Vietcombank tiếp tục được vinh danh là ngân hàng mạnh nhất Việt Nam

Đông Bắc 11:54 | 03/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vừa qua, tạp chí The Asian Banker đã vinh danh Vietcombank là ngân hàng mạnh nhất Việt Nam năm 2021.

Giải thưởng Ngân hàng mạnh nhất Việt Nam mà Vietcombank vừa nhận được dựa trên bảng cân đối tài chính và xét duyệt thông qua quá trình bình chọn chi tiết, minh bạch nhằm ghi nhận thành tích của các ngân hàng thương mại trên toàn hệ thống.

 

Tạp chí The Asian Banker là một trong những tên tuổi hàng đầu châu Á trong lĩnh vực tài chính ngân hàng với lượng độc giả lớn trong khu vực và trên thế giới. Trong gần 18 năm qua, tạp chí tổ chức bình chọn rất nhiều các hạng mục giải thưởng hằng năm nhằm vinh danh các ngân hàng, tổ chức tài chính trong khu vực như Transaction Banking Awards, Retail Banking Awards, Asian Banker 500… thông qua số liệu thu thập được từ 30 quốc gia, với quá trình xét duyệt chặt chẽ trong vòng 3-4 tháng để chọn ra những đơn vị xứng đáng nhất.

Đây là giải thưởng có uy tín, được các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính và truyền thông sử dụng khi tham chiếu về sức mạnh tài chính của các ngân hàng trong khu vực, cũng là nguồn thông tin bổ ích cho các ngân hàng, tập đoàn quốc tế là đối tác tiềm năng của ngân hàng được quan tâm.

Năm 2021, với điểm số 3,59/5, Vietcombank dẫn đầu bảng xếp hạng trong nhóm các ngân hàng Việt Nam.

Tính đến hết quý I/2022, Vietcombank hiện có quy mô tổng tài sản hơn 1,4 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 113.000 tỷ đồng.

Năm 2021, lợi nhuận của Vietcombank đạt hơn 26.400 tỷ đồng, tức hơn 1 tỷ USD. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là 1,55%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 20,83%. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, toàn hệ thống có gần 22.000 cán bộ nhân viên với nguồn nhân lực chất lượng cao, giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản trong nước và nước ngoài.

Theo tổng hợp báo cáo tài chính hết năm 2021 của các ngân hàng công bố, Vietcombank đứng đầu trong top 10 ngân hàng có lãi trước thuế cao nhất cùng với Techcombank, VietinBank, MBBank, VPBank, Agribank, BIDV, ACB, HDBank và VIB. Tính riêng tổng lợi nhuận của 10 ngân hàng này đã chiếm 154.721 tỷ đồng, tương đương hơn 78% tổng lợi nhuận của các ngân hàng được thống kê trên toàn hệ thống.

Cụ thể, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 27.375 tỷ đồng, tăng 19% so với năm ngoái, xếp trên Techcombank với lợi nhuận 23.238 tỷ đồng, tăng 47% và vượt qua VietinBank với lợi nhuận 17.589 tỷ đồng. 

 
Vietcombank nắm giữ bao nhiêu trái phiếu doanh nghiệp?

Chia sẻ tham luận tại Hội nghị phát triển thị trường vốn (ngày 22/4/2022), ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank cho biết, tổng tài sản ngân hàng hiện đã vượt 1,4 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chỉ chiếm 1 tỷ trọng nhỏ trong danh mục tín dụng của Vietcombank.

Tại thời điểm 31/3/2022, dư nợ TPDN của VCB ở mức 11.400 tỷ đồng (khoảng 1% tổng dư nợ cho vay). Việc đầu tư, giao dịch TPDN của Vietcombank tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, được quản trị với cùng chuẩn mực như hoạt động cho vay (bao gồm các khâu kiểm soát trước, trong và sau đầu tư), nhằm đảm bảo kiểm soát được dòng tiền và mục đích sử dụng vốn.

Theo ông Dũng, toàn bộ dư nợ TPDN của ngân hàng hiện đều được phân loại nợ nhóm 1, các doanh nghiệp phát hành đều kinh doanh hiệu quả và thanh toán đúng hạn.

Vietcombank đánh giá việc phát triển thị trường TPDN là yêu cầu chính đáng và tất yếu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển. Do đó, ngân hàng luôn chủ động, tích cực tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp với vai trò đa dạng như nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh phát hành, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán... để góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường và phục vụ chiến lược phát triển dài hạn của Vietcombank.