'Việt Nam đang trong giai đoạn giảm thắt chặt chứ không hẳn nới lỏng, lãi suất thực vẫn ở mức cao'

Anh Đào 07:23 | 19/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn giảm thắt chặt, chứ không hẳn là nới lỏng tiền tệ. Theo ông, khi nhắc đến lãi suất, cần quan tâm đến lãi suất thực (đã trừ đi lạm phát).

Từ tháng 3 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành liên tục. Lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn giảm cộng lại lên đến 150-200 điểm cơ bản (bps),  lần lượt xuống còn 3% và 4,5%.

Trong khi đó, Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng lãi suất nhằm chống lạm phát.

Biên bản cuộc họp mới được công bố cho thấy hầu hết các thành viên trong Ủy ban Thị trưởng Mở Liên bang (FOMC) đều lo rằng cuộc chiến chống lạm phát còn rất lâu mới kết thúc và FOMC có thể phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

 

 

Quay trở lại câu chuyện của Việt Nam, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho biết  mặc dù lãi suất đã giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn giảm từ 16,8% so cùng kỳ trong tháng 6/2022 xuống còn 7,8% so cùng kỳ trong tháng 6/2023, qua đó cho thấy nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp đang yếu đi.

Vì nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, WB cảnh báo cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế. Điều này có thể gây áp lực về tỷ giá đối với VND.

Trả lời về vấn đề liệu có rủi ro khi chính sách tiền tệ của Việt Nam đang đi ngược với chính sách toàn cầu, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn giảm thắt chặt, chứ không hẳn là nới lỏng tiền tệ. Theo ông, khi nhắc đến lãi suất, cần quan tâm đến lãi suất thực (đã trừ đi lạm phát).

"Lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức cao nên Fed sẽ duy trì tăng lãi suất. Ở Việt Nam, lạm phát thấp đang là yếu tố hỗ trợ. NHNN đã hạ lãi suất nhưng lãi suất thực vẫn cao (khoảng 4-5%). Việt Nam đang trong giai đoạn giảm thắt chặt chứ không hẳn là nới lỏng tiền tệ", ông nói.

Còn theo quan điểm của ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, rủi ro lớn với nhà điều hành Việt Nam là Việt Nam đang đi ngược với chính sách toàn cầu. Dòng vốn đang vào, cán cân tổng thể đang dương nhưng nếu nó đảo ngược, tỷ giá lại căng thẳng.

Ông cũng nhắc lại hai lần chính sách tiền tệ của Việt Nam không song hành với thế giới và đều để lại hậu quả. Lần đầu là vào giai đoạn 2000-2002. Lần thứ hai là hồi giữa 2022 khi thế giới tăng lãi suất, Việt Nam không tăng lãi suất sau đó tỷ giá biến động.

Dự báo về lãi suất điều hành, đa phần các tổ chức đều cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm một lần giảm lãi suất nữa trong quý III.

HSBC dự báo NHNN giảm lãi suất thêm 50bps và sẽ là lần cắt giảm lãi suất cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng hiện tại.

Shinhan Bank cũng dự báo NHNN có thể hạ lãi suất hơn nữa do nền kinh tế Việt Nam cần được thúc đẩy trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp thắt chặt, hoạt động cho vay trở nên thận trọng và lĩnh vực sản xuất còn yếu. Ngoài ra, việc lạm phát Việt Nam hạ nhiệt cũng ủng hộ quyết định cắt giảm lãi suất của NHNN.

Tuy nhiên, ngân hàng này cảnh báo Việt Nam cần tránh tiếp tục cắt giảm mạnh lãi suất do xuất khẩu còn yếu, vẫn còn tồn tại các ngân hàng yếu kém và dự trữ ngoại hối suy giảm.

Còn theo CEO WiGroup, cần lưu ý rằng "khi chính sách đã thẩm thấu cũng là lúc chính sách có sự thay đổi và nhiều khả năng sự thay đổi này sẽ xảy ra trong giai đoạn quý IV năm nay".