Vì sao thu hút FDI của Bình Dương, Đồng Nai 'đuối sức' so với các tỉnh phía Bắc?

Hạ An 15:18 | 08/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từng được coi là "thỏi nam châm" hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giờ đây, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bắt đầu "đuối sức" so với các địa phương khác trong cuộc đua hút vốn đầu tư.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), 8 tỉnh/thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tuy chỉ chiếm 20% dân số nhưng đóng góp tới 45% GDP; thu ngân sách chiếm 40% nhưng chi ngân sách chỉ chiếm 20%. Riêng TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Tuy nhiên, trong thu hút FDI, TP HCM đã đạt đến ngưỡng tới hạn trong phát triển các ngành sử dụng lao động trình độ thấp trong khi việc chuyển sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có sự bứt phá rõ rệt.

Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai với động lực chính là công nghiệp chế biến chế tạo, Bà Rịa - Vũng Tàu với động lực là ngành khai khoáng nhưng đều có dấu hiệu thu hút FDI chững lại.

Các địa phương thu hút FDI tốt nhất năm 2023. (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài).

Vắng bóng những dự án lớn 

Mặc dù có lợi thế thu hút FDI từ sớm song trong một thời gian dài nhiều tỉnh thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có khuynh hướng thu hút FDI chạy theo số lượng mà “quên” đi chất lượng.Năm 2023, các tỉnh phía Nam trừ TP HCM đều tụt xa trong bảng xếp hạng thu hút vốn FDI.

Điều này dẫn đến nhiều dự án có đặc điểm chung là sử dụng nhiều đất, thâm dụng lao động hơn so với các thủ phủ sản xuất kinh kiện điện tử ở khu vực phía Bắc.

Luỹ kế từ năm 1988 đến nay, tổng số vốn FDI mà các tỉnh khu vực phía Nam gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút được hiện đứng đầu cả nước. Song nhìn vào số doanh nghiệp FDI rất lớn cũng cho thấy khu vực này cần đẩy mạnh việc chọn lựa "chất" nhiều hơn thay vì chỉ chú ý đến lượng.

Số vốn và số dự án FDI của các địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước. (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài).

Trong năm 2023, hầu hết các dự án lớn đều tập trung vào khu vực phía Bắc, trong đó có thể kể đến như: Dự án LG Innotek ở Hải Phòng quy mô 1 tỷ USD, Jinko Solar Holding ở Quảng Ninh, dự án Victory Giant Technology (Trung Quốc) tại Bắc Ninh,...

Hai dự án quy mô lớn mới nhất là Trina Solar của Tập đoàn lớn trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc số vốn 454,4 triệu USD và Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của Gokin Solar (Hong Kong) trị giá 274,8 triệu USD cũng đều chọn các tỉnh, thành phía Bắc làm nơi rót vốn.

Trong các tỉnh phía nam chỉ có Bà Rịa - Vũng Tàu là có một dự án FDI lọt nhóm 10 dự án quy mô lớn nhất năm 2023 đến từ Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc. Điều này cho thấy việc xu hướng vắng bóng các dự án có vốn đầu tư lớn vào khu công nghiệp của các tỉnh phía Nam.

Thiếu sức cạnh tranh

Một trong những vấn đề đã được dự báo của các tỉnh phía Nam là việc quỹ đất công nghiệp đang ít dần. Sau giai đoạn thu hút FDI ồ ạt, các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai đang bước vào giai đoạn mất đi lợi thế cạnh tranh về chi phí từ giá thuê đất hay nhân công.

Trong khi các tỉnh phía Bắc tập trung vào sản xuất linh kiện, điện tử, điện thoại,.. thì các tỉnh phía Nam hiện tập trung vào sản xuất máy móc thiết bị, gỗ, dệt may, cao su nhựa,... các ngành sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng thấp hơn.

Theo báo cáo chiến lược mới nhất từ SSI Research, giá thuê đất ở khu vực phía Nam cũng cao hơn khu vực phía Bắc khi Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có giá thuê thấp nhất cũng gần ở mức 150 USD/m2/năm gần ngang với Bắc Giang, Bắc Ninh và cao hơn hẳn Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương.

Báo cáo này cũng nhận định sự phục hồi của các khu công nghiệp chủ yếu mang tính kỹ thuật do mức nền thấp trong năm 2023 với các doanh nghiệp thuê đất công nghiệp chính là các doanh nghiệp sản xuất (dệt may, gỗ, da giày), logistics và thực phẩm, đồ uống.

Trong khi đó, nhu cầu thuê đất đối với các khu công nghiệp phía Bắc dự kiến sẽ được đẩy lên cao trong năm 2024, được thúc đẩy nhờ xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn.

Apple hiện có 11 cơ sở sản xuất thiết bị âm thanh tại Việt Nam và các nhà cung cấp của Apple, như Lux Share, Foxconn, Compal và GoTek hiện đang vận hành 32 nhà máy tại Việt Nam.

Tỷ trọng các doanh nghiệp sản xuất khu vực phía Nam. (Nguồn: SSI Research).

Giá trung bình, nguồn cung và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp phía Bắc và Nam trong năm 2023. (Nguồn: SSI Research).

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các tỉnh phía Nam mất lợi thế cạnh tranh so với khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông, đặc biệt là tại khu vực miền Trung và miền Nam cũng cần được cải thiện nếu muốn đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tăng trưởng xanh là chìa khoá thu hút FDI

 

Mất đi những lợi thế cũ về giá đất hay nhân công nhưng nếu tập trung vào khai thác được yếu tố tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thì đây lại là một thế mạnh có thể giúp các tỉnh phía Nam gia tăng sức cạnh tranh.

Trong khi các nhà đầu tư Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng các tỉnh phía Bắc thì các nhà đầu tư Châu Âu lại khá quan tâm đến khu vực phía Nam. Tuy nhiên, yếu tố kiên quyết để họ đầu tư là tính bền vững, tăng trưởng xanh.

Điển hình như Dự án Nhà máy Sản xuất đồ chơi trẻ em của Tập đoàn Lego của Đan Mạch. Dự án này có vốn đầu tư lên đến 1,3 tỷ USD, được định hướng xây dựng thành nhà máy bền vững nhất của Tập đoàn Lego trên thế giới với trang thiết bị hiện đại, sử dụng năng lượng mặt trời.

Vì vậy, để cạnh tranh, các tỉnh trọng điểm thu hút FDI khu vực phía Nam cần định hướng thu hút đầu tư chọn lọc, thu hút dự án công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động.

TP HCM mới đây đã đặt mục tiêu tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Mỹ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại thành phố.  Một mục tiêu quan trọng nữa được đặt ra là tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50%/năm.

Các ngành thương mại điện tử, logistics, bán lẻ cùng các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin như thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot... sẽ là những ngành được TP HCM trải “thảm đỏ” mời gọi đầu tư.

Tương tự, Bình Dương, Đồng Nai hay Bà Rịa - Vũng Tàu đều đưa ra các chính sức mời gọi đầu tư ở những lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường...