Xuất khẩu rau quả lập kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” trong năm 2023

Trang Mai 17:43 | 10/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quá trình hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước, thay đổi trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu nông sản, tập trung vào các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và năng lực cạnh tranh quốc tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu. Là một trong những mặt hàng chủ lực của xuất khẩu nông sản trong năm nay, rau quả đang trên đường thiết lập kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” mang về 6 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2022.

 

Lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 11/2023, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng lâm sản, thủy sản, đầu vào sản xuất giảm sâu, chỉ có nhóm nông sản, sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng dương.

 

Trong nhóm nông sản, rau quả là mặt hàng tăng trưởng mạnh cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu. Ngành này đã vượt mục tiêu 5 tỷ USD Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra cho năm 2025 và có thể đạt kỷ lục xuất khẩu trong năm nay.

 

Cụ thể, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả đạt 500 triệu USD, tăng 65% so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả vượt qua con số 5 tỷ USD.

Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu, nhóm quả vẫn tập trung chủ yếu dưới dạng tươi và đông lạnh. Trong kịch bản tháng 12 với kim ngạch 500 triệu USD như tháng 11 (thông thường cuối năm sẽ là thời gian cao điểm xuất khẩu để phục vụ cho nhu cầu lễ hội) thì cả năm nay, mặt hàng rau quả sẽ thu về gần 6 tỷ USD.

Cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch

Năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản, với kim ngạch đạt 13,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần. Thế nhưng trong 11 tháng của năm nay, Trung Quốc đã “soán ngôi” Mỹ trong vị trí dẫn đầu với khoảng 11,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2%. Thị trường này đã ghi nhận sự đảo chiều đáng kể khi giảm 2,2% trong 6 tháng năm 2023 so với cùng kỳ sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng.

Mỹ đứng thứ 2 với 20,5% thị phần, tương đương 9,84 tỷ USD. Và đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản.

Sở dĩ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng mạnh là do loạt Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết trong năm 2022, giúp nhiều loại nông sản trái cây đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 13/12/2023 nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi của Việt Nam xuất sang nước này.

Các mặt hàng khác như dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được nước láng giềng tạo điều kiện nhập khẩu. Ngược lại, Việt Nam sẽ tăng nhập cá tầm từ Trung Quốc, trao đổi và thúc đẩy lĩnh vực, nghề liên quan phát triển lành mạnh.

Tính chung nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chiếm hơn 10% thị phần tại nước này. Trong đó, sầu riêng Việt góp thị phần lên 25%, xoài trên 10%. 14 loại nông sản, trong đó 9 mặt hàng trái cây được xuất chính ngạch (thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, sầu riêng) đã góp phần đem lại doanh thu tỷ USD cho xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay.

 

Nghị định thư xuất khẩu dưa hấu là 1 trong 36 văn kiện hợp tác đã được ký trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Đây sẽ là loại trái cây tiếp theo sẽ được nhập chính ngạch vào Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Hiện nay chúng ta đã hình thành những vùng chuyên canh dưa hấu rất chuyên nghiệp, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung.

Không chỉ là dưa hấu, từ yêu cầu thị trường đã hình thành các vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu, lúa, hoa quả chuyên nghiệp. Trên những vùng đó làm đúng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu như diện tích vùng trồng, quy trình cách tác, vệ sinh an toàn thực phẩm...”.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ có cơ hội ký thêm 3 Nghị định thư với Trung Quốc là dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh. Nếu triển khai được các nghị định thư này sẽ có cơ hội đóng góp thêm vào xuất khẩu nông sản cho năm 2023 và đặc biệt những tháng đầu năm 2024.

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến bày tỏ: "Ngành nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giao thương nông sản sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa". Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường lớn cho nhiều loại mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao của Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, doanh nghiệp cần phải chứng minh cho người tiêu dùng Trung Quốc thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt Nam, cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán.

"Việt Nam có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu, từ đó giữ vững và từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường này. Cụ thể, thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định của phía Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.

Còn tại Mỹ, với nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả hơn 46 tỷ USD/năm, đây là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác thị trường này vẫn chưa được như kỳ vọng, do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Mỹ quá xa nên nếu đưa trái cây tươi vào Mỹ thì cần công nghệ bảo quản dài ngày. Mặt khác, trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hiện mới hướng đến đối tượng tiêu dùng là người châu Á, trong đó, cộng đồng người Việt ở Mỹ là chính. Do đó, cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các cộng đồng khác tại Mỹ.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng như các thị trường châu Âu đòi hỏi những quy chuẩn riêng với rau quả tươi, nếu đáp ứng được thì chi phí sẽ bị đội lên rất nhiều, làm giảm sức cạnh tranh của rau quả nói riêng và các ngành hàng nông sản nói chung. Ví dụ như mặt hàng vải thiều, được trồng nhiều ở miền Bắc nhưng nếu muốn xuất ngoại sẽ phải chuyển vào miền Nam để chiếu xạ rồi mới được chuyển đi.

Để giữ được những thành tựu đạt được trong năm nay, cũng như phát triển hơn nữa vào những năm sau, ngành rau quả sẽ cần giải quyết những bài toán trước mắt là khoa học công nghệ, thương mại điện tử, logistics, công nghệ giống và bảo quản sau thu hoạch... Ngoài ra, việc đa dạng thêm mẫu mã, sản phẩm cũng rất quan trọng, khi các thị trường ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt.