Vì sao ít người mua, giá nhà đất vẫn tăng trong mùa dịch?

17:18 | 20/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch COVID-19 tỷ lệ hấp thụ của thị trường bất động sản xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, thế nhưng giá nhà đất tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn tăng mạnh.

Nghịch lý người mua giảm, giá nhà vẫn tăng

Công ty Savills VN vừa công bố báo cáo cho thấy, trong quý 2/2021 thị trường căn hộ tại TP.HCM có lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong 5 năm qua khi tổng lượng giao dịch giảm 36% so với cùng kỳ năm trước và giảm 5% so với quý trước. Mặc dù vậy, giá bán trên thị trường thứ cấp tăng, trong đó ở quận 7 có mức tăng cao nhất lên đến 20% so cùng kỳ năm trước.

Còn tai Hà Nội, giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2 tăng 7% theo quý và 11% theo năm. Đối với phân khúc nhà Biệt thự và liền kề, giá sơ cấp trung bình của Biệt thự tăng 10% theo quý và 3% theo năm, trong khi đó, giá trung bình của Nhà liền kề tăng 11% theo quý và 16% theo năm.

Vì sao ít người mua, giá nhà đất vẫn tăng trong mùa dịch? - ảnh 1

Giá căn hộ tại các thành phố lớn vẫn tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm

Trong báo cáo về thị trường bất động sản quý II, mà Bộ xây dựng vừa công bố cũng cho biết, giá căn hộ chung cư vẫn tăng bất chấp dịch bệnh. Theo thống kê giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân tại Hà Nội và TP. HCM tăng khoảng 5 - 10% so với quý IV/2020.

Tổng hợp số liệu từ các địa phương cho thấy, trong quý II, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng... có 29.949 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch bình quân tăng 18%, tức bằng so với quý trước và chỉ nhỉnh hơn khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tại tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công (bằng khoảng 20% so với quý trước), tại TP. HCM có 3.002 giao dịch thành công (bằng khoảng 87% so với quý trước). Nhưng giá giao dịch căn hộ ở 2 TP này vẫn tăng khoảng 5 - 7%.

Điển hình như Hà Nội, TP.HCM… giá nhà đất đã hình thành mặt bằng mới. Nếu 3 năm trước căn hộ cao cấp khoảng 35 - 45 triệu đồng/m2 thì hiện nay phân khúc này đã điều chỉnh lên mức 40 - 60 triệu đồng/m2. Còn các phân khúc khác cũng đã liên tục thiết lập những mặt bằng giá mới trong 2 năm qua.

Được biết, hiện đối với các căn hộ bình dân có mức giá từ 25 - 30 triệu đồng/m2, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có, căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm. Trong khi nguồn cung loại căn hộ này ngày một hạn chế thì nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều, dẫn đến giá bán phân khúc này tiếp tục tăng.

Lý giải việc tăng giá bất chấp giao dịch giảm mạnh, các công ty nghiên cứu thị trường và cả Bộ Xây dựng đều nhận định do nguồn cung khan hiếm, cung không đủ cầu nên giá tăng.

Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills VN, Lượng tiền dự trữ trong dân vẫn tiếp tục gia tăng, có thể nhận thấy rõ từ số lượng tài khoản chứng khoán mới mở, cũng như nhu cầu ngày một cao về sở hữu bất động sản nhà ở nhưng việc thiếu hụt nguồn cung đang đẩy giá bán căn hộ tăng.

Còn ông Vincent Nguyễn, Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở của công ty này, cũng nói thêm rằng nguồn cung thấp trong nhiều năm qua dẫn đến hiện tượng tăng giá không thể tránh khỏi tại TP.HCM và đã lan sang các tỉnh lân cận.

Bà Trần Thị Thu Hiền - Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản DTJ nhận định: "Người mua nhà vẫn có nhu cầu rất nhiều nên giá không thể giảm. Cơ hội đang dành cho các bất động sản hiện hữu".

Bất động sản cũng ồ ạt đón nhận dòng tiền lớn khi lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng liên tục giảm. Điều đáng nói, lượng giao dịch thành công chủ yếu đến từ phân khúc chung cư cao cấp và trung cấp, tập trung tại các dự án uy tín về chất lượng quản lý vận hành, tiện ích đầy đủ, tất cả trong một - all in one.

Giá nhà vẫn còn tiếp tục tăng?

Nhận định về giá nhà thời gian tới, Tạp chí Bất động sản Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, về dài hạn giá nhà tại các thành phố lớn vẫn tiếp tục tăng do nhiều yếu tố, tuy nhiên người dân vẫn sở hữu được nhà ở nếu có hướng tiếp cận đúng.

Theo phân tích của ông Anh, tại các khu vực trung tâm, dự án mới ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu mua nhà ở ngày càng tăng. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 35%, Hà Nội khoảng 49%, khá thấp so với khu vực và thế giới. Với tốc độ đô thị hóa còn thấp, lượng cư dân ở các tỉnh đổ về Hà Nội sẽ ngày càng nhiều hơn, trong khi nhà ở là nhu cầu hiện hữu của tất cả mọi người.

“Quỹ đất không thay đổi nên giá nhà ở khó có thể điều chỉnh giảm trừ khi có chính sách, nhưng điều này là khó khi thị trường hiện nay giá bán sẽ do cung - cầu quyết định. Ngoài ra, chi phí đầu vào tại các dự án cũng tăng không ngừng từ giá đất, vật liệu xây dựng đến nhân công... càng góp phần đẩy giá nhà tăng cao hơn. Khi nhu cầu ngày càng tăng và nguồn cung giới hạn, giá nhà tại khu vực trung tâm hay những nơi thuận tiện giao thông, y tế, tiện ích... chắc chắn rất khó giảm thậm chí tăng cao hơn”, ông Quốc Anh nhận định.

Để có thể dễ dàng tiếp cận nhà ở, ông Anh cho rằng, người dân nên định hướng mua nhà ở các dự án xa trung tâm hay các khu vực lõi mới. Bởi hiện tại ngoài việc đưa các dự án ra xa trung tâm, các chủ đầu tư cũng tích cực hỗ trợ tài chính cho khách hàng với những gói vay dài hạn, lãi suất ưu đãi... Tuy nhiên, người mua cần cân đối giữa tiện ích mong muốn với khả năng tài chính của mình, bởi rất khó để mua được một ngôi nhà ở vùng ven hay lõi mới có giá rẻ hơn nhưng vị trí, tiện ích tương đương như vùng trung tâm.

H.A (T/h)

Xem thêm: Thị trường BĐS Hà Nội 6 tháng cuối năm, xu hướng dịch chuyển sang vùng ven