VietJet ghi nhận doanh thu thuần tăng hơn 4 lần nhưng lãi ròng giảm mạnh

Trang Mai 09:30 | 02/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III Công ty Cổ phần Hàng không VietJet và các công ty con (VJC) công bố mới đây, doanh nghiệp có doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng lợi nhuận ròng lại giảm gần 1 nửa, xuống còn 43 tỷ đồng.

Theo đó, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 11.600 tỷ đồng, tăng và 337% so với quý III/2021. Tuy nhiên giá vốn cũng vọt tăng hơn 5 lần lên 11.237 tỷ đồng khiến hãng hàng không này chỉ còn lãi gộp 364 tỷ đồng, giảm 34,9% so với cùng kỳ năm trước. Trước thuế, VietJet báo lãi 44 tỷ đồng, giảm 57%; lãi ròng 43 tỷ đồng, giảm 41% so với quý III/2021.

Quý III/2022, Vietjet đã thực hiện hơn 35 nghìn chuyến bay và vận chuyển 6,4 triệu lượt khách. Vận tải hành khách nội địa đóng góp vào sự phục hồi với tăng trưởng 36% số chuyến bay và 44% tổng hành khách. Vận tải hành khách quốc tế bắt đầu đà phục hồi, đạt khoảng 25% so với trước dịch COVID 19. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong quý đạt 11,5 nghìn tấn. 

Đại diện hãng hàng không giải thích, nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận là do chi phí nhiên liệu bay tăng cao bình quân 130 USD/1 thùng, có thời điểm tăng đến 160 USD/1 thùng so với mức trung bình 80 USD/1 thùng năm 2019. 

Mặt khác, Vietjet tập trung đẩy mạnh hoạt động marketing và khuyến mãi, đặc biệt với các đường bay quốc tế để thu hút hành khách trong các dịp cao điểm gồm Giáng sinh, Tết Nguyên Đán và chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng năm 2023. 

Trong giai đoạn này, lợi nhuận hợp nhất đến từ hoạt động thương mại tài chính tàu bay từ các đơn đặt hàng sẵn có với Airbus và Boeing trong bối cảnh thị trường tàu bay tại nước ngoài đang khan hiếm. Công ty còn có nguồn doanh thu đến từ việc đầu tư các dự án kinh doanh và dịch vụ khác. 

Hoạt động vận chuyển hàng không phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan như dịch bệnh, giá xăng dầu... Do đó, Vietjet đã mở rộng hoạt động đa ngành bên cạnh vận chuyển hàng không để thích ứng với giai đoạn phát triển mới.

Đến nay, Vietjet đã mở hơn 10 đường bay quốc tế mới, tập trung vào thị trường Ấn Độ, mang khách từ các thủ phủ vùng Tây Ấn và Trung - Nam gồm Ahmedabad, Hyderabad và Bangalore tới các trung tâm kinh tế - du lịch của Việt Nam gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Phú Quốc.

Tính đến 30/9, Vietjet khai thác tổng cộng 84 đường bay, bao gồm 49 đường bay nội địa và 35 đường bay quốc tế.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tổng số chuyến bay và lượt khách vận chuyển của Vietjet lần lượt đạt 87.700 chuyến và 15,4 triệu khách, tăng 150% và 225% so với cùng kỳ 2021. Hãng ghi nhận doanh thu thuần 27.535 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, Vietjet ghi nhận lãi ròng 187 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Năm 2022, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 32.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, với kỳ vọng lượng khách hàng đạt 18 triệu khách. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 84% kế hoạch năm và gần 31% lợi nhuận trước thuế. 

Tính đến hết quý III, Vietjet ghi nhận tổng tài sản 67.470 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 40.400 tỷ đồng. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 6.543  tỷ đồng; bao gồm: 593 tỷ đồng tiền mặt, 1.474 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 4,5 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng).

Các khoản phải thu ngắn hạn là 36.715 tỷ đồng, gồm 17.449 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, 16.120 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác, 2.484 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn và 662 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn. 

Trong 27.070 tỷ đồng tài sản dài hạn, đáng chú ý là các khoản phải thu dài hạn tăng lên 17.164 tỷ đồng; tài sản cố định 2.024 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn gần 600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietjet có tài sản dài hạn khác hơn 7.232 tỷ đồng. 

Tổng nợ phải trả tính đến hết quý III là 49.938 tỷ đồng, tăng 43,5% từ đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 19.442 tỷ đồng, chiếm 39% tổng số nợ. Ngoài ra, Vietjet cũng dành 11.973 tỷ đồng dự phòng phải trả dài hạn. Đáng chú ý, khoản vay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex đã được thanh toán toàn bộ, và phát sinh khoản vay 989 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Quân Đội. 

Vốn chủ sở hữu tính đến hết quý III là 17.532 tỷ đồng, tăng 678 tỷ đồng từ đầu năm. 

 

Về tình hình lưu chuyển tiền tệ, tính đến hết quý III, dòng tiền thuần từ kinh doanh chuyển âm 3.593 tỷ đồng, so với mức âm 5.382 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Dòng tiền đầu tư âm 107 tỷ đồng do hãng hàng không này chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác. Dòng tiền tài chính dương 3.872 tỷ đồng, đến từ đi ngắn hạn, dài hạn 22.162 tỷ đồng và trả nợ gốc vay gần 18.290 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận 216 tỷ đồng. 

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo thị trường hàng không nội địa tại các nước sẽ phục hồi 93% trong năm 2022, riêng thị trường nội địa Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 96% và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023. Cùng với việc mở cửa trở lại nhiều đường bay quốc tế, Vietjet sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của ngành hàng không, sự hồi phục và phát triển sau đại dịch của kinh tế các địa phương và kinh tế đất nước.