VND tăng giá: Ngân hàng được nhiều hơn mất, doanh nghiệp xuất khẩu không bị ảnh hưởng nhiều
Ngân hàng hưởng lợi từ lãi suất hạ nhiệt
Trong giai đoạn từ giữa tháng 7 đến nay, tỷ giá liên tục có sự hạ nhiệt. Trên thị trường ngoại hối quốc tế, tỷ giá USD/VND đã giảm từ khoảng 25.450 VND/USD - mức bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - xuống còn 24.820 vào ngày 27/8 - thấp nhất kể từ đầu tháng 4.
Trong nước, tỷ giá bán ra USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do cũng đồng loạt tụt khỏi mốc 25.450 đồng. Phiên sáng ngày 4/9, tỷ giá bán ra tại Vietcombank ở mức 25.050 đồng, trong khi trên thị trường tự do, tỷ giá bán ra ở mức 25.330 đồng.
Với các ngân hàng, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, tỷ giá tăng mạnh đã tạo cơ hội lớn cho họ thu lợi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối. Theo thống kê, tổng lãi thuần từ hoạt động ngoại hối của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và Agribank, BaoViet Bank) đạt 17.315 tỷ đồng, tăng 44,5% so với cùng kỳ.
Mức tăng chung của tổng thu nhập hoạt động (TOI) của 29 ngân hàng chỉ là 7,4%. Ngoại hối là mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nửa đầu năm 2024, vượt qua cả chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư.
Nhận định về vấn đề này, ôngNguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Phân tích và Phát triển sản phẩm của Yuanta Việt Nam, cho rằng tỷ giá từ đầu năm đã đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận về mảng ngoại hối cho ngân hàng nhưng đến cuối năm thì sẽ không còn thuận lợi nữa vì tỷ giá sẽ hạ nhiệt.
“Có thể sau chuỗi thời gian hạ nhiệt thì tỷ giá sẽ có giai đoạn đi ngang, không tạo ra cơ hội lớn cho ngân hàng từ kinh doanh ngoại hối. [...] Tuy nhiên, ngân hàng sẽ có cơ hội từ những nguồn thu nhập khác, chẳng hạn như thu từ lãi”,ông nói thêm.
Chuyên gia cho biết nguồn lãi thuần từ ngoại hối so với TOI của ngành ngân hàng không phải là lớn, yếu tố chính đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng vẫn là thu nhập từ lãi nên ảnh hưởng khi tỷ giá giảm là có, nhưng không nhiều.
Dữ liệu tổng hợp từ 29 ngân hàng cho thấy lãi thuần từ ngoại hối chỉ chiếm 4,9% TOI trong nửa đầu năm 2024, tăng từ nức 3,8% cùng kỳ năm trước.
Ông Minh cho biết trong nửa đầu năm, tỷ giá tăng nóng đã buộc NHNN phải có những động thái như siết chặt nguồn cung tiền đồngthông qua phát hành tín phiếu, bán USD; tăng lãi suất (lãi suất tín phiếu, lãi suất OMO và lãi suất liên ngân hàng).
Động thái này sẽkhiến chi phí vốn (COF) của ngân hàng, đặc biệt là các nhà băng phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thị trường bị ảnh hưởng, từ đó tác động làm giảm biên lãi thuần (NIM) ngân hàng.
Trong giai đoạn nửa đầu năm, lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng phải rục rịch nâng lãi suất huy động.
“Hầu hết ngân hàng phụ thuộc vào thu từ lãi. Lãi suất tăng cao do lãi suất điều hành đi lên sẽ gây ảnh hưởng nhiều cho ngân hàng hơn so với tỷ giá hạ nhiệt”, ông nói.
“Khi tỷ giá hạ nhiệt, cơ hội lớn nhất là NHNN không có khuynh hướng nâng lãi suất mà có thể giảm lãi suất tín phiếu, OMO … NIM của ngân hàng thương mại có thể hồi phục và yếu tố này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn thu nhập từ ngoại hối”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo ông Thế Minh, các ngân hàng vẫn có thể có cơ hội thu lãi trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt khi NHNN mua bổ sung USD để bổ sung nguồndự trữ ngoại hối đã giảm sâu trước đó. Tuy nhiên, nhà điều hành sẽ không nhất thiết phải bổ sung bằng mọi giá mà sẽ mua vào khi tỷ giá xuống sâu.
