Vietnam Airlines: Ông lớn ngành hàng không gánh lỗ cả chục tỷ đồng/ngày, muốn chấm dứt `Vé 0 đồng`

08:00 | 10/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, đặc biệt là ngành hàng không Việt Nam, “ông lớn” Vietnam Airlines dự kiến sẽ lỗ khoảng 30 tỷ VNĐ/ngày.

Vietnam Airlines khẳng định vị thế với 80% thị phần

Vietnam Airlines Corporation, tên đầy đủ là Tổng công ty Hàng không Việt Nam, thành lập ngày 27 tháng 5 năm 1995, có trụ sở chính đặt tại 200 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội, Việt Nam.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên, được xếp vào loại hình Tổng công ty Nhà nước, hoạt động trong ngành Vận tải Hàng không, Quản lý các ngành hàng không trong nước.

Vietnam Airlines: Ông lớn ngành hàng không gánh lỗ cả chục tỷ đồng/ngày, muốn chấm dứt `Vé 0 đồng` - ảnh 1

"Ông lớn" ngành hàng không Việt Nam nắm trong tay 80% thị phần nội địa

Là ông lớn trong ngành hàng không, Vietnam Airlines chiếm xấp xỉ 80% thị phần giao thông hàng không nội địa. Đơn vị cũng đạt được nhiều cột mốc và thành tựu đáng nhớ dưới sự lãnh đạo của Ban lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Ngọc Hòa và Tổng giám đốc Lê Hồng Hà cùng Trưởng Ban kiểm soát Nguyễn Thị Thiên Kim.

Cùng thuộc Ban lãnh đạo của Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam - CTCP còn có các Thành viên HĐQT là ông Lê Hồng Hà, ông Lê Trường Giang, ông Tạ Mạnh Hùng, ông Tomoji Ishii; các thành viên Ban Kiểm soát là ông Lại Hữu Phước, ông Mai Hữu Thọ; cùng 3 Phó Tổng giám đốc là ông Trịnh Ngọc Thành, ông Trịnh Hồng Quang và ông Nguyễn Hồng Lĩnh.

Hành trình phát triển từ đội bay nhỏ bé ban đầu tới “Ông lớn” của Hàng không Việt Nam

Từ tháng Giêng năm 1956, sự ra đời của Ngành Hàng không Dân dụng ở Việt Nam được đánh dấu bởi thời điểm Cục Hàng không Dân dụng được Chính phủ thành lập. Thời điểm ấy, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam chỉ là một đội bay nhỏ, nắm trong tay 05 chiếc máy bay cánh quạt IL 14, AN 2, Aero 45… Tháng 9 cùng năm, đơn vị mới có thể khai trương chuyến bay nội địa đầu tiên.

Sau đó, tới giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1980, các chuyến bay tới những nước châu Á xung quanh bắt đầu đi vào hoạt động như chặng bay với Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia và Lào.

Việt Nam cũng trở thành thành viên của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Qua đó, các tuyến bay quốc tế được mở rộng càng thêm hiệu quả.

Tháng 4/1993, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam chính thức thành lập.

Ngày 27/05/1995, Tổng công ty Hàng không Việt Nam hình thành trên cơ sở 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng không cùng liên kết, lấy nòng cốt là Vietnam Airlines.

Từ năm 2003, Vietnam Airlines chính thức gắn liền với biểu tượng mới là Bông Sen Vàng. Đây cũng là thời kỳ nâng cấp đội bay, áp dụng các cải tiến vượt trội về chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng bay và nâng tầm thương hiệu.

Tới tháng 4 năm 2015, Vietnam Airlines chuyển đổi sang mô hình CTCP sau một năm thành công chào bán cổ phần tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Năm 2017, mã chứng khoán HVN của Vietnam Airlines chính thức lên sàn chứng khoán UPCOM, thuộc nhóm doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hàng đầu thị trường.

Trong thời gian hoạt động, đơn vị này đã được công nhận trở thành thành viên chính thức của IATA và Liên minh hàng không Skyteam. Đồng thời, Vietnam Airlines cũng được vinh danh là Hãng hàng không quốc tế 4 sao theo tiêu chuẩn của Skytrax nhiều năm liên tục.

