Vì sao Ocean Group muốn xóa nợ xấu 2.500 tỷ đồng khỏi báo cáo tài chính?
Ocean Group vừa có văn bản gửi ĐHĐCĐ liên quan đến phương án xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty. Theo nhận định của HĐQT, các khoản nợ khó đòi đã trải qua quá trình thu hồi kéo dài nhiều năm, khó có khả năng thu hồi và cũng không có đối tác quan tâm mua nợ.
Cụ thể, các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty và các công ty con đã tồn tại từ năm 2014 đến nay đều liên quan đến thời kỳ của các lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, hầu hết các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, khó có khả năng thu hồi. Doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thu hồi các khoản nợ phải thu khó đòi nhưng không hiệu quả.
Trước khi công bố phương án xử lý nợ xấu, công ty đã xóa một số khoản nợ cho các cá nhân đang thi hành án và tìm đối tác bán nợ nhưng không hiệu quả. Điển hình như hồi cuối tháng 5/2022, công ty thông báo bán đấu giá 7 khoản nợ xấu với mức khỏi điểm chỉ khoảng 10% giá trị dư nợ gốc (1.072 tỷ đồng) nhưng không có đối tác quan tâm.
Do rà soát, kiểm toán số liệu và thực hiện thủ tục bán các khoản nợ này nên Ocean Group đến nay vẫn chưa lập và phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Điều này dẫn đến việc cổ phiếu của công ty mới bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch. Theo đó, từ ngày 9/6, cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào buổi chiều bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Ban lãnh đạo công ty cho rằng việc xóa nợ xấu ra khỏi báo cáo tài chính để theo dõi riêng là động thái cần thiết, làm cơ sở để lập và phát hành báo cáo tài chính kiểm toán theo quy định. Từ đó, công ty sẽ khắc phục được tình trạng cổ phiếu bị hạn chế giao dịch.
Cổ phiếu của Ocean Group bị hạn chế giao dịch
Trước đó, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) từ diện "kiểm soát" sang "hạn chế giao dịch" từ ngày 9/6, do doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Theo đó, mã này chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Biện pháp này được HoSE áp dụng gần đây với những doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán như FLC, ROS và HAI.
Việc bị đưa vào diện hạn chế giao dịch có thể ảnh hưởng tới thanh khoản của các cổ phiếu này khi thời gian để nhà đầu tư mua, bán chỉ còn được thực hiện trong phiên chiều.
Ngày 26/5, Ocean Group đã giải trình nguyên nhân chậm công bố thông tin BCTC năm trước là do có giá trị các tài sản thực tế lớn, lượng tiền mặt dự trữ nhiều, các khoản phải trả không lớn và các khoản vay nợ mới hầu như không phát sinh, các khoản phải thu đã được đánh giá và trích lập dự phòng một cách thận trọng. Hiện tại, công ty đang rà soát và kiểm toán lại số liệu trong BCTC.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Đại Dương sẽ lấy ý kiến ĐHĐCĐ bằng văn bản theo hình thức biểu quyết điện tử về việc xử lý một số khoản nợ phải thu khó đòi làm cơ sở để công ty lập và phát hành BCTC kiểm toán năm trước. Thời gian thực hiện 13/6.
Tại thông báo lần này, ban lãnh đạo nhận định Tập đoàn Đại Dương sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới sau khi thực hiện việc tái cấu trúc toàn diện; đặc biệt đối với việc phát triển dự án trọng điểm như tổ hợp văn phòng trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cho thuê – Starcity Trần Khánh Dư Hotel, khách sạn Starcity Westlake. Ngoài ra, tập đoàn đánh giá các khách sạn sẽ tiếp tục mang lại dòng tiền đáng kể khi thị trường du lịch phục hồi.