Thời điểm tỷ giá hạ nhiệt đầu năm 2023, NHNN đã niêm yết giá mua vào USD cao hơn so với giá mua vào của các ngân hàng thương mại, tạo cơ hội lớn cho hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Doanh nghiệp vay USD hưởng lợi, doanh nghiệp xuất khẩu chưa chắc gặp khó
Về mặt lý thuyết, tỷ giá giảm sẽ giúp giải tỏa một phần áp lực cho nhà điều hành cũng như hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp vay nhiều USD hoặc nhập khẩu, tuy nhiên cũng sẽ khiến nhóm doanh nghiệp có nguồn thu lớn từ ngoại tệ chịu thiệt.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, trên thực tế các doanh nghiệp có thể không hưởng lợi hoặc chịu thiệt quá lớn khi tỷ giá giảm trong bối cảnh hiện tại. Ông cho rằng nhóm doanh nghiệp có khoản lỗ tỷ giá lớn trong nửa đầu năm 2024 có thể lấy lại những gì đã mất trong nửa cuối năm, tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất vẫn là tăng trưởng về mảng kinh doanh cốt lõi.
Vị chuyên gia này phân tích các doanh nghiệp xuất khẩu được cho là sẽ hưởng lợi từ tỷ giá tăng trong nửa đầu năm, tuy nhiên thực tế thì mức hưởng lợi không đáng kể.
"Số lượng đơn đặt hàng có chiều hướng tăng nhưng giá bán ra lại rất thấp khi nhu cầu vẫn chưa phục hồi mạnh", ông cho hay.
Cũng có lo ngại rằng khi tỷ giá hạ nhiệt thì những doanh nghiệp xuất khẩu không còn lợi thế nữa. Nhưng theo chuyên gia mức độ ảnh hưởng không có gì đáng ngại, mà giá bán ra có hồi phục không mới là điều quan trọng.
"Câu chuyện 6 tháng cuối năm cũng phụ thuộc vào sức cầu tiêu dùng toàn cầu hay không chứ không phải chuyện tỷ giá. Tỷ giá chỉ tác động một phần thôi", ông Minh nói.
Theo chuyên gia, yếu tố ảnh hưởng đến nhóm xuất khẩu như thủy sản, dệt may vẫn là giá bán và nhu cầu. Trong năm nay họ có lợi thế là đơn đặt hàng đang tăng lên, nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến cuối năm. Điều này cho thấy sức cầu đã hồi phục, nhưng vấn đề là giá bán chưa đi lên mạnh.
Tỷ giá còn nhịp tăng hay sẽ đi ngang trong những tháng cuối năm?
Áp lực tỷ giá không còn đáng lo ngại, theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích. Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB, đánh giá rằng tỷ giá đã hạ nhiệt và không còn nhiều lo ngại.
UOB đánh giá triển vọng tích cực đối với tiền đồng và cho biết sẽ điều chỉnh giảm con số dự báo về tỷ giá USD được đưa ra trước đó.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báotỷ giá có thể sẽ còn một nhịp gập ghềnh phía trước dựa trên triển vọng đồng USD duy trì sức mạnh tương đối và áp lực về cầu ngoại tệ trở lại vào cuối năm.
"Kịch bản cơ sở đối với tỷ giá USD/VND thị trường liên ngân hàng có thể tăng lên 25.500 VND/USD và giảm trở lại còn 25.300 VND/USD vào cuối năm. Kịch bản lạc quan hơn xảy ra với điều kiện hai áp lực kể trên đều được kiểm soát, khi đó, tỷ giá có thể giảm về mức 25.000 VND/USD vào cuối năm", VDSC dự báo.
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, khả năng USD giảm thêm sẽ tương đối thấp, trong bối cảnh NHNN cần bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối và nhu cầu nhập khẩu tăng lên trong nửa cuối năm 2024 để phục vụ các đơn hàng dịp quý IV/2024 và đầu 2025.
Vị này cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có động thái cắt giảm lãi suất, nhưng sẽ là hạ từ từ, chứ không phải "giảm bằng mọi giá" như giai đoạn COVID năm 2020.
"Đồng USD sẽ không rơi sâu như giai đoạn vừa rồi [...]Trong bối cảnh nhu cầu USD vẫn có, tỷ giá sẽ không giảm thêm và quanh mốc 25.000 VND/USD", ông Minh dự báo.