'Việt Nam là đối thủ nặng ký’ xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc

Trang Mai 14:22 | 11/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhận định của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khi thị phần xuất khẩu rau quả của nước ta đã vượt qua Chile, xếp thứ 2 trong số các quốc gia xuất sang Trung Quốc năm 2023.

Thị phần tăng gấp đôi chỉ sau 1 năm

Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy năm 2023, Trung Quốc đã chi hơn 24 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng rau quả và sản phẩm chế biến của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cho hơn 1,4 tỷ dân.

Theo đó, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỷ USD, chiếm 36% thị phần tại thị trường Trung Quốc về sản phẩm rau quả. So với năm 2022, thị phần của Thái Lan đã giảm gần 2%.

Quốc gia đứng thứ 2 trong danh sách này là Việt Nam với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Theo đó, thị phần xuất khẩu rau quả Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023. Điều này khiến Việt Nam nổi lên như một "hiện tượng" và vượt Chile - quốc gia nhiều năm liền đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc.

 

Thông tin với báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam lý giải, do kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến năm vừa qua nên Việt Nam đã vượt Chile để trở thành nhà cung cấp rau quả lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Ông nhấn mạnh “Việt Nam là đối thủ nặng ký mà Thái Lan phải dè chừng”.

Thực tế, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sản lượng sầu riêng của Việt Nam mỗi năm đều tăng 15-20%. Năm ngoái kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD. Nếu số lượng mã số vùng trồng nhiều hơn và thêm Nghị định thư của sầu riêng cấp đông thì kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 3-3,5 tỷ USD/năm.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 65% thị phần.

Bên cạnh sầu riêng, hiện Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây.

Đặc biệt, mặt hàng tổ yến Việt Nam được phía Trung Quốc đánh giá cao, chất lượng vượt qua Malaysia và Indonesia, hứa hẹn gia nhập “ngành hàng tỷ đô” trong năm nay. 

Thêm nhiều cơ hội cho nông sản chủ lực của Việt Nam

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của ông Tập Cận Bình, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam xuất sang nước này, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi. Cũng trong chuyến thăm, 2 bên đã ký nghị định thư về xuất khẩu dưa hấu.

Sau chuyến công tác sang Trung Quốc hồi tháng 1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết trái cây của nước ta có lợi thế khi vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng. Sản lượng mặt hàng này của chúng ta đang đứng nhất nhì tại thị trường tỷ dân.

Chia sẻ với báo chí về những kết quả trong mở cửa thị trường nông sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: "Đối với các sản phẩm rau quả, Trung Quốc đồng ý sẽ mở cửa thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, đặc biệt là xem xét mở cửa cho trái bơ và chanh leo của Việt Nam. Đây cũng là những sản phẩm chủ lực của Việt Nam và được bà con ở các vùng trồng rất quan tâm"

"Tuy nhiên, phía bạn cũng cảnh báo: nếu Việt Nam không chú trọng vào chất lượng, mẫu mã, sẽ đánh mất tiềm năng này. Bởi, sắp tới có khả năng Trung Quốc sẽ cho phép thêm một số nước xuất khẩu sầu riêng vào nước này. 

Do đó, những hộ nông dân đang trồng sầu riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đến đảm bảo chất lượng, mẫu mã và xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang Trung Quốc, để sầu riêng Việt Nam có thể đứng vững ở thị trường này", lãnh đạo Bộ NN&PTNT cảnh báo. 

Tránh tình trạng "bỏ trứng vào một giỏ", BộNN&PTNT cũng xác định ngoài thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU là các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, Bộ sẽ thúc đẩy mở cửa các thị trường mới còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halen, Trung Đông, Châu Phi.