Vì sao các ngân hàng ồ ạt lên kế hoạch phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2?

15:13 | 25/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, VIS Rating dự báo các ngân hàng sẽ cần 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong 3 năm tới để bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn.

Năm 2023, ngân hàng phát hành hơn 68 nghìn tỷ trái phiếu tăng vốn cấp 2

Theo VIS Ratings, trong những năm gần đây, các ngân hàng đã liên tục tăng cường phát hành trái phiếu  dài hạn để bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn nhằm tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động.

Riêng trong năm 2023, các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196 nghìn tỷ đồng trái phiếu, cao hơn mức 104 nghìn tỷ đồng năm 2019; và trái phiếu tăng vốn cấp 2 chiếm 35% (khoảng hơn 68 nghìn tỷ) quy mô trái phiếu phát hành. 

 Năm 2023, ngân hàng phát hành hơn 68 nghìn tỷ trái phiếu tăng vốn cấp 2. Ảnh: VIS Ratings

Một trong những động lực thúc đẩy hoạt động huy động vốn trái phiếu để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng những năm qua là việc tăng trưởng tiền gửi chậm lại do điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm trong giai đoạn 2021-2022. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của ngành ngân hàng tăng mạnh và đạt đỉnh ở mức 101% do huy động tiền gửi cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo VIS Rating, các ngân hàng sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu để hỗ trợ cho các khoản cho vay dài hạn và đáp ứng các tỷ lệ theo quy định của NHNN: kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới 30% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 85%.

Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh và một số các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ sử dụng nhiều trái phiếu tăng vốn cấp 2 hơn trong cơ cấu vốn của mình để khắc phục những hạn chế trong việc huy động vốn cổ phần và hỗ trợ nguồn vốn cấp 1 đang ở mức thấp. 

 

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân thấp cùng với việc trả cổ tức tiền mặt thường xuyên đã hạn chế khả năng tạo vốn cấp 1 mới để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng quốc doanh nhận thấy việc huy động vốn cấp 2 mới sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với việc huy động vốn cổ phần mới vốn đòi hỏi quy trình thủ tục kéo dài.

  Ảnh: VIS Ratings 

  Ảnh: VIS Ratings 

  Ảnh: VIS Ratings 

Dự báo các ngân hàng phát hành hơn 283 nghìn tỷ trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong 3 năm tới; Top 5 quy mô phát hành gọi tên BIDV, VietinBank, Agribank, MB và HDBank 

Với xu hướng này, VIS Rating kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong ba năm tới. Trong đó, khoảng 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh do vốn cấp 2 của các ngân hàng này sẽ bị khấu trừ đáng kể. 

Theo quy định, trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được tính vào vốn tự có sẽ bị khấu trừ khoảng 20% mỗi năm trong 5 năm cuối của kỳ hạn trái phiếu. Các ngân hàng sẽ cần phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới để thay thế các trái phiếu bị khấu trừ và tăng mức an toàn vốn. 

Một vài ngân hàng tư nhân nhỏ có khả năng sinh lời yếu sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ 3-4% tỷ lệ an toàn vốn. Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn sẽ sử dụng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng  cao. 

Theo dự báo của VIS Ratings, top 5 ngân hàng dự kiến có quy mô phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 lớn nhất trong hệ thống lần lượt là BIDV, VietinBank, Agribank, MB và HDBank.

   Ảnh: VIS Ratings  

 

Khi tăng trưởng tín dụng hồi phục trong 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần hơn 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để bổ sung nguồn vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn. Lợi nhuận ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhưng nếu không có tăng vốn cổ phần mới, tỷ lệ an toàn vốn sẽ giảm dần đặc biệt đối với các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân.

Theo ước tính của VIS Rating, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 7 ngân hàng công bố kế hoạch  phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 với tổng giá trị phát hành khoảng 67 nghìn tỷ đồng.

   Ảnh: VIS Ratings  

Song song với việc phát hành, VIS Rating cũng kỳ vọng nhu cầu đầu tư trái phiếu tăng vốn cấp 2 của các nhà đầu tư cá nhân vẫn duy trì ở mức cao. Nhà đầu tư cá nhân nắm giữ phần lớn trái phiếu tăng vốn cấp 2 được chào bán ra công chúng, chủ yếu là do lợi suất của các trái phiếu này cao hơn so với tiền gửi và trái phiếu thường. 

Trái phiếu ngân hàng chủ yếu được phát hành riêng lẻ để giúp các tổ chức phát hành huy động vốn trong khoảng thời gian ngắn với các yêu cầu tối thiểu về hồ sơ và tài liệu quy định.

Các chuyên gia kỳ vọng ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng nhiều hơn để có thể khai thác nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân, vì các tổ chức phát hành sẽ không còn được phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. 

Nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân cho trái phiếu tăng vốn cấp 2 sẽ được hỗ trợ một phần bởi việc chưa có trường hợp trái phiếu ngân hàng nào bị chậm trả gốc/lãi trong bối cảnh tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng cao. 

Tuy nhiên, VIS Rating đồng thời cảnh báo các nhà đầu tư cần nhận thức được những rủi ro đến từ sản phẩm đầu tư này, ví dụ như không được bảo lãnh thanh toán hoặc bảo hiểm chậm thanh toán và có thể bị mua lại trước hạn.

 Chưa có trường hợp trái phiếu ngân hàng nào bị chậm trả gốc/lãi...

 ... Tuy nhiên, VIS Rating đồng thời cảnh báo các nhà đầu tư cần nhận thức được những rủi ro từ trái phiếu tăng vốn cấp 2. Ảnh: VIS Ratings

Đồng quan điểm với VIS Rating, trong báo cáo thị trường trái phiếu mới đây, FiinRatings cũng dự báo rằng nhu cầu đi vay và phát hành TPDN của doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng, sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024.

Theo FiinRatings, tăng trưởng tín dụng dự báo tăng tốc trong nửa cuối 2024. Để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng, các tổ chức tín dụng sẽ cần củng cố nguồn vốn trung dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Do đó, hoạt động phát hành TPDN của các tổ chức tín dụng sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới. 

Thực tế số liệu thống kê của FiinRatings cho thấy trên thị trường sơ cấp, ghi nhận đến ngày 06/06/2024, có 26 đợt phát hành mới được tiến hành trong tháng 5 với tổng giá trị đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với tháng trước và tương đương 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm ngành tổ chức tín dụng với 19 đợt phát hành trị giá 16,5 nghìn tỷ đồng (+76,8% so với tháng trước). Trong đó, BIDV và TCB sở hữu lượng phát hành lớn nhất với giá trị lần lượt 5,3 nghìn tỷ và 3 nghìn tỷ. 

“Tận dụng môi trường lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14-15% cả năm của NHNN”, báo cáo của FiinRatings nhận định.

 Ngân hàng là nhóm có tỷ trọng phát hành trái phiếu trên thị trường sơ cấp lớn nhất trong tháng 5/2024. Ảnh: FiinRatings

Sắp tới, ghi nhận tính đến ngày 10/6/2024, nhóm phân tích FiinRatings cho biết đã có một số ngân hàng công bố kế hoạch phát hành TPDN với ngày phát hành cụ thể, theo đó tổng giá trị phát hành ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng.

 Ảnh: FiinRatings