Vốn khủng đổ vào ứng dụng công nghệ bất động sản

Reatimes 14:19 | 25/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lĩnh vực mới nổi là các start-up ứng dụng công nghệ bất động sản (proptech) đang đón nhận nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Proptech hứng dòng vốn lớn

Từ đầu năm 2021, trên thị trường đã xuất hiện hàng loạt thương vụ đầu tư, góp vốn, mua bán - sáp nhập (M&A) vào lĩnh vực proptech. Cách đây ít ngày, ứng dụng đặt phòng ngắn hạn Go2Joy đã nhận thêm khoản đầu tư 1,3 triệu USD từ SV Investment.

Chỉ mấy tháng trước, Go2Joy nhận khoản đầu tư 2,5 triệu USD tại vòng Series A của HB Investment và Platform Partners Asset Management. Trước đó, tháng 2/2020, STIC Ventures, KB Investment, Wonik Investment Partners và Wadiz Platform đầu tư vào Go2Joy tổng cộng 2,5 triệu USD trong Series A.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, Go2Joy đã 3 lần nhận vốn, với tổng giá trị đầu tư lên đến 6,1 triệu USD.

Tháng 3/2021, ứng dụng công nghệ bất động sản Citics đã huy động được 1 triệu USD trong vòng pre-series A từ Vulpes Investment Management, Nextrans, The Ventures. Trước đó, Citics đã huy động được 700.000 USD từ các nhà đầu tư “thiên thần”.

Cùng thời điểm, start-up proptech Homebase cũng cho biết đã kêu gọi thành công vốn đầu tư từ vườn ươm công nghệ nổi tiếng nước Mỹ là Y Combinator (YC). Trước đó, start-up Homebase đã gọi vốn thành công trong vòng Series A từ VinaCapital, Quỹ đầu tư công nghệ toàn cầu Pegasus (Mỹ), Quỹ đầu tư 1982 Ventures (Singapore).

Vào tháng 2/2021, Cen Land đã hoàn tất thâu tóm 100% nền tảng bất động sản công nghệ Cenhomes.vn, sau khi nhận chuyển nhượng 2,45 triệu cổ phần, tương ứng 49% vốn điều lệ của Cen Homes.

Trong khi đó, start-up A.Plus Home cho biết, đã huy động thành công 8 triệu USD từ Quỹ đầu tư Daiwa PI Partners (Nhật Bản), với mức định giá doanh nghiệp là 1.000 tỷ đồng. Hay như start-up RealStake cũng huy động thành công khoản đầu tư vòng hạt giống từ 500 Startups Vietnam và các nhà đầu tư “thiên thần”…

Thị trường proptech tại Việt Nam đã nhanh chóng trở thành lĩnh vực start-up mới nổi với hàng loạt start-up ra đời. Trong năm 2020, đã xuất hiện nhiều thương vụ gây chú ý lớn như start-up Propzy gọi vốn thành công 25 triệu USD, Rever được VinaCapital Ventures rót thêm 4 triệu USD…

Ước tính, thị trường đang có gần 100 proptech, với 80% nền tảng proptech là công ty nước ngoài hoặc được rót vốn từ nhà đầu tư ngoại. Tất cả đang nhắm tới miếng bánh doanh thu khoảng 500 triệu USD tại thị trường Việt Nam.

Sẽ sớm bùng nổ

Thị trường bất động sản quy mô 21 tỷ USD, dân số trẻ nhanh nhạy với công nghệ là môi trường lý tưởng để proptech phát triển. Đặc biệt, khi cạnh tranh, bán hàng, quảng bá trên nền tảng số ngày càng mạnh mẽ, thì nhà đầu tư bất động sản phải đầu tư lớn, thuê dịch vụ hoặc mua lại các start-up về proptech.

Lý giải sự bùng nổ, tăng trưởng mạnh mẽ của proptech tại Việt Nam trong thời gian gần đây, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Vietnam nhận định, đầu tiên là do tiềm năng rộng lớn của thị trường bất động sản Việt Nam. Thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn non trẻ với rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Proptech có khả năng đưa ra giải pháp khắc phục được những vấn đề tồn đọng này.

