VNG và hành trình từ một phòng chơi game tới kỳ lân đầu tiên tại Việt Nam

Lê Hồng Quý 10:00 | 07/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhà sáng lập VNG đã bắt đầu kinh doanh từ một cửa hàng game để xây dựng nên hệ sinh thái công nghệ của VNG như ngày nay.

Năm 2014, VNG được World Startup Report đánh giá đã đạt trạng thái kỳ lân (thuật ngữ chỉ startup công nghệ đạt định giá 1 tỷ USD trở lên). Đây là một cột mốc đáng nhớ cho giới khởi nghiệp khi Việt Nam lần đầu tiên có kỳ lân công nghệ.

VNG đã mất 10 năm kể từ khi thành lập để đạt mức định giá tỷ đô và phải 6 năm sau khi VNG làm được điều này, Việt Nam mới có một kỳ lân thứ hai (VNLife).

Là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam, VNG hiện đã xây dựng được nhiều thương hiệu trong hệ sinh thái của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau như mạng xã hội (Zalo), tin tức (Zing News), tài chính (ZaloPay), thương mại điện tử (hiện là cổ đông lớn tại Tiki) và đặc biệt là gaming, mảng kinh doanh đầu tiên của VNG.

1.7 tỷ tin nhắn mỗi ngày được trao đổi qua Zalo. (Ảnh: Nikkei)

Đầu năm 2021, Zalo công bố có 64 triệu người dùng thường xuyên với 1,7 tỷ tin nhắn gửi đi mỗi ngày. Báo cáo Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021 của Adsota cũng cho biết Zalo đã soán ngôi Facebook Messenger ở vị trí ứng dụng nhắn tin được yêu thích nhất Việt Nam.

Trong khi đó, ZaloPay cũng là một trong những ví điện tử phổ biến. Một báo cáo thị trường của Cimigo năm 2020 chỉ ra rằng ZaloPay nằm trong top 3 ví điện tử lớn tại thị trường nội địa.

Tiki hiện là sàn thương mại điện tử nội lớn nhất, xét về lượng truy cập hàng tháng. Dẫu vậy, cũng giống như các thị trường khác tại Đông Nam Á (trừ Indonesia), các sàn thương mại điện tử bản địa đều đang gặp khó khăn khi cạnh tranh về độ phủ với Lazada và Shopee.

Bắt đầu từ một cửa hàng game

Thương hiệu VNG (với tên gọi ban đầu là Vinagame) bắt đầu được cộng đồng "game thủ" biết đến rộng rãi thông qua tựa game Swordsman Online. Đây vốn là game của nhà sản xuất Kingsoft (Trung Quốc). Đội ngũ Vinagame khi ấy đã thuyết phục thành công Kingsoft cho phép phát hành game ở Việt Nam với cái tên "Võ Lâm Truyền Kỳ" vào năm 2005.

Võ Lâm Truyền Kỳ, một trong những tựa game bước ngoặt đưa tên tuổi VNG đến với cộng động gamer.

Thời điểm đó, ngoài các game offline thì hầu hết các tựa game online được chơi nhiều tại quán net hầu hết đều là bản lậu (private). Võ Lâm Truyền Kỳ khi ấy đã trở thành một cơn sốt đích thực khi có độ phủ rộng khắp các quán net trên toàn Việt Nam.

Thế nhưng không phải ai cũng biết rằng trước khi khởi nghiệp với Vinagame, nhà sáng lập đã bắt đầu kinh doanh với một quán game. Năm 2003, ppng Lê Hồng Minh (nhà sáng lập VNG) lúc đó vừa điều hành cửa hàng game trong khi ông vẫn còn đang là một nhân viên trong lĩnh vực tài chính. Một năm sau đó, ông quyết định nghỉ việc và bắt đầu hành trình xây dựng nên VNG như ngày nay.

Nhiều năm sau đó, game vẫn là một trong những mảng kinh doanh mũi nhọn của VNG. Tại Đại hội đồng Cổ đông năm 2018, VNG tuyên bố sở hữu 35% thị phần mảng game trên máy tính (PC) và 50% thị phần mảng game di động nội địa và mảng game và nội dung số vẫn tiếp tục có dư địa phát triển.

Ở mảng game di động, Sensor Tower cho biết riêng tựa game "PUBG Mobile VN - Tiệc sắc màu" ra mắt năm 2018 đang là mũi nhọn của VNG khi có thể đem về cho công ty 200.000 USD trong tháng gần nhất với hơn 100.000 lượt tải xuống trên kho ứng dụng. "Call Of Duty" Mobile VN" cũng đang là một tựa game hot trên kho ứng dụng của VNG.

PUBG Mobile là tựa game mũi nhọn của VNG ở thời điểm hiện tại.

Tới hệ sinh thái tương lai

Mở rộng danh mục kinh doanh và đầu tư ngược vào các startup là một quy trình mà nhiều công ty khởi nghiệp bắt đầu nghĩ tới sau khi đạt trạng thái kỳ lân. VNG cũng không phải ngoại lệ khi hiện tại công ty đã đầu tư và sở hữu cổ phần ở các startup ở nhiều lĩnh vực khác nhau như Tiki (thương mại điện tử); EcoTruck (công nghệ vận tải); Got It (nền tảng tặng quà) và mới nhất là Heagin (công ty game metaverse của Hàn Quốc).

Cuối năm 2020, Zalo AI cũng đã giới thiệu ứng dụng Kiki cho loa thông minh, dựa trên các công nghệ giống như của Alexa (Google) và Siri (Apple). Đây có thể là cột mốc đánh dấu việc đẩy mạnh đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, một trong những ngành nhận được nhiều sự quan tâm trong tương lai.

Bắt đầu ở mảng game và dần lấn sân sang các mảng kinh doanh công nghệ khác, VNG đang khiến nhiều người nhớ đến Sea, một kỳ lân lớn khác trong ở khu vực Đông Nam Á.

Bắt đầu với thương hiệu Garena ở mảng game, Sea dần tái cơ cấu để đa dạng danh mục kinh doanh. Hiện tại, công ty gốc Singapore đang sở hữu một số thương hiệu quen mặt với người Việt như Shopee, Garena, ShopeeFood hay Giao Hàng Tiết Kiệm.

Cả VNG và Sea đều là những kỳ lân đầu tiên ở Đông Nam Á, với cùng một định hướng ở giai đoạn đầu (thậm chí là cùng đổi tên để tái cơ cấu danh mục kinh doanh).

Dù là người chơi gia nhập thị trường sau ở một số mảng kinh doanh (cụ thể nhất là Shopee), nhưng Sea sau đó đã có những bước nhảy thần tốc để chiếm lĩnh thị trường ở một số quốc gia. Có thời điểm, giá trị vốn hóa của Sea trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ) vượt mốc 100 tỷ USD và là công ty lớn nhất khu vực.

Trên thực tế, có những nguồn tin cho hay VNG cũng đã từng kí một thỏa thuận ghi nhớ để niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2017. Tuy nhiên sau đó kế hoạch này không diễn ra như dự kiến. Năm ngoái, tờ Bloomberg tiếp tục đưa tin VNG có thể sẽ "lên sàn" thông qua một thỏa thuận với công ty chuyên thâu tóm sáp nhập chuyên dụng (SPAC).

Quý I/2022, VNG đạt doanh thu thuần gần 1.050 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí phát sinh (chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp) tăng khiến VNG báo lãi 11,7 tỷ đồng trong quý I, giảm sâu so với 67,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.