Vietnam Airlines: Ông lớn ngành hàng không gánh lỗ cả chục tỷ đồng/ngày, muốn chấm dứt `Vé 0 đồng` - ảnh 2

Doanh nghiệp được công nhận về chất lượng dịch vụ trên mỗi chặng bay

Những giải thưởng, thành tựu đánh dấu 26 năm hoạt động

2018: Tổ chức APEX (The Airline Passenger Experience Association) tiếp tục trao tặng danh hiệu Hãng hàng không 4 sao toàn cầu nhiều năm liên tục.

2018: Tripadvisor bình chọn nằm trong TOP những Hãng hàng không lớn được yêu thích nhất châu Á năm 2018 (Traveler’ Choice Major Airlines – Asia 2018).

2018: Báo Sài gòn giải phóng trao giải Thương hiệu vàng 12 năm liên tiếp.

Cùng năm, đơn vị cũng được trao Giải thưởng Tiếp thị Du lịch xuất sắc nhất, Top 10 Nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam trong 4 năm liên tiếp và Top 50 trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp xuất sắc.

2017: World Travel Awards 2017 trao Giải “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng Phổ thông đặc biệt” và “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hoá”.

2017: CAPA- Center for Aviation trao Giải “Hãng hàng không của năm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.

Cùng năm, đơn vị lọt Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững và được Giải Thương hiệu mạnh Việt Nam.

2016: Tạp chí Global Traveler Trung Quốc trao Giải “Hãng hàng không có thiết kế ghế khoang Thương gia đẹp nhất trên Boeing 787-9 và Airbus A350-900”.

2016: Top 4 hãng hàng không khu vực Đông Nam Á có lưu lượng vận chuyển hành khách đạt trên 20 triệu lượt (CAPA)

2016:  Top 3 Hãng hàng không tiến bộ nhất thế giới (SKYTRAX)

2016: World Travel Awards. trao giải “Hãng hàng không hàng đầu Châu Á về bản sắc văn hoá” và “Hãng hàng không có hạng Phổ thông hàng đầu Châu Á”.

Cơ cấu tổ chức của Tổng công ty Hàng không Việt Nam

Tổng công ty Hàng không Việt Nam được thành lập bởi Khối cơ quan Tổng công ty và hàng loạt các công ty thành viên.

Trong đó, Khối cơ quan bao gồm các Ban chức năng giúp việc cho Tổng giám đốc điều hành, nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi cho Tổng công ty.

Các công ty thành viên bao gồm:

Thứ nhất là, đơn vị sự nghiệp: Viện khoa học Hàng không VAI

Thứ hai là, đơn vị hạch toán phụ thuộc: Tạp chí Heritage, Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất TIAGS, Xí nghiệp thương mại mặt đất Đà Nẵng DIAGS, Xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài NIAGS

Vietnam Airlines: Ông lớn ngành hàng không gánh lỗ cả chục tỷ đồng/ngày, muốn chấm dứt `Vé 0 đồng` - ảnh 3

Hình ảnh Vietnam Airlines trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Thứ ba là, công ty Liên kết: Công ty Cổ phần quảng cáo hàng không, Công ty Cổ phần khách sạn hàng không, Công ty Cổ phần du lịch hàng không, Công ty Cung ứng xuất nhập khẩu lao động hàng không, Công ty Ôtô hàng không, Công ty Nhựa cao cấp hàng không, Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng, Công ty Cung ứng dịch vụ hàng không

Thứ tư là, công ty Liên doanh có vốn góp chi phối của Tổng công ty: Công ty liên doanh phân phối toàn cầu (Tổng công ty sở hữu 90% vốn điều lệ), Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn giao nhận hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh (Tổng công ty sở hữu 65% vốn điều lệ), Công ty liên doanh sản xuất bữa ăn trên tàu bay Tân Sơn Nhất (Tổng công ty sở hữu 60% vốn điều lệ), Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (Tổng công ty sở hữu 70% vốn điều lệ).

Thứ năm là, công ty cổ phần: Hãng hàng không quốc gia Campuchia CAA, Công ty cho thuê máy bay VALC, Công ty Bảo hiểm Hàng không Việt Nam VNI, Công ty Cổ phần tin học hàng không, Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài NCTS, Công ty Xuất nhập khẩu hàng không AIRIMEX, Công ty In hàng không, Công ty Xây dựng công trình hàng không, Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài NASCO, Công ty Tư vấn khảo sát thiết kế hàng không, Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng Không Nội Bài NCS

Thứ tư là, công ty TNHH một thành viên: Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO, Công ty TNHH xăng dầu Hàng không VINAPCO, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay VAECO

Gồng mình gánh lỗ hàng trăm tỷ vì Covid-19

Thời kỳ đại dịch Coronavirus là giai đoạn khó khăn của toàn thế giới nói chung và ngành hàng không nói riêng. “Ông lớn” Vietnam Airlines cũng phải “đưa đầu chịu trận”.

Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2020, dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines rơi vào trạng thái âm gần 6.270 tỷ đồng, trong khi năm trước dương gần 7.874 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lên tới gần 10,5 nghìn tỷ đồng. Con số này còn cao hơn lợi nhuận lũy kế trong 5 năm từ 2015-2019 của doanh nghiệp này.

Vietnam Airlines dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ lỗ xấp xỉ 30 tỷ đồng/ngày, trong khi vấn đề thanh khoản đang trở nên khó khăn hơn cả vì dòng tiền kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng.

Tuy vậy, đơn vị này vẫn luôn là lá cờ đầu, đủ nghị lực để đi tiên phong trên khắp năm châu bốn biển, không ngừng thực hiện những chuyến bay vào vùng dịch để đưa công dân Việt Nam về nước từ khắp mọi quốc gia.

Đề xuất áp sàn vé máy bay để tăng thu, chấm dứt thời kỳ “Vé 0 đồng”

Mới đây nhất, Vietnam Airlines một lần nữa đề xuất áp giá sàn vé máy bay trong cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam. Như vậy, giá trần tăng 50.000 - 250.000 đồng/khách, giá sàn từ 414.000 đồng/chặng - 1,4 triệu đồng/chặng.

Vietnam Airlines: Ông lớn ngành hàng không gánh lỗ cả chục tỷ đồng/ngày, muốn chấm dứt `Vé 0 đồng` - ảnh 4

Hình ảnh cho việc Vietnam Airlines đề xuất giá sàn máy bay.

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết, đây là giải pháp được nêu ra để bàn bạc, không loại trừ bất cứ khả năng nào, nhằm mục đích tìm cách vượt khó khăn và ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.

Việc áp giá sàn và tăng giá trần sẽ giúp giảm bớt cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong giai đoạn này. Sau khi thị trường phục hồi có thể xem xét để bỏ giá sàn.

Nếu đề xuất này được thông qua tức là thời kỳ “Vé 0 đồng” sẽ phải chấm dứt. Các đơn vị thường đưa chương trình khuyến mại với giá vé rẻ, chỉ từ 39.000 đồng tới 99.000 đồng/vé, chưa bao gồm thuế, phí, để kích cầu, nay sẽ phải thay đổi chính sách.

Vietnam Airlines là hãng hàng không chưa bao giờ áp dụng chính sách giá khuyến mãi 0 đồng. Đề xuất này đã gây tranh cãi trên thị trường tiêu dùng vì khách hàng lo ngại sẽ là người chịu thiệt nhất. 

Các đối tượng người dân có mức sống trung bình sẽ không còn cơ hội tiếp cận vé máy bay giá rẻ chỉ vài trăm ngàn. Sự lựa chọn của hành khách cũng giảm đi khi dòng cạnh tranh giữa các đơn vị bị cắt. Như vậy, tuy doanh thu của các hãng hàng không sẽ tăng cao nhưng chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.

Hơn thế nữa, việc tăng giá vé sẽ kéo theo các chi phí du lịch, khách sạn, giá tour tăng lên. Điều này có thể đi ngược lại với chủ trương kích cầu du lịch sau dịch trong bối cảnh cần đẩy mạnh tốc độ phục hồi.

Hiện nay, tại Đông Nam Á, chỉ có duy nhất Indonesia đang thực hiện áp giá sàn bằng 35% mức giá trần để hạn chế tình trạng bán phá giá. Ấn Độ cũng áp dụng phương pháp tương tự kể từ tháng 5 năm 2020. Trước đó, Trung Quốc cũng áp dụng chính sách giá sàn trong hơn 9 năm từ 2004 tới 2013 để chấm dứt cuộc chiến về giá.

Xem thêm: COVID-19: Vietnam Airlines báo lỗ 11.000 tỷ, Vietjet và Bamboo Airways khoe lãi

Phương Thúy