Thứ nữa, người Việt có sự am hiểu nhất định về công nghệ và có khả năng tiếp nhận tốt với công nghệ mới. Thị trường proptech lại đang khai thác nhóm dân số am hiểu công nghệ này, đặc biệt là nhóm cư dân trong các tòa nhà chung cư, sử dụng các ứng dụng quản lý bất động sản.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cen Land cho biết, proptech tại Việt Nam là một thị trường mới nổi, đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như cộng đồng khởi nghiệp. Tuy nhiên, chưa có một nền tảng hay ứng dụng nào mang tầm cỡ khu vực và thế giới. Những nền tảng có thành công bước đầu đã nhanh chóng bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư ngoại. Vì thế, việc xây dựng một nền tảng “Make in Vietnam” có ý nghĩa to lớn, đặc biệt trong ngành bất động sản.

“Tiềm năng proptech đã thúc đẩy các doanh nghiệp như Cen Land phải chuyển đổi để bắt kịp xu hướng thời đại”, ông Hưng cho biết.

Còn ông Simon Byun, CEO Go2Joy cho biết, Go2Joy đi vào thị trường ngách propetch, nhắm đến đối tượng khách hàng sử dụng khách sạn tại địa phương với mô hình đặt phòng ngắn hạn, theo giờ.

“Trên thị trường, đa số OTA (đại lý du lịch trực tuyến) thường hợp tác với các khách sạn 3-4 sao trở lên và nhắm đến đối tượng khách du lịch. Điều này có nghĩa là hầu hết khách sạn 1-2 sao tại địa phương bị các OTA bỏ ngỏ. Đó là cơ hội cho chúng tôi”, CEO của Go2Joy cho biết.

Còn ông Trần Minh Long, sáng lập, kiêm CEO của Citics cho biết, xuất phát từ tồn tại lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nguồn thông tin kém minh bạch, rời rạc và manh mún, khiến các giao dịch phức tạp, mất nhiều thời gian và kém hiệu quả, Citics đặt mục tiêu xây dựng một nền tảng dữ liệu bất động sản toàn diện để hỗ trợ các giao dịch liên quan bất động sản (mua, bán, định giá, thuê, cho vay, đầu tư…).

Trong khi đó, CEO của Propzy, ông John Le dẫn câu chuyện của Opendoor, một proptech Mỹ có thể đưa ra định giá một ngôi nhà chỉ sau vài giây tính toán. Để có khả năng này, Opendoor đã có lượng dữ liệu khổng lồ trong quá khứ và tiếp tục sàng lọc, tích lũy thêm thông tin thị trường hiện tại.

Ông John Le cho rằng, khi thị trường xuất hiện một nền tảng dữ liệu có quy mô lớn và chất lượng, lợi ích sẽ rất lớn. Ngoài tăng tính minh bạch, các bên khi mua - bán sẽ tiết kiệm thời gian và công sức, giảm chi phí. Như vậy, cả chủ đầu tư, đại lý môi giới và khách hàng đều có thể hưởng lợi.

Theo đánh giá của ông John Le, proptech ở Việt Nam mới đi những bước đầu. Một doanh nghiệp muốn dẫn đầu xu hướng proptech ở Việt Nam, việc phải làm là kiểm soát chất lượng tin và sau đó tạo ra trải nghiệm thuận tiện nhất cho người dùng.

Theo nghiên cứu của EY và CREtech, 75,2 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đã đổ vào các start-up proptech, với các nền tảng nổi bật như Hover, Compass, Opendoor, RealtyShares, Purplebricks…

Savills Impacts dự báo, trong giai đoạn 2020 - 2026, quy mô của thị trường lưu trữ dữ liệu công nghệ thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ 4,5%/năm và đạt 251 tỷ USD vào năm 2026.