Vụ gang thép Thái Nguyên: Cựu Chủ tịch VNS nói bị kết tội 'hơi nặng', phủ nhận tẩu tán tài sản

10:14 | 14/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Mai Văn Tinh khai luôn làm việc vì lợi ích ngành thép nên kết tội ông trong vụ án tại Gang thép Thái Nguyên là "hơi nặng". Mặt khác, ông phủ nhận việc tẩu tán tài sản khi chuyển nhượng căn hộ cho con gái.

Ngày 13/4, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát hơn 830 tỷ đồng xảy ra tại Ban quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên tiếp tục với phần xét hỏi.

Bị cáo Mai Văn Tinh, cựu chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) trả lời các cáo buộc của VKS về việc không chỉ đạo dừng, xem xét chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc khi phát hiện sai phạm.

Bị cáo nói, trước đó chỉ phụ trách mảng kinh doanh nên không rõ vụ việc này. Thời điểm ông nhậm chức tháng 3/2007, dự án giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên đang trong giai đoạn rất bế tắc. Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu hợp đồng trọn gói giá trị hơn 160 triệu USD, ký kết trực tiếp với công ty con của VNS là Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Nhưng 11 tháng sau, MCC chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu, rút hết người về nước đồng thời nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và điều chỉnh tổng giá hợp đồng tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng).

Xét xử vụ gang thép Thái Nguyên: Lời khai cựu Chủ tịch VNS

Bị cáo Mai Văn Tinh bị dẫn giải tới tòa

Thời điểm đó, với cương vị chủ tịch HĐQT của VNS, bị cáo khai mong muốn triển khai vì đó là dự án trọng điểm của nhà nước. "Chính Công ty Gang thép Thái Nguyên, trước đó cũng do phía Trung Quốc xây dựng và lắp đặt nên không ai có ý kiến gì việc dừng dự án cả, chỉ bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn".

Về cáo buộc VNS và công ty con TISCO đã chấp nhận đề nghị của phía nhà thầu Trung Quốc, chủ động lựa chọn nhà thầu phụ là Tổng công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) để thực hiện hạng mục C, tức phần xây lắp dự án. Khi phát hiện không đủ năng lực VINAINCON đã trả lại các phần việc cho TISCO.

Ông Tinh khai việc lựa chọn nhà thầu phụ là "nghe theo giới thiệu" của cơ quan chủ quản của VNS là Bộ Công Thương. "Theo tôi khi đó VINAINCON là nhầu tốt nhất, hiệu quả nhất rồi. Hơn nữa, thẩm quyền chọn nhà thầu phụ không thuộc về chúng tôi mà của tổng thầu MCC", bị cáo khai.

Bị cáo Tinh thừa nhận "có sai sót,làm việc chưa cặn kẽ sâu sát và quá tin tưởng anh em cấp dưới" nhưng vẫn một mực khẳng định bản thân "chưa từng làm gì mà không được cấp trên cho phép" trong quá trình tìm cách tháo gỡ khó khăn dự án. Do đó, bị cáo cho rằng "VKS quy kết tội cho tôi như vậy là hơi nặng".

Theo cáo trạng, ông Tinh bị cáo buộc là người chỉ đạo không xem xét chấm dứt gói thầu với MCC; chỉ đạo đàm phán với MCC để giải quyết các phát sinh của hợp đồng EPC số 01#, ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chi phí phần lắp đặt của dự án.

Đồng thời, ông Tinh còn còn ký văn bản đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực làm nhà thầu phụ thực hiện phần C; phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án trong đó có dự phòng cho phần C của hợp đồng EPC số 01# tăng thêm 15,57 triệu USD không có cơ sở pháp lý, dù biết rõ đây là hợp đồng trọn gói.

VKS xác định các hành vi của ông Tinh dẫn đến việc TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư, không ràng buộc được các nhà thầu về tiến độ dự án. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chậm tiến độ, phát sinh lãi vay, tăng chi phí đầu tư, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Tại tòa, luật sư đặt câu hỏi thẩm vấn về việc bị cáo Tinh tẩu tán tài sản. Trước đó, ngày 6/12/2019, CQĐT đã kê biên căn hộ chung cư diện tích 144m2 ở số 88 Láng Hạ, Hà Nội của ông Tinh.

Về vấn đề này, cựu Chủ tịch VNS cho biết, đó là tài sản phấn đấu cả đời của bị cáo, đã tặng lại cho con gái trước thời điểm khởi tố vụ án nên không có chuyện “tẩu tán tài sản”.

Xem thêm: Xét xử vụ gang thép Thái Nguyên: 830 tỷ có phải là thiệt hại cuối cùng

 

Hà Ly