VNDIRECT thấy tín hiệu phục hồi ngay trong quý II từ một doanh nghiệp dệt may

Thùy Dương 15:01 | 16/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sợi Thế Kỷ được VNDIRECT kỳ vọng sẽ là một trong những doanh nghiệp dệt may sớm có tín hiệu phục hồi ngay trong quý II này.

 

Theo báo cáo ngày 15/5 của CTCP chứng khoán VNDIRECT, trong 4 tháng đầu năm, các thị trường nhập khẩu chính của dệt may Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn ghi nhận mức tồn kho cao và nhu cầu yếu.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 4 tháng qua đạt 11 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ (svck), hoàn thành 24,9% kế hoạch năm 2023 (kế hoạch 45 tỷ USD khi thị trường kém khả quan và 47 tỷ USD trong trường hợp thị trường khả quan). Xuất khẩu sợi nhận sụt giảm mạnh nhất về cả đơn hàng và giá trị với mức giảm lần lượt là 13% svck và 33% svck.

 Nhu cầu yếu, giá trị nhập khẩu giảm mạnh.

Là nhà sản xuất nguyên liệu thượng nguồn, VNDIRECT nhận định CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) bị ảnh hưởng sớm hơn so với các công ty hạ nguồn do các khách hàng lớn giảm lượng hàng tồn kho trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng cuối cùng dự kiến sẽ yếu hơn. Do đó, các chuyên gia cho rằng STK sẽ ghi nhận những dấu hiệu phục hồi tương đối sớm so với các doanh nghiệp may mặc. Dù nhu cầu yếu, kết quả kinh doanh của STK vẫn được nhóm phân tích VNDIRECT kỳ vọng khả quan hơn từ quý II. 

Theo đó, VNDIRECT cho rằng nhu cầu đối với sản phẩm dệt may từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU vẫn yếu trong quý II/2023 do lạm phát cao và hàng tồn kho cao từ các thương hiệu thời trang lớn. Theo báo cáo của các thương hiệu thời trang (như Nike, Adidas, Zara), hàng tồn kho của Nike tại ngày 28/2 vừa qua tăng 16% svck, trong khi hàng tồn kho của Adidas và Zara lần lượt tăng 4,3% và 5,1% svck. Puma cho rằng thị trường sẽ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn khi mức tồn kho chung của ngành tăng lên vào năm 2023. Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng doanh thu quý II của STK sẽ tăng so với quý trước nhờ số lượng đơn đặt hàng được cải thiện.

Theo ban lãnh đạo STK, từ đầu năm đến nay, sản lượng bán ra trong tháng 4 và tháng 5 tăng nhẹ so với tháng 3. STK đã vận hành trở lại nhà máy Củ Chi (chiếm 1/3 năng lực sản xuất của công ty) từ cuối quý trước. Bên cạnh đó, công ty đã nhập khẩu POY (dạng chính của sợi Polyester) để sản xuất sợi nguyên sinh đặc biệt có giá trị cao giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp trong quý này.

Trong báo cáo mới, VNDIRECT dự phóng doanh thu của STK trong quý II sẽ tăng 15% so với quý trước.

Trước đó, VNDIRECT nhận thấy STK cũng trải qua giai đoạn 2016 - 2017 khó khăn do sức cầu toàn cầu yếu. Công ty đã mất 3 quý để phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2017. Như vậy, nhìn chung, lãi ròng của STK được kỳ vọng hồi phục trong quý III năm nay nhờ lạm phát hạ nhiệt tại các thị trường xuất khẩu chính và khách hàng bổ sung hàng tồn kho để sản xuất cho quý đầu năm sau.

Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng các đơn hàng mùa xuân và hè 2024 sẽ giúp doanh thu nửa cuối 2023 phục hồi so với 6 tháng đầu năm và mùa thu đông 2024 sẽ là động lực lớn hơn cho việc nối lại các đơn hàng.

Nhóm phân tích dự báo lãi ròng của STK sẽ đạt 150 tỷ đồng, tăng 63% svck trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, VNDIRECT cũng hạ dự phóng tổng lãi ròng 2023 xuống 29,1% so với dự phóng trước đó do kết quả kinh doanh quý I của công ty thấp hơn dự kiến.

Cụ thể,  quý I vừa qua, nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của STK.

Doanh thu STK giảm 55,1% svck xuống 288 tỷ đồng do công ty tập trung giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho và khách hàng trì hoãn đơn hàng do hàng tồn kho cao. Trong quý, doanh số bán hàng và giá bán trung bình (ASP) của sợi nguyên sinh lần lượt giảm 59% svck và 5% svck, trong khi doanh số bán ra từ sợi tái chế giảm 58,8% svck. Biên lãi gộp giảm 11,2 điểm % svck xuống 6,3% chủ yếu do biên lãi gộp mảng sợi tái chế giảm 9%. Sau thuế, công ty chỉ đạt 1,6 tỷ đồng lãi ròng, giảm 98% svck và là mức thấp nhất kể từ 2016, đồng thời thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của VNDIRECT.  

Cho năm 2024, lãi ròng của STK được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh, đạt 323 tỷ đồng tương ứng tăng 66% svck nhờ nhu cầu bị dồn nén và đóng góp từ nhà máy Unitex tăng 60% công suất.

 VNDIRECT thay đổi dự phóng cho STK giai đoạn 2023 - 2024

 
 

Vẫn có cơ hội cho kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 47-48 tỷ USD trong năm nay

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng cao hơn mức đạt kỷ lục của năm 2022 như đã đề cập phần trên. Theo đó, 2 kịch bản tăng trưởng của ngành lần lượt là kịch bản tích cực với xuất khẩu dệt may có thể đạt 47 - 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là khoảng 45 - 46 tỷ USD, vẫn cao hơn mức hơn 44 tỷ USD của năm ngoái.

Theo nhận định ThS. Lưu Thị Duyên và ThS. Nguyễn Hữu Bình trên tạp chí Con số và Sự kiện, trong điều kiện kịch bản thuận lợi, những bất ổn từ thị trường thế giới có thể được kiểm soát, ngành may mặc dự báo phục hồi vào cuối quý I năm 2023. Vì vậy, kịch bản tích cực trên có thể đạt được. Tuy nhiên, kịch bản 2 ít thuận lợi khi thị trường phục hồi vào nửa cuối năm 2023, mức độ tăng trưởng vào khoảng 4,5% và cán mức ở mức 45 tỷ USD.

Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng nước ta có cơ sở để đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm nay cao hơn năm 2022. Đó là thông tin về các hiệp định thương mại là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng.

Trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Banglades, Myanma sang.

Ngoài ra, dệt may Việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Điều đó được xem là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất. Theo thống kê sơ bộ của Vitas, hiện dệt may đã nội địa hóa được khoảng 49%, trong giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến con số này sẽ được nâng lên mức 51 - 55%.