Vinamilk đạt doanh thu gần 60.000 tỷ đồng, nhận hơn nghìn tỷ lãi tiền gửi

Lạc Lạc 11:12 | 31/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2022 CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) công bố mới đây, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu trên 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn 2.200 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm.

Doanh thu thấp nhất kể từ quý I/2018 đến nay

Cụ thể, quý IV/2022, Công ty đạt doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng, giảm gần 5% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ tăng khiến cho lợi nhuận gộp giảm xuống còn 38,7%, tương đương 5.845 tỷ đồng. 

Doanh thu tài chính trong kỳ tăng hơn 17% lên 379 tỷ, song chi phí tài chính tăng mạnh từ 90 tỷ lên 207 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm được gần 14% còn 3.335 tỷ, ngược lại chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 8% lên gần 450 tỷ đồng. Kết quả, Vinamilk thu lãi ròng 1.869 tỷ đồng, giảm 15% cùng kỳ.

Luỹ kế cả năm 2022, Vinamilk đạt doanh thu thuần gần 60.000 tỷ, giảm khoảng 1,6% so với năm 2021. Doanh thu vẫn đến chủ yếu từ bán thành phẩm (56.583 tỷ), bán hàng hoá (3.218 tỷ), dịch vụ khác (39 tỷ), cho thuê bất động sản đầu tư (8 tỷ). Do giá vốn hàng bán tăng khiến lợi nhuận ròng cả năm đạt 8.577 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi thấp nhất của doanh nghiệp kể từ quý I/2018 đến nay. 

 
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc điều hành của Vinamilk đã đưa ra dự báo giá nguyên vật liệu năm 2022 dự báo sẽ rất cao, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp. Kế hoạch năm đặt ra doanh thu hơn 64.000 tỷ, lãi trước thuế 12.000 tỷ, lãi ròng hơn 9.700 tỷ. Như vậy, Vinamilk đã hoàn thành được 94% kế hoạch doanh thu, 87% kế hoạch lãi trước thuế và 88% kế hoạch lãi ròng.

Với tình hình kinh doanh ổn định và không có nhiều biến động lớn, Vinamilk đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư và trong và ngoài nước. 

Những cổ đông nước ngoài như: F&N Dairy Investments pte. Ltd. (F&N), Platinum Victory Pte. Ltd. (Platinum Victory) rất “tích cực” mua vào cổ phiếu VNM. Trước đó, F&N đã đăng ký mua gần 21 triệu cp từ 6/12/2022 - 4/1/2023 nhằm tăng sở hữu từ 17,69% lên 18,69%, tương đương từ gần 369,8 triệu lên 390,7 triệu cp. Tuy nhiên giao dịch vẫn chưa thành công và cổ đông này chưa mua thêm được cổ phiếu nào. 

Tương tự F&N, Platinum Victory cũng là một cổ đông ngoại rất tích cực đăng ký mua vào VNM. Tuy nhiên đơn vị này thường xuyên không thực hiện được giao dịch đã đăng ký. Kết thúc lần giao dịch gần nhất ngày 16/12/2022, Platinum Victory mua bất thành gần 21 triệu cp VNM, bằng với lượng F&N đăng ký, qua đó tiếp tục giữ nguyên sở hữu 10,62% vốn VNM.

2 cổ đông ngoại này chiếm hơn 31% vốn điều lệ trong tổng số 54,4% tỷ lệ sở hữu của nước ngoài. Danh sách 20 cổ đông lớn nhất của VNM, ngoài cổ đông nhà nước SCIC thì 19 cổ đông còn lại đều là nước ngoài và duy trì trong nhiều năm qua.  

 Nguồn: Vietstock

  Nguồn: Vietstock

Vinamilk thu về nghìn tỷ từ tiền gửi ngân hàng

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Vinamilk đạt gần 48.500 tỷ đồng, giảm 9% so đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt tới 19.713 tỷ đồng, tương đương gần 41% tổng tài sản; bao gồm: 1.327 tỷ đồng tiền mặt, 972 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 17.413 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng). Khoản tiền gửi này đã mang lại cho doanh nghiệp gần 1.200 tỷ đồng tiền lãi. 

Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 6.100 tỷ đồng. Hàng tồn kho còn 5.537 tỷ đồng, giảm 18%, chủ yếu là nguyên vật liệu, thành phẩm và hàng mua đang đi trên đường. 

Bên kia bảng cân đối, Vinamilk ghi nhận nợ phải trả 15.666 tỷ đồng, giảm 10%. Trong đó vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 4.933 tỷ đồng, nằm tại các ngân hàng thương mại. 

Vốn chủ sở hữu tính đến 31/12/2022 ghi nhận 32.816 tỷ đồng.