nhỏ” cho thị trường đất nền Hà Nội.
“Tuy nhiên, để thị trường đất nền phát triển bền vững thì cần trợ lực lớn hơn, bao gồm việc đẩy mạnh dịch chuyển các trung tâm hành chính, khu công nghiệp, dự án, trường đại học ra ngoại thành Hà Nội”, ông Hảo khẳng định.
Theo ông, cơ quan chức năng cần đầu tư quyết liệt hơn cho các khu đô thị vệ tinh phía tây Hà Nội như Hòa Lạc, Xuân Mai và phía bắc Sông Hồng như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh.
Đồng thời, thị trường cũng cần các gói cho vay, mua bất động sản với lãi suất phù hợp hơn, dưới 10% thay vì trung bình 11 - 13% như hiện tại. Các cơ quan cũng nên ưu tiên cho vay với những bất động sản được đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra dòng tiền ổn định, hơn là các bất động sản đầu cơ.