Nhà ở xã hội tại Hà Nội: Nơi thừa - chỗ thiếu

Đông Bắc 14:03 | 26/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhu cầu nhà ở vừa túi tiền của người dân Hà Nội vẫn đang rất lớn và dẫn đến việc người dân xếp hàng mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm) là một điển hình. Thế nhưng, có dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội bán mấy năm chưa hết.

 'Sốt' nhà ở xã hội không hẳn thiếu nguồn cung

Cuối tháng 3/2023, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua đợt 1 dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm). Dự án có tổng số 225 căn hộ nhà ở xã hội được mở bán, cho thuê trong đợt này. Kể từ khi thông báo, tại nơi tiếp nhận hồ sơ mua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, ngày nào cũng có người đến từ sớm, thậm chí là 2 - 3 giờ sáng để ghi số thứ tự xếp hàng ngồi chờ vào nộp hồ sơ.

Sau nhiều ngày chen nhau nộp hồ sơ, sáng 20/5, cảnh hàng nghìn người đã đến Nhà thi đấu quận Cầu Giấy để tham dự buổi bốc thăm giành 149 suất mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn một lần nữa cho thấy tình trạng khan hiếm dự án nhà ở giá bình dân trên thị trường và sức hút của những dự án nhà ở giá rẻ nằm ở quận trung tâm TP, giao thông thuận lợi.

Trong khi đó, có những dự án nhà ở xã hội là những tòa nhà đơn lẻ được xây dựng tại huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Đông Anh… từ gần chục năm nay, nhận hồ sơ hàng chục lần nhưng vẫn chưa bán được hết số lượng căn hộ, người dân hầu như không có nhu cầu về ở vì dự án nằm ở vị trí cách xa trung tâm, thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác.

 Người dân túc trực cả đêm chờ xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội Trung Văn. 

Đặc  biệt, có những dự án nhà ở xã hội mở bán hơn 20 lần vẫn chưa hết. Điển hình là Tổ hợp dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long nằm trên địa bàn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư hiện vẫn đang nhận hồ sơ mua nhà đợt thứ 24 theo thông báo từ chủ đầu tư và Sở Xây dựng Hà Nội. 

Dự án có tổng số 1.496 căn hộ, trong đó có 264 căn bán thương mại; 911 căn hộ nhà ở xã hội để bán và 312 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê. Thế nhưng, từ lần mở bán đầu tiên vào năm 2015 đến lần mở bán lần thứ 23, dự án mới bán được 847 căn nhà xã hội và 113 căn nhà cho thuê.

Đáng chú ý, tại thông báo tiếp nhận hồ sơ mới đây của dự án này trên website của Sở Xây dựng Hà Nội, mặc dù tên dự án là Dự án tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư nhưng website của chủ đầu tư lại được thông báo mang tên là thtnewcity.vn.

Tìm hiểu thông tin trên website trên của chủ đầu tư có đăng tải thông tin: “Ban đầu, tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long do Công ty Bánh Kẹo Thăng Long làm chủ thầu. Tuy nhiên, đứng trước tranh chấp của chủ đầu tư và đơn vị thi công mà dự án tạm dừng và có nguy cơ không hoàn thiện đúng thời hạn. Ngày 25/6/2020, tại văn phòng Tập đoàn THT đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng thi công xây dựng công trình. Tiến hành thi công tòa nhà A3 và hoàn thiện thi công tòa nhà A2, A3. Giữa công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long và Công ty cổ phần Tập đoàn THT. Từ đó, đổi tên Bright City thành dự án THT New City”.

 Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, trên địa bàn TP đã có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành một phần với khoảng 345.488m2 sàn, khoảng 4.168 căn hộ. Ngoài ra, Hà Nội còn có 40 dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Cụ thể: 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 với khoảng 869.000m2 sàn với 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1,6 triệu mét vuông sàn, 22.400 căn hộ. 

Tại lần thu hồ sơ hồi tháng 2 vừa qua, số căn hộ cho thuê còn nguyên 208 căn và số căn hộ để bán còn 64 căn. Thời gian nhận hồ sơ lần này kéo dài hết ngày 13/3/2022. Giá bán dự kiến căn hộ nhà ở xã hội tại dự án này là hơn 14 triệu đồng/m2 (chưa gồm thuế VAT và 2% phí bảo trì); giá cho thuê dự kiến là hơn 61.000 đồng/m2/tháng (chưa gồm thuế VAT).

Dự án này không nhận được sự quan tâm của người mua một phần dự án nằm khá xa trung tâm, đồng thời lại có nhiều “vấn đề” trong suốt quá trình triển khai xây dựng, mua bán, bàn giao nhà...

Tương tự như Tổ hợp dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long, dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden nằm trong khu đô thị Sunny Garden City ở Quốc Oai (Hà Nội) do Công ty CP Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư cũng phải mở bán đến 20 lần.

Trong khi, giá bán căn hộ tại dự án này chỉ 9.960.000 đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì). Giá cho thuê là 48.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì). 

Nghịch lý cung – cầu bất cập

Từ nghịch lý chỗ thừa nơi thiếu cho thấy việc quy hoạch, bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội vẫn còn tồn tại những bất cập dẫn đến cung – cầu không gặp nhau và mục tiêu ưu tiên về phát triển nhà ở xã hội của TP Hà Nội đến nay cũng chưa giải quyết được.

Bên cạnh đó, một trong những bất cập lớn nhất làm hạn chế nguồn cung nhà ở xã hội là quy định bắt buộc trích lập 20% quỹ đất làm dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội. Quy định là bắt buộc nhưng vì thiếu tính khả thi và thiếu thực tế nên thời gian qua hầu như không có dự án nhà ở thương mại, khu đô thị nào thực hiện. Thay vào đó, chủ đầu tư chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị 20% diện tích đất hoặc nộp bằng tiền vào ngân sách địa phương.

Tại buổi tiếp xúc với cử tri vào cuối năm 2022 tại quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn có nhiều bất cập, trong đó có việc sử dụng quỹ đất 20% của các dự án nhà ở, khu đô thị. Nếu khu đô thị chỉ có khoảng 2ha thì 20% sẽ rất nhỏ, việc đầu tư nhà ở xã hội dễ manh mún, thiếu đồng bộ.

 Dự án nhà ở xã hội Trung Văn đang xây dựng và chỉ có 149 căn hộ được bốc thăm ngày 20/5 vừa qua. Ảnh Hạ Vũ.

Lý giải trước việc người dân xếp hàng mua nhà ở xã hội Trung Văn lại thờ ơ với những dự án ở xã trung tâm, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, vấn đề “vị trí” là yếu tố quyết định đầu tiên.

Chia sẻ trên Báo Vietnamnet.vn, ông Thanh cho biết, dự án ở khu vực Trung Văn rất gần trung tâm Hà Nội. Những người dân có mức thu nhập trung bình rất đông. Trong bối cảnh giá nhà toàn trên 30 triệu đồng/m2 trở lên, để mua được căn hộ ở dự án nhà ở xã hội là ước mơ của nhiều người. Do đó, dự án ở Trung Văn thu hút nhiều người mua.

“Còn dự án nhà xã hội ở Quốc Oai, Hoài Đức… khá xa trung tâm, người dân không thể ở những khu vực đó để đi làm ở trung tâm Hà Nội. Quá xa, bất tiện về phương tiện giao thông công cộng thì người dân ít lựa chọn. Với những dự án ở khu vực xa trung tâm đó phải 5-10 năm nữa, khi Hà Nội có hệ thống giao thông công cộng tốt hơn, đường vành đai 4 hình thành… sẽ lại trở nên “hot””, ông Thanh phân tích thêm.

Cũng theo ông Thanh, ngoài việc phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng cần phát triển các dự án nhà xã hội có quy mô lớn 50-100ha trở lên.

Các dự án được quy hoạch gắn liền với trục giao thông chính của thành phố như xe điện trên cao, xe điện ngầm với đầy đủ các tiện ích trường học, siêu thị, công viên… sẽ thu hút người dân có thu nhập trung bình đến ở đông hơn.

Đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội tập trung

Nhận thấy việc bất cập từ những dự án đơn lẻ nằm xa trung tâm cùng với nhu cầu về loại hình nhà ở này còn rất lớn, TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Kiến trúc (QH&KT) nghiên cứu quy hoạch, xây dựng 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích khoảng 277,94 ha tại Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín.

Theo đại diện Sở QH- KT Hà Nội, hiện tại 2 khu thuộc xã Tiên Dương, huyện Đông Anh đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2018 – 2019 với tổng diện tích 84,22 ha, dân số khoảng hơn 23.000 người, tổng số 6.500 căn hộ. Ba khu còn lại thì khu nằm tại ô đất CT1-5 thuộc phân khu đô thị S5 thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; hai khu tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đại Mạch, huyện Đông Anh chưa được nhiệm vụ quy hoạch.

Tại hội nghị triển khai đề án 1 triệu nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, UBND TP Hà Nội đã quyết định giao Sở Xây dựng tổ chức lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với 2 dự án khu nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh và xem xét tiếp tục thực hiện lập quy hoạch chi tiết đối với 3 dự án còn lại